Nhận định nêu trên vừa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra khi trả lời câu hỏi của đại biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội vào sáng nay, ngày 6/6/2019, theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ứng dụng mạnh mẽ CNTT khắc phục những vấn đề của du lịch

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng ngày 6/6/2019 (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Chinhphu.vn cũng cho biết, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 6/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lập đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong tất cả các khâu, các lĩnh vực nhằm góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

“Làm sao để mọi tổ chức, người dân kinh doanh du lịch có thể tự giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, địa điểm du lịch ở trên mạng. Tiếp đó thúc đẩy thanh toán điện tử, qua điện thoại di động (hiện tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này ở Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, quý I/2019 đã tăng 97% số giao dịch). Chúng ta đã bắt đầu số hoá các bảo vật quốc gia, các hiện vật quý để đưa lên mạng, giới thiệu. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xử lý tiếng nói nhằm khắc phục tình trạng thiếu hướng dẫn viên những thứ tiếng hiếm để giới thiệu các địa điểm du lịch…”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.

Phó Thủ tướng cũng nhắc đến tầm quan trọng của môi trường không chỉ cho ngành du lịch mà cả sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhắc đến 14 nhóm tiêu chí với 90 tiêu chí cụ thể trong xếp hạng năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Phó Thủ tướng cho biết chỉ tiêu bền vững về môi trường của Việt Nam đang xếp thứ 128 trên thế giới. Nhiều tiêu chí cụ thể như nước thải, mật độ bụi, độ che phủ rừng, bảo vệ đa dạng… đều rất thấp.

“Ngoài các giải pháp đột phá, chúng ta phải tích cực cải thiện những điểm đang còn yếu, trong đó có vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh. Cùng với đó, cần tiếp tục vận động nhân dân, bằng các hành vi thiết thực của mình, tham gia xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện”, Phó Thủ tướng mong muốn.

Trước đó, vào cuối tháng 11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025”.

Đề án hướng đến mục tiêu chung là ứng dụng CNTT nhằm phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chủ động đáp ứng nhu cầu đặc thù, chuyên biệt của thị trường khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối hiệu quả với các chủ thể liên quan, tạo môi trường cho cộng đồng, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phù hợp với xu hướng của cuộc CMCN 4.0, đáp ứng yêu cầu về đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của của du lịch Việt Nam.

Mục tiêu Đề án đặt ra đến năm 2020 là hoàn thành việc số hóa toàn bộ các dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú trong cả nước do cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương quản lý; hình thành hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và khách du lịch; phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến.

Cùng với đó, kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp du lịch; cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh của ngành du lịch về nhu cầu tìm kiếm thông tin số của du lịch Việt Nam lên ít nhất 2 bậc và hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá và phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam lên ít nhất 25 bậc so với đánh giá năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Đến năm 2025 phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với Hệ tri thức Việt số hóa và các mô hình đô thị thông minh; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý du lịch ảo và các công nghệ tiên tiến khác phục vụ du khách, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 4 quốc gia dẫn đầu về năng lực cạnh tranh du lịch của khu vực Đông Nam Á.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, Đề án tổng thể ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 mới được phê duyệt cũng xác định rõ 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch trước và sau chuyến đi; Nâng cao hiệu quả quản lý điểm đến du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh; Phát triển hệ thống thông tin ngành du lịch và các ứng dụng gắn với Đề án Hệ tri thức Việt số hóa; Hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch; Tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT trong ngành du lịch.