Cuối năm ngoái, YouTube bị người dùng Việt Nam phàn nàn là để tình trạng quảng cáo ‘nhà tôi ba đời sỏi thận’ ngập tràn các video clip. Sau khi bị báo chí phản ánh, các loại quảng cáo này cũng thưa dần và bị thay thế bởi nhiều quảng cáo chính thống khác.

Bẵng đi một thời gian, quảng cáo phản cảm lại xuất hiện trở lại ngập tràn YouTube. Lần này, các loại quảng cáo lại đổi thành motif ‘bà con ai bị xương khớp lâu ngày’. Nhiều loại bệnh được quảng cáo chữa được trải dài từ tiểu đường, viêm xương khớp đến chữa yếu sinh lý, xuất tinh sớm…

{keywords}
Một quảng cáo thuốc trị xương khớp cam kết khỏi 100% trên YouTube.

“Chỉ sợ không uống thuốc của nhà cô thôi, uống vào thì khỏi 100%”, trích lời rao của một người phụ nữ lớn tuổi trong một mẫu quảng cáo đang thịnh hành trên YouTube. Trong clip được dàn dựng như một buổi phỏng vấn của đài truyền hình, người này ăn vận trang phục của đồng bào dân tộc, bên cạnh là rất nhiều túi đựng các loại thân cây, rễ cây bọc sơ sài trong túi nilon mà khó có thể phân biệt được bằng mắt thường qua màn hình tivi. 

Để thu hút người mua và tăng tính tin cậy, những mẫu quảng cáo này lồng ghép logo của các đài truyền hình, phỏng vấn nhiều người lớn tuổi tự nhận đã được chữa khỏi bệnh, một số còn sử dụng cả người dẫn bản tin khá chuyên nghiệp. Các mẫu quảng cáo có tần suất xuất hiện dày đặc trong khoảng một vài tháng trở lại đây và rất khó kiểm chứng tính xác thực của những quảng cáo này bởi nó hoàn toàn không tuân thủ quy định của Bộ Y tế và Luật quảng cáo mà chỉ cần không vi phạm chính sách của Google.

Nhưng các quảng cáo này lại đang âm thầm nhắm đến đối tượng người xem là những người cao tuổi, đánh trúng tâm lý mắc bệnh mãn tính lâu ngày không chữa khỏi. 

{keywords}
Một quảng cáo thực phẩm chức năng khác cam kết trị khỏi yếu sinh lý.

“Vì mấy quảng cáo này, mình với bố mình đã to tiếng với nhau rất nhiều lần. Ông đang uống thuốc đều đặn ở Bạch Mai. Nghe quảng cáo này đang định bỏ uống thuốc ở viện để đặt mua theo bọn quảng cáo”, anh Nguyễn Hùng Nam (Hà Nội) chia sẻ.

“Mẹ tôi cũng đang uống thuốc này, tôi nói thì không tin, ba hũ 2 triệu mấy, cứ đều đặn 2 tuần là lấy, có tuần chưa kịp lấy họ chủ động gọi trước hỏi sau tuần này lấy không, tôi cản còn bị chửi nữa giờ không biết nói sao”, anh Thanh Sơn (TP.HCM) cho biết.

Vấn nạn buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ và quảng cáo tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội không phải câu chuyện mới. Nhưng với sự phổ biến của smartphone lẫn smart TV, việc các đối tượng xấu tiếp cận người dùng lại càng dễ dàng hơn bao giờ hết. 

Như tin từ báo Công an nhân dân mới đưa hôm 12/3, Công an Hà Nam đã triệt phá thành công kho chứa thuốc và thực phẩm chức năng không rõ nguồn xuất xứ với lượng tiêu thụ 20-30 đơn hàng mỗi ngày, thu về hơn 200 triệu đồng/ngày. Chi phí chạy quảng cáo khá rẻ trong khi việc bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc lại là mặt hàng siêu lợi nhuận, dẫn tới nhiều đối tượng xấu bất chấp tất cả nhằm đạt được mục đích. Vì thế, người tiêu dùng cần tuyệt đối tỉnh táo để không trở thành nạn nhân của những bài thuốc chữa bách bệnh kiểu này.

ICTnews đã liên hệ với đại diện Google (quản lý nền tảng YouTube) để thông tin tới độc giả trong thời gian sớm nhất. 

Phương Nguyễn

MC truyền hình bị lợi dụng để bán thuốc trên YouTube

MC truyền hình bị lợi dụng để bán thuốc trên YouTube

Nhiều người dẫn chương trình nổi tiếng cho biết hình ảnh cá nhân của họ đang bị các cơ sở quảng cáo thuốc trên YouTube lợi dụng.