Các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 02 ngày 23/1/2019 về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp (Ảnh minh họa: Internet)

Ngày 26/12/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gương mẫu trong sử dụng chữ ký số cá nhân phê duyệt hồ sơ, văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường mạng, hoàn thành trước tháng 6/2020.

Các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 02 ngày 23/1/2019 về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp; Tổ chức liên thông, kết nối các phần mềm Quản lý văn bản và điều hành (QLVB&ĐH) các cấp, hoàn thành kết nối trong tháng 6/2020.

Các bộ, ngành, địa phương cũng được yêu cầu phải kịp thời ban hành, sửa đổi quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản theo quy định trước tháng 2/2020. Thường xuyên giám sát, bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ hệ thống theo hướng dẫn của Bộ TT&TT cho phần mềm QLVB&ĐH.

Bên cạnh đó, có cơ chế bảo đảm khả năng hoạt động ổn định đối với hạ tầng kỹ thuật phục vụ gửi nhận văn bản điện tử (máy chủ bảo mật, đường truyền), có phương án dự phòng trong trường hợp sự cố xảy ra; chịu trách nhiệm nếu để lộ lọt thông tin trong quá trình gửi, nhận văn bản điện tử, xử lý công việc trên môi trường mạng.

Thông báo của Văn phòng Chính phủ nêu rõ, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, từ ngày 1/2/2020, các bộ, ngành, địa phương không gửi văn bản điện tử kèm bản giấy đối với các văn bản theo danh mục đã thống nhất giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương.

Thời gian tới, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để thống nhất danh mục gửi, nhận điện tử không kèm văn bản giấy được áp dụng từ ngày 1/2/2020.

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, 100% văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia phải được tích hợp chữ ký số và được xác thực theo quy định tại Thông tư 41 ngày 19/12/2017 của Bộ TT&TT; đầy đủ nội dung đính kèm; tuân thủ các quy định về thời gian gửi, nhận văn bản; cập nhật đầy đủ nội dung thông tin, bảo đảm đúng thể thức văn bản điện tử theo quy định; gửi văn bản điện tử đúng thẩm quyền.

Văn phòng Chính phủ phải tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, đôn đốc, tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong triển khai Quyết định 28 ngày12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ. về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước (Quyết định 28) để bảo đảm hiệu quả, đúng tiến độ được giao.

Đồng thời, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ và các cơ quan liên quan bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, hoạt động thông suốt, ổn định của Trục liên thông văn bản quốc gia theo quy định tại Nghị định 85 ngày 1/7/2016 của Chính phủ.

Đối với Bộ TT&TT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao bộ này chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan liên quan thường xuyên giám sát, kiểm tra đánh giá an toàn thông tin hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia; điều phối huy động ứng phó, khắc phục sự cố an toàn thông tin mạng trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Cùng với đó, Bộ TT&TT còn có trách nhiệm kiểm soát quá trình vận hành, bảo đảm đường truyền Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước hoạt động thông suốt, ổn định đáp ứng yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử theo quy định tại Quyết định 28; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn thông tin cho Hệ thống QLVB&ĐH của bộ, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật.

Ban Cơ yếu Chính phủ (Bộ Quốc phòng) được giao chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai cấp phát đầy đủ chứng thư số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 02 ngày 23/1/2019; nghiên cứu, triển khai phân cấp, ủy quyền cho các bộ, ngành, địa phương chủ trì triển khai một số hoạt động cung cấp, quản lý dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020; đồng thời, nghiên cứu phương án, ứng dụng CNTT trong đăng ký, cấp đổi chữ ký số một cách khoa học, rút ngắn thời gian cấp đổi chữ ký số.

Trục liên thông văn bản quốc gia - tiền đề của nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, đã được chính thức khai trương ngày 12/3/2019. Tại hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước được Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 15/11/2019, cơ quan này cho biết, đã có 95/95 đơn vị (100%) các Bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp chính quyền với Trục liên thông văn bản quốc gia.

Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, từ ngày 12/3/2019 đến giữa tháng 11/2019, đã có hơn 230.000 văn bản điện tử gửi, hơn 627.000 văn bản điện tử nhận từ các cơ quan thông qua trục này. Đặc biệt, chỉ tính riêng trong tháng 10/2019, lượng văn bản điện tử được gửi, nhận tăng gấp 2,3 lần so với thời gian trước. Đây được đánh giá là những kết quả đáng ghi nhận trong quá trình hướng đến nền quản trị hành chính hiện đại, thông minh và không giấy tờ.