Ngày 9/12, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023.

Đánh giá cao những kết quả mà Học viện đạt được trong năm 2022, nhất là kết quả trong chuyển đổi số giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho rằng: “Việc Học viện được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong chuyển đổi số giáo dục đại học là sự ghi nhận kịp thời”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm. (Ảnh: Đình Dũng)

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện, đến nay Học viện đã hoàn thiện nền tảng thực hành ảo D-Lab cho các môn học lập trình ngành CNTT và An toàn thông tin; hoàn thành nền tảng quản lý văn bằng chứng chỉ dựa trên công nghệ Blockchain, đã thí điểm tại 2 doanh nghiệp sử dụng lao động.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện. (Ảnh: Đình Dũng)

Cùng với đó, nhà trường đã hoàn thành xây dựng nền tảng giám sát thi, kiểm tra trực tuyến ứng dụng trí tuệ nhân tạo; hoàn thành xây dựng nền tảng quản lý nghiên cứu khoa học số. Đặc biệt, Học viện hoàn thành nhiệm vụ được Bộ GD&ĐT giao về việc xây dựng hệ thống thu lệ phí xét tuyển đại học chính quy năm 2022 cho 290 cơ sở giáo dục đại học từ Đà Nẵng trở vào phía Nam.

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, kỳ tuyển sinh năm 2022, Học viện đã tuyển 3.980 thí sinh, đạt 103.9% so với chỉ tiêu năm 2022 và tăng 10,31% so với 2021. Nhà trường đã xây dựng đề án và mở 3 ngành đào tạo mới theo hướng đáp ứng cách mạng 4.0, chuyển đổi số là công nghệ IoT, khoa học máy tính (định hướng khoa học dữ liệu) và báo chí. 

Giáo sư, Tiến sĩ Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện. (Ảnh: Đình Dũng)

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, Giáo sư, Tiến sĩ Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện cho biết, trong năm tới, Học viện sẽ tập trung chuẩn bị cho việc tham gia xếp hạng đại học toàn cầu, đồng thời tiếp tục tập trung cho chuyển đổi số.

“Học viện sẽ chính thức hoá các thí điểm về chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thực hành ảo, thử nghiệm và triển khai học liệu số… Đồng thời, chuyển đổi số công tác thi, kiểm tra đánh giá các môn học thông qua xây dựng hệ thống thi trắc nghiệm cho trên 50% số môn học”, Tiến sĩ Từ Minh Phương cho hay.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm nêu rõ, muốn trở thành đại học số có uy tín và thương hiệu hàng đầu trong nước và khu vực thì Học viện phải đặt mục tiêu chất lượng xuất sắc lên hàng đầu. Đồng thời Thứ trưởng nhấn mạnh: “Chất lượng đào tạo là yếu tố quyết định uy tín và thương hiệu của một cơ sở giáo dục đào tạo. Chất lượng đào tạo xuất sắc quyết định khả năng phát triển bứt phá”.

Một trong những điểm Thứ trưởng Phan Tâm lưu ý Học viện cần tập trung triển khai, đó là mục tiêu chất lượng phải được cụ thể hóa và thấm nhuần tới mọi cấp trong hệ thống, từ lãnh đạo, giảng viên, các khoa phòng đến sinh viên toàn trường.

Cần phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, tiên tiến, xuất sắc. Giải pháp là đẩy mạnh liên kết quốc tế, xây dựng và kiểm định chương trình theo chuẩn quốc tế, và thúc đẩy liên kết để công nhận văn bằng, tín chỉ, liên thông với các trường trong khu vực và trên thế giới.

Chiến lược phát triển Học viện xác định đến năm 2025 sẽ trở thành trường đại học hàng đầu Việt Nam về công nghệ số.

Cùng với đó, giảng viên phải xuất sắc. Phương thức đào tạo phải lấy người học làm trung tâm, cá thể hóa tiến trình đào tạo, đào tạo kỹ năng mềm kết hợp với truyền cảm hứng. Học viện cần tăng cường hội nhập quốc tế để nâng tầm giảng viên Học viện.

Học viện cũng cần thu hút nhiều sinh viên xuất sắc, tạo điều kiện cho sinh viên khám phá và phát triển năng lực. Trường phải trở thành môi trường nghiên cứu học thuật chuyên nghiệp, lấy chuẩn mực nghiên cứu học thuật quốc tế làm nền tảng, thúc đẩy cán bộ, giảng viên, sinh viên có các bài báo quốc tế.

Cùng với đó, Học viện cần nâng cao chất lượng quản trị Đại học để thực hiện được các mục tiêu tự chủ chuyển đổi số. Cụ thể là, cần tiếp tục nghiên cứu phát triển hệ thống quản trị số, ứng dụng công nghệ số vào toàn bộ hoạt động quản trị.