Quản lý lưới điện bằng camera giám sát

Thông qua hơn 50 camera được lắp đặt ở những vị trí trọng yếu, Công ty truyền tải điện 2 (Tổng công ty truyền tải điện quốc gia) có thể dễ dàng theo dõi tình hình cháy rừng, bão lụt và nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến đường dây truyền tải, thay vì phải đến tận nơi như hàng chục năm về trước.

“Có 1 phương tiện/đám cháy được phát hiện tại camera VT 47 ĐZ500kV Đồng Hới - Đông Hà M2 vào lúc 15:45:56 ngày 18/5/2022. Đề nghị đơn vị quản lý vận hành kiểm tra camera và xử lý”, đó là tin nhắn được gửi đến đơn vị truyền tải địa phương kèm hình ảnh của đám khói bốc lên gần đường dây 500kV Đồng Hới - Đông Hà.

“Nhờ camera các sự cố có thể được quan sát kịp thời. Đặc thù của những đường dây truyền tải do chúng tôi quản lý là mùa nắng ảnh hưởng cháy rừng, mùa mưa sạt lở, nên việc lắp các camera này giúp ích rất nhiều trong quản lý đường dây”, lãnh đạo Công ty truyền tải điện 2 chia sẻ.

Từ tháng 06/2021, PTC2 triển khai nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hệ thống camera quan sát đường dây (được gắn trên đỉnh cột). Mục tiêu là kết hợp hệ thống camera giám sát đường dây đang được lắp đặt, ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo giúp tự động nhận diện phương tiện cơ giới xâm phạm hành lang an toàn lưới điện, đám cháy rừng (gồm cột khói và lửa) và tự động gửi tin nhắn cảnh báo về người quản lý. 

Theo lãnh đạo công ty này, ứng dụng camera quan sát trong quản lý vận hành đường dây là giải pháp công nghệ phù hợp với yêu cầu vận hành lưới điện hiện nay. Hỗ trợ các đơn vị quản lý vận hành đường dây quan sát từ xa hiện trường đoạn tuyến thuộc phạm vi quản lý, qua đó phát hiện sớm các hiện tượng bất thường: đám cháy gần hành lang, sạt lở đất móng hoặc thi công vi phạm hành lang tuyến có nguy cơ gây sự cố….

Đây cũng là cơ sở để đánh giá nhanh được tình hình lưới điện, giúp định hướng vị trí, phạm vi hiện trường, chủ động sắp xếp nhân lực, phương tiện, dụng cụ … hỗ trợ công tác tiếp cận nhanh chóng và xử lý các vấn đề phát sinh nhất là trong các thời điểm có thiên tai như mưa lớn kéo dài, giông bão… qua đó giúp tối ưu được nhân lực, phương triện, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ứng dụng thiết bị bay không người lái

Ngoài ra, PTC2 cũng ứng dụng kiểm tra đường dây truyền tải điện bằng thiết bị bay không người lái tự động theo lịch trình định sẵn. Theo đó, tiếp tục hiệu chỉnh chức năng bay tự động bằng tín hiệu RTK đối với các thiết bị bay có hệ thống RTK nhằm đảm bảo độ chính xác của thiết bị trong quá trình bay; triển khai công tác bay kiểm tra lưới điện bằng thiết bị bay không người lái (tự động hoặc thủ công) thông qua phiếu giao/nhận nhiệm vụ trên hệ thống phần mềm quản lý đường dây; xây dựng lộ trình bay tự động cho các cung đoạn tuyến đường dây (công tác này sẽ được thực hiện thường xuyên trong quá trình vận hành tại các đơn vị).

Bên cạnh đó, PTC2 còn ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo vào phân tích, kiểm tra dữ liệu hình ảnh.

Trong đời sống hiện nay, các hoạt động như: thả diều, trồng cây, công nghệ canh tác nông nghiệp…sử dụng vật liệu nhẹ (như nilông, sợi vải) rất phổ biến. Vì vậy, khả năng dây diều, bạt nilong, vải bị gió cuốn lên cao và bay mắc vào cột điện, dây dẫn, cách điện phụ kiện đường dây truyền tải điện trên không là rất cao.

Với mục tiêu xử lý nhanh tình trạnh diều, vải, bạt…bay vướng vào đường dây có thể gây sự cố lưới điện, giảm thiệt hại về kinh tế, hạn chế công tác lao động nặng nhọc, nguy hiểm, PTC2 đã nghiên cứu, phát triển thiết bị bay không người lái kèm hệ thống điều khiển để phun lửa đốt cháy các vật thể bị vướng vào kết cấu dây dẫn mà không cần phải cắt điện đường dây.

Từ năm 2020 đến nay, PTC2 đã sử dụng thiết bị bay này để xử lý hàng chục vụ diều, bạt vướng vào dây dẫn, dây chống sét đường dây 500kV, 220kV mà không cần cắt điện đường dây làm lợi hàng chục tỷ đồng.

Còn tại Tổng công ty điện lực miền Trung, EVNCPC đã chuyển 100% các trạm biến áp 110kV vận hành không người trực, tỷ lệ kết nối thiết bị phân đoạn trên lưới điện về hệ thống SCADA/DMS là 93,4%. Trọng tâm chuyển đổi số trong giai đoạn này là xác định trọng tâm chuyển đổi số là quản lý và vận hành lưới điện thông minh hơn.

EVNCPC cũng triển khai ứng dụng kiểm tra hiện trường cho lưới điện cao, trung và hạ thế nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra hiện trường của công nhân, với 3 mục tiêu sau: Xóa bỏ giấy, bút trong khâu kiểm tra lưới điện, đảm bảo công tác kiểm tra của công nhân được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi trên app mobile; Xây dựng cơ sở dữ liệu tồn tại thiết bị làm cơ sở để triển khai CBM/RCM, đảm bảo dữ liệu tồn tại được cập nhật, lưu trữ và theo dõi quá trình xử lý trên PMIS; Kiểm soát và từng bước nâng cao chất lượng công tác kiểm tra của người công nhân (thông qua việc tracking tọa độ, đánh giá tần suất kiểm tra, tần suất phát hiện tồn tại)…

Việc sử dụng thiết bị bay không người lái, camera giám sát, ứng dụng Al… đã góp phần thực hiện chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về ứng dụng khoa học - công nghệ 4.0, đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

Hải Nam