icon icon

Trong những năm qua, tại các kỳ họp Quốc hội, nhiều cử tri, đại biểu Quốc hội ở các tỉnh, thành chất vấn nhiều về vấn đề quản lý hoạt động của các cơ quan báo chí có nhiều sai phạm tại địa phương. Theo quy định quản lý hoạt động báo chí, xuất bản thì các Sở TT&TT đều có thể xử phạt những cơ quan báo chí cả Trung ương và địa phương nếu có sai phạm. Như vậy, vấn đề này sẽ được xử lý nếu các địa phương vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt. Việc vào cuộc của các địa phương ngay trên địa bàn chắc chắn sẽ làm giảm thiểu rất nhiều được những bức xúc của xã hội của cử tri và cả các đại biểu quốc hội. 

Đại diện Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho hay, các Sở TT&TT có quyền xử phạt tất cả những hành vi vi phạm theo Nghị định 119/2020 ban hành ngày 7/10/2020 quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí và xuất bản. Ví dụ như các hành vi sai tôn chỉ mục đích, sai sự thật, quy chụp tội danh, xâm phạm đời tư, ký giấy giới thiệu sai quy định... Theo nghị định này, các Sở TT&TT không còn bị hạn chế đối tượng xử phạt là cơ quan báo chí ở địa phương và còn có quyền xử phạt các cơ quan báo chí ở Trung ương nếu vi phạm liên quan đến thông tin tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… tại địa phương đó.  

Nguyên tắc được đưa ra là nếu cơ quan báo chí sai phạm ở đâu thì sẽ bị xử lý tại đó để tránh tình trạng "sai đó mà có xử đâu". Cục Báo chí cũng nêu tình trạng nhiều cơ quan báo chí "xử đâu mà vẫn sai đó". Trong trường hợp này, cơ quan chức năng phải xử lý người đứng đầu cơ quan báo chí để lành mạnh hóa những hoạt động tác nghiệp. Khi các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương mắc sai phạm trên địa bàn, Chánh thanh tra Sở TT&TT có thể ra quyết định xử phạt.

Theo Cục Báo chí, hiện đã có nhiều Sở TT&TT tiến hành xử phạt các cơ quan báo chí Trung ương mắc sai phạm về thông tin tại khu vực mình quản lý, ví dụ như các Sở TT&TT Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ…

"Các Sở TT&TT là cánh tay nối dài của Bộ TT&TT sẽ góp phần quản lý các cơ quan báo chí ở địa phương trên toàn quốc tốt hơn. Trước đây, các Sở TT&TT chỉ được xử phạt những cơ quan báo chí ở địa phương sai phạm. Nhưng theo Nghị định 119 thì các Sở TT&TT có thể xử phạt không phân biệt đối tượng cơ quan báo chí là Trung ương hay địa phương vi phạm về hoạt động báo chí. Để hoạt động báo chí tuân thủ đúng quy định của pháp luật thì các Sở TT&TT phải vào cuộc quyết liệt. Bên cạnh đó, cơ quan chủ quản phải quản lý các cơ quan báo chí tốt hơn. Tuy nhiên, hiện tại phần lớn các địa phương vẫn ngại động chạm đến cơ quan báo chí Trung ương nên chưa xử phạt những vi phạm liên quan đến hoạt động báo chí trên địa bàn", đại diện Cục Báo chí nói.

Mới đây, Sở TT&TT Hải Phòng đã xử phạt một số tờ báo của trung ương có sai phạm về hoạt động báo chí tại Hải Phòng. Không chỉ dừng lại ở việc xử phạt, Sở TT&TT Hải Phòng còn gửi công văn nêu rõ sai phạm đến lãnh đạo cơ quan chủ quản của tờ báo này. Đây là một trong những biện pháp kiên quyết xử lý vấn đề vi phạm hoạt động báo chí ở địa phương. 

Về vấn đề này, bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ninh cho hay, Nghị định 119 là bước đột phá và phân quyền mạnh cho các địa phương trong việc xử lý vi phạm về hoạt động báo chí xuất bản. Với quy định này. Những quy định về quản lý nhà nước siết chặt hoạt động của cơ quan báo chí như thực hiện tôn chỉ mục đích hay quy định xử phạt hành chính về hoạt động báo chí và xuất bản đã hỗ trợ cho địa phương rất nhiều.

Trả lời VietNamNet, ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở TT&TT TP.HCM cho rằng, Nghị định 119 đã hỗ trợ tốt cho các địa phương xử lý vi phạm về hoạt động báo chí, xuất bản trên địa bàn.

"Với nghị định này, chúng tôi không còn phân biệt đâu là cơ quan báo chí Trung ương và địa phương mà chỉ căn cứ vào mức sai phạm của các đơn vị để xử lý cho phù hợp. Trong năm 2020, Sở TT&TT TP.HCM đã xử phạt 6 cơ quan báo chí Trung ương và năm 2021 xử phạt 5 cơ quan báo chí Trung ương có trụ sở tại thành phố", ông Nguyễn Đức Thọ nói.

Tính đến hết năm 2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình. Đại diện Cục Báo chí cho hay, nếu như trước đây, việc giám sát hoạt động báo chí rất khó khăn khi số lượng báo và tạp chí lớn, đặc biệt là các báo và tạp chí điện tử. Vì vậy, nếu không áp dụng công nghệ vào quản lý thì việc kiểm tra, giám sát hoạt động báo chí, xuất bản rất khó khăn và không triệt để.

Để thực thi tốt vấn đề quản lý, Bộ TT&TT đã xây dựng 2 hệ thống quản lý phân tích dữ liệu điện tử. Một hệ thống là Trung tâm Lưu chiểu dữ liệu truyền thông số Quốc gia do Cục Báo chí (Bộ TT&TT) quản lý, rà soát và lưu trữ độc lập với các cơ quan báo chí. Trung tâm này sẽ lưu trữ các nội dung báo chí để đánh giá thông tin, hoạt động theo tôn chỉ mục đích... của các cơ quan báo chí.

Ngoài hệ thống này, Bộ TT&TT còn xây dựng hệ thống Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia do Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) vận hành có nhiệm vụ rà quét thông tin về báo chí, xuất bản và cả thông tin trên không gian mạng.

Hai hệ thống quản lý dữ liệu này sẽ bổ sung cho nhau để đánh giá mức độ thông tin trên báo chí và cả mạng xã hội. Hệ thống này sẽ nhận diện từng bài báo và tác động của nó đến xã hội ra sao, vấn đề bản quyền như thế nào… 

Đại diện Cục Báo chí cho hay, với hai hệ thống phân tích dữ liệu điện tử này kết hợp với đánh giá của Cục Báo chí sẽ đưa ra được bức tranh, hiện trạng đầy đủ của hoạt động với từng cơ quan báo chí một cách chính xác, khách quan. Đây chính là cơ sở để Cục Báo chí có thể quản lý hoạt động báo chí xuất bản theo đúng các quy định về hoạt động báo chí và xuất bản.

 Nguyễn Thái