Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong quý 4/2022 đã tăng 32% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thanh toán trên Internet tăng 48,4% về số lượng giao dịch và 32,7% về giá trị giao dịch. Thanh toán di động đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, lên đến 97,7% về số lượng giao dịch và 86,7% về giá trị giao dịch. Số lượng giao dịch thanh toán qua quét mã QR cũng tăng tới 56,6%.

Đại diện Vietcombank cho biết, trong 3 năm đại dịch, hành vi của người tiêu dùng đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Thanh toán không tiền mặt giờ đây xuất hiện mọi nơi trong cuộc sống của người dân. Có 2 nguyên nhân chính lý giải điều này. Thứ nhất do quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, tiếp đó là tác động đa chiều của đại dịch Covid-19 khiến thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu. 

Người dân đã hiểu được những lợi ích mà thanh toán không dùng tiền mặt đem lại. Ảnh: Anh Phương

Báo cáo hành vi người tiêu dùng của VISA năm 2022 cho thấy, có đến 76% người dùng cho biết tiếp tục sử dụng ví điện tử sau đại dịch, 82% sẽ sử dụng dịch vụ thẻ sau khi Covid-19 đi qua.

Trên thực tế, người Việt ngày càng ưu tiên cho các thanh toán kỹ thuật số, khi 63% người cho hay sẽ mua sắm nhiều hơn tại các cửa hàng chấp nhận loại hình giao dịch này. Sự sẵn sàng này của người Việt chỉ đứng sau Malaysia trên toàn khu vực. Ba lý do quan trọng giúp người dân trở nên quen thuộc và thoải mái với những công nghệ này là nhờ sự tiện lợi, dễ truy cập và quyền riêng tư.

Người dân đã hiểu được những lợi ích mà thanh toán không dùng tiền mặt đem lại. Nếu như trước đây mỗi người luôn phải mang theo tiền mặt khi đi ăn uống, mua sắm thì giờ đây chỉ với một tấm thẻ hay điện thoại di động là đã hoàn tất quá trình thanh toán. Các cửa hàng, quán cafe, siêu thị... đã chuẩn bị sẵn những thiết bị cần thiết để người tiêu dùng có thể thanh toán bằng nhiều phương thức khác nhau, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người bán và người mua. Mặt khác, do có độ chính xác cao nên khi sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, người mua không phải lo lắng xem kiểm đếm đúng, đủ tiền hay chưa, người bán không phải xem trả lại tiền đúng chưa?

Chưa kể, thanh toán kỹ thuật số còn mang đến cho khách hàng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm kích cầu tiêu dùng, đồng thời mở rộng mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt ở phạm vi rộng hơn. 

Điều đáng chú là không chỉ người dân thành phố có thu nhập cao ưu tiên cho các giao dịch số. Người có thu nhập thấp và doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tiếp cận gần hơn với các nền tảng thanh toán hiện đại. Những dịch vụ thiết yếu phục vụ cho đời sống có sự tăng trưởng mạnh như chuyển tiền, mua sắm online, thanh toán điện nước, dịch vụ tài chính, giải trí tại nhà…

Thậm chí ngay cả các tiểu thương buôn bán thực phẩm, rau củ quả ở những khu chợ truyền thống cũng chia sẻ về sự tiện lợi của giao dịch quét mã QR.

Mặc dù vậy với vùng nông thôn ở Việt Nam việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khó khăn hơn do thói quen lâu đời cũng như nhiều người lớn tuổi không quen sử dụng các thiết bị điện tử.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, đơn vị này đã cho phép triển khai thí điểm các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn với 3 mô hình ngân hàng hợp tác với các tập đoàn viễn thông, cửa hàng xăng dầu để cung ứng dịch vụ chuyển tiền nhanh tới người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ một số giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới vào lĩnh vực thanh toán để đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích, phù hợp với hành vi tiêu dùng ở khu vực nông thôn. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục tài chính về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm nâng cao nhận thức của người dân, tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng.