Trong hai ngày 1 - 2/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - Vietnam Smart City Summit 2022 chủ đề “Hạ tầng pháp lý - thúc đẩy phát triển đô thị thông minh”.

Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa cho biết năm nay là năm thứ 6 hội nghị thành phố thông minh Việt Nam được tổ chức.

Theo Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển thành phố thông minh nhưng cũng không ít thách thức. Một trong những khó khăn lớn chính là hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho hợp tác công – tư, đặc biệt là thủ tục liên quan đến: đầu tư, đấu thầu, và thuê dịch vụ CNTT. Thêm vào đó, các đô thị chưa chú trọng quy hoạch thông minh, thông minh hóa các hạ tầng cơ bản, thiết yếu.

“Vì vậy, hội nghị thành phố thông minh Việt Nam 2022, mong muốn các nhà quản lý, các chuyên gia bàn thảo, và kiến nghị những phương giải quyết cụ thể cho 02 nhóm vấn đề này”, ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ TT&TT cam kết tiếp tục đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương trong triển khai chuyển đổi số và phát triển ICT trong đô thị thông minh.

Trao đổi tại phiên khai mạc vào chiều ngày 1/12, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng với các đô thị, thành phố. Chủ trương, chính sách phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam được đưa ra từ tháng 8/2018 tại Quyết định 950 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Nghị quyết 06 mới ban hành, Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định quyết tâm phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam, nhấn mạnh đến việc tái cấu trúc hạ tầng CNTT, hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị; đẩy nhanh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển ĐTTM.

“Về bản chất, phát triển ĐTTM cũng chính là chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô đô thị và lấy người dân làm trung tâm. Đây là một quá trình liên tục, lâu dài và là vấn đề lớn cần tổ chức nguồn lực để triển khai, đặc biệt là cần làm và có tư duy phát triển ĐTTM ngay từ khi lập quy hoạch. Trong đó, các cơ quan Trung ương tập trung vào ban hành chính sách, tiêu chuẩn kết nối, tiêu chuẩn dữ liệu, việc tổ chức triển khai hiệu quả là trách nhiệm của các địa phương”, Thứ trưởng lưu ý.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng cho biết, phát triển ĐTTM tại Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định, song theo đánh giá của Bộ TT&TT, các địa phương chủ yếu tập trung vào phát triển và cung cấp các dịch vụ, tiện ích ĐTTM gắn với các dịch vụ của chính quyền điện tử, chính quyền số. Chưa chú trọng đến công tác quy hoạch và quản lý ĐTTM để giải quyết căn cơ các bài toán của đô thị như giao thông, năng lượng, môi trường… Do đó, có những chỗ hiệu quả mang lại chưa như mong muốn, chưa thực sự đi vào chiều sâu, chưa đạt được kết quả cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống và mức độ hài lòng của người dân.

Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA Nguyễn Nhật Quang nêu khuyến nghị với các địa phương trong phát triển ĐTTM.

Tại hội nghị, đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia cho biết, Bộ TT&TT đã sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM Việt Nam phiên bản 1.0, trên cơ sở tham khảo tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế ISO.

Nhấn mạnh việc xây dựng Kiến trúc ICT phát triển ĐTTM có ý nghĩa quan trọng, song đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia cũng cho biết trong khoảng 50 địa phương đã và đang triển khai ĐTTM, mới có hơn 20 địa phương ban hành Kiến trúc ICT phát triển ĐTTM.

“Dự kiến trong năm 2023 chúng tôi sẽ nghiên cứu, tham mưu, trình Lãnh đạo Bộ ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM phiên bản 2.0 trên cơ sở kế thừa từ phiên bản 1.0, có bổ sung các thành phần mới phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm gắn kết với quá trình chuyển đổi số tại địa phương”, đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia cho hay.

Chia sẻ góc nhìn của chuyên gia, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA Nguyễn Nhật Quang khuyến nghị, cần cấy “gen 3Q” vào các đô thị bao gồm: Quy hoạch - tức là hạn chế nguồn lực càng cần thông minh, thông minh hóa cái cũ, và cái mới thì phải thông minh từ đầu; Quy chế - quy chế phải thuận lợi mới khuyến khích mọi thành phần cùng chung tay vào cuộc; Quy chuẩn – phải có chuẩn, chuẩn kết nối, liên thông, từ hạ tầng cơ bản đến hạ tầng số.