Ứng dụng phòng chống dịch PC-Covid vừa cập nhật phiên bản mới 4.1.0 dành cho các thiết bị sử dụng hệ điều hành iOS. Người dùng có thể lên App Store, tìm PC-Covid và chọn cập nhật để nâng cấp ứng dụng trên thiết bị của mình lên phiên bản mới nhất.

Dự kiến phiên bản mới của ứng dụng PC-Covid dành cho các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android sẽ có mặt trên CH Play trong vài ngày tới.

{keywords}
Tính đến ngày 4/11, ứng dụng PC-Covid đã có hơn 28 triệu người dùng.

Để tạo thuận tiện hơn nữa cho người dùng ứng dụng PC-Covid, một trong những thay đổi quan trọng ở phiên bản mới là tính năng quét mã QR offline. Tính năng này cho phép người dùng có thể quét mã QR để ghi nhận vào ra các địa điểm, phục vụ công tác truy vết, khoanh vùng dịch ngay cả khi thiết bị không có kết nối mạng Internet.

Cụ thể, khi người dùng đi đến cơ quan, nhà hàng, địa điểm công cộng... mà thiết bị không có kết nối Internet, họ vẫn có thể quét mã QR. Lúc này, ứng dụng PC-Covid sẽ ghi nhận đã “Kiểm tra thành công” và hiển thị thông báo “Đang gửi thông tin”. Dữ liệu sẽ được cập nhật lên hệ thống ngay khi điện thoại có kết nối Internet trở lại.

{keywords}

Bên cạnh đó, với phiên bản mới, người dùng còn có thể khai báo y tế offline cũng như gửi phản ánh đến nhóm phát triển PC-Covid khi không có kết nối mạng Internet.

Một thay đổi lớn khác trong phiên bản cập nhật mới nhất của ứng dụng PC-Covid là tính năng “Sức khỏe bình thường” (Khai báo y tế nhanh). Với tính năng mới này, thay vì phải mở ứng dụng, chọn mục “Khai báo y tế”, thực hiện khai báo và bấm gửi tờ khai như trước đây, người dùng PC-Covid chỉ cần vào mục “Khai báo y tế” và chọn “Sức khỏe bình thường” là hoàn thành việc khai báo y tế nhanh.

Chỉ trong trường hợp có dấu hiệu bất thường như sốt, ho, khó thở... hoặc di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với người có những dấu hiệu trên, người dùng mới cần khai báo y tế chi tiết ở mục “Khai báo y tế” trong ứng dụng PC-Covid.

Ngoài ra, trong phần thông tin tiêm chủng trên ứng dụng PC-Covid đã cập nhật phiên bản mới, người dùng có thể xem lại được thông tin tiêm chủng chi tiết như số mũi đã tiêm, loại vắc xin đã tiêm, lô vắc xin, cơ sở sản xuất thuốc...

PC-Covid là ứng dụng phòng chống dịch được phát triển và đưa vào vận hành từ cuối tháng 9/2021, trên cơ sở tổng hợp tính năng của các ứng dụng phòng chống dịch trước đó như Bluezone, NCOVI, VHD... và được thiết kế lại sao cho thuận tiện nhất với người dùng. Về cơ bản, PC-Covid có các tính năng chính gồm: Cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; Quét mã QR; Khai báo y tế; Khai báo di chuyển nội địa; Phản ánh của người dân; Thông tin tiêm vắc xin, thông tin xét nghiệm...

Để hỗ trợ hiệu quả công tác phòng chống dịch, PC-Covid hiện là nơi kết nối, hiển thị dữ liệu đã được xử lý từ 7 nền tảng công nghệ, trong đó có khai báo y tế, xử lý phản ánh, kiểm soát ra-vào bằng mã QR, hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả trực tuyến, hỗ trợ truy vết, quản lý cách ly, quản lý tiêm chủng...

Trong thời gian qua, Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia đã liên tục có những cập nhật, điều chỉnh để PC-Covid ngày càng tạo thuận tiện hơn cho người dùng tham gia công tác phòng chống dịch.

Theo thống kê, tính đến ngày 4/11, ứng dụng PC-Covid đã có hơn 28 triệu người dùng, chiếm 29,21% dân số và 42,03% số smartphone. Năm tỉnh, thành phố có tỷ lệ cài PC-Covid cao nhất lần lượt là Bình Dương, Quảng Ninh, TP.HCM, Bắc Ninh và Bà Rịa – Vũng Tàu. Năm địa phương có tỷ lệ cài PC-Covid thấp nhất gồm Hà Giang, Điện Biên, Bạc Liêu, Lai Châu, Nghệ An.

Vân Anh

Người dùng PC-Covid đã có thể quét mã QR do ứng dụng VNeID tạo ra

Người dùng PC-Covid đã có thể quét mã QR do ứng dụng VNeID tạo ra

Ngoài việc quét mã QR trên căn cước công dân và thẻ bảo hiểm y tế để xem thông tin tiêm chủng, người dùng PC-Covid hiện đã có thể quét được mã QR địa điểm và QR cá nhân do ứng dụng VNeID tạo ra.