Đưa Internet thành hạ tầng chính kiến tạo xã hội số

Chuỗi sự kiện chuyên sâu về Internet - VNNIC Internet Conference 2022 với chủ đề “Tương lai của Internet” được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Bộ TT&TT tổ chức từ ngày 22/6 đến 25/6 tại Đà Nẵng.

Sự kiện đã quy tụ đại diện lãnh đạo, cán bộ các cơ quan nhà nước, các chuyên gia tại các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Viễn thông, Internet, cả các giảng viên, sinh viên – thế hệ tương lai của Internet Việt Nam và đặc biệt có sự tham dự của các chuyên gia quốc tế hàng đầu về Internet.

Trong phát biểu khai mạc phiên hội thảo chính vào ngày 24/6, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, Năm 2022 là năm kỷ niệm 25 năm Internet Việt Nam, và cũng là 10 năm thế giới chính thức chuyển đổi Internet sang IPv6. Việt Nam đã mạnh dạn đi sớm, cùng nhịp với thế giới trong việc triển khai IPv6. Đến nay, Việt Nam đã có hơn 70,3% người dân sử dụng Internet. Về sử dụng IPv6, Việt Nam đang nằm trong top 10 thế giới.

“Sự phát triển của công nghệ Internet ngày càng diễn ra nhanh chóng, công nghệ mới đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức và chúng ta cần phải chung tay để giải quyết”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu khai mạc phiên hội thảo chính "Tương lai của Internet".

Đặt kỳ vọng các tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia tham dự VNNIC Internet Conference 2022 cùng thảo luận, kết nối, hợp tác để giải quyết những “bài toán lớn” hướng đến phát triển tương lai Internet Việt Nam, Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng chỉ rõ mục tiêu phát triển Internet Việt Nam trở thành hạ tầng chính, kiến tạo xã hội số an toàn, hiện đại, nhân văn.

Đại diện Bộ TT&TT cũng đã nêu ra 5 định hướng lớn, trong đó phát triển Internet Việt Nam, trước hết là cần phát triển nhanh, hiện đại, bền vững theo quan điểm thu hẹp khoảng cách số, phổ cập để toàn bộ người dân lên môi trường số, không ai bị bỏ lại phía sau.

Cụ thể, truy cập Internet băng rộng tới 100% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ Internet băng siêu rộng đến người dùng; 100% người dân có smartphone truy cập Internet.

Cùng với đó, phổ cập tên miền quốc gia .VN, hiện diện trực tuyến của người dân, doanh nghiệp với tên miền quốc gia .VN để khai thác giá trị tài nguyên Internet quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Tên miền quốc gia Việt Nam .VN đạt tối thiểu 1 triệu tên miền, nằm trong top 20-30 thế giới.

Định hướng lớn thứ hai là phát triển hạ tầng mạng lõi Internet Việt Nam và phát triển nhanh, mạnh mạng Internet trong nước. Theo đó, tập trung mở rộng kết nối Internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới trạm trung chuyển Internet (IXP), tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX.

Mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực. Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6).

Đồng thời, phát triển các IDC, đặc biệt IDC trung lập, nền tảng Cloud, CDN, các dịch vụ số trong nước đủ năng lực phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp và cạnh tranh với các sản phẩm của nước ngoài.

Nhấn mạnh định hướng phát triển Internet phải đảm bảo an toàn, Thứ trưởng Phạm Đức Long phân tích: An toàn phải giải quyết từ gốc, từ kết nối định tuyến mạng. Việt Nam cần chủ động trong các tình huống, đảm bảo hoạt động liên tục của mạng Internet Việt Nam trong điều kiện bình thường và đặc biệt khi kết nối quốc tế có vấn đề.

Một định hướng lớn nữa, theo đại diện Bộ TT&TT, đó là phát triển chính sách hiện đại, cởi mở, kịp thời: “Sự thay đổi của công nghệ, các giao thức Internet mới cũng làm nảy sinh các vấn đề quản lý cần giải quyết, vì thế cần có các hành lang pháp lý sửa đổi, xây dựng mới để tạo không gian phát triển, điều chỉnh các hành vi mới phù hợp”.

Xây dựng cộng đồng Internet để chung tay cùng phát triển cũng là định hướng lớn cho chặng đường phát triển thời gian tới. Sự phát triển, cải tiến của công nghệ Internet ngày càng diễn ra nhanh chóng, đòi hỏi sự nhạy bén, chuyển mình của các tổ chức, doanh nghiệp cũng như sự định hướng đúng đắn của chính phủ, sự hợp tác, chung tay của cả cộng đồng Internet Việt Nam.

Tương lai của Internet gắn với sự bùng nổ các công nghệ mới

Trao đổi tại VNNIC Internet Conference 2022, đại diện các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia trong nước và quốc tế đã tập trung thảo luận về tương lai của Internet Việt Nam cùng những thách thức trong quá trình hội nhập xu thế phát triển chung, các công nghệ Internet tương lai trên thế giới.

VNNIC Internet Conference 2022 tạo diễn đàn cho các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ tầm nhìn, sứ mệnh và chung tay phát triển bền vững Internet Việt Nam.

Theo các chuyên gia, hiện nay, sự phát triển, cải tiến của công nghệ Internet ngày càng diễn ra nhanh chóng. Tương lai của Internet gắn với sự bùng nổ các công nghệ mới như IoT, Cloud Computing, AI, Blockchain, 5G/6G, Cloud... Internet được chuyển đổi sang thế hệ mới hoạt động với IPv6; kết nối Internet được thực hiện mọi lúc mọi nơi, đa dạng hình thức kết nối, trở thành Internet của vạn vật.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, tương lai của Internet sẽ không chỉ dừng ở việc chuyển đổi sang IPv6 để giải quyết nhu cầu về tài nguyên Internet. Sự kết hợp IPv6 với các công nghệ tiên tiến, hình thành các mạng “IPv6 +” sẽ tạo ra tính đột phá và cải tiến cho mạng Internet tương lai.

Các phân tích của Viện tiêu chuẩn Viễn thông châu Âu (ETSI) cho thấy, công nghệ cải tiến IPv6 (IPv6+AI, IPv6+SRv6…) sẽ trở thành xu hướng chính để nâng cấp và cải tiến mạng Internet; đồng thời tác động trực tiếp đến GDP của một quốc gia, tạo ra nền tảng số hóa cho nhiều ngành công nghiệp.

Vân Anh