Một trong các nhiệm vụ của Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng CNTT thu thập thông tin, dự báo thị trường nông sản" là xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu tập trung của ngành nông nghiệp (data warehouse/kho dữ liệu) chuyên sâu, phục vụ phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản. Cụ thể, rà soát, chuẩn hóa nguồn dữ liệu; thiết kế kiến trúc dữ liệu cho hệ thống thông tin thị trường nông sản đảm bảo thống nhất, đồng bộ, có khả năng liên thông, kết nối, chia sẻ để nâng cao hiệu quả hoạt động trong thu thập thông tin, dữ liệu, phân tích và dự báo thị trường nông sản. Đảm bảo hệ thống thông tin thị trường nông sản được tích hợp trong tổng thể hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành nền tảng phục vụ chuyển đổi số của ngành nông nghiệp, phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.

Tại Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2022 và triển khai nhiệm vụ Kế hoạch ngành năm 2023, ông Trương Xuân Tý - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam cho biết: Trong năm 2022, ngành Nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh công tác truyền thông thông qua tổ chức nhiều hoạt động như hội nghị, hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và huy động sự vào cuộc của Lãnh đạo các Phòng, đơn vị trực thuộc Sở và Phòng chuyên môn cấp huyện trong toàn ngành Nông nghiệp và PTNT để thực hiện Chương trình Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chương trình phát triển kinh tế số và xã hội số.

Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2022 

Đến nay, bước đầu đã đạt được một số kết quả. Đó là lập và trình thẩm định Hệ thống thông tin ngành Nông nghiệp; Triển khai cập nhật thông tin số hóa cơ sở dữ liệu Hợp tác xã nông nghiệp; Triển khai nhập dữ liệu báo cáo hàng tháng trên hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Quảng Nam (LRIS) và tích hợp số liệu vào hệ thống IOC tỉnh Quảng Nam nhằm phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành; Cung cấp thông tin hoạt động ngành Nông nghiệp trên Trang thông tin điện tử Sở, app SmartQuangNam.

Ngành đã xây dựng và vận hành 3 hệ thống cơ sở dữ liệu: Ứng dụng VRAIN trên điện thoại; Hệ thống quản lý, giám sát rừng tỉnh Quảng Nam; Phần mềm quản lý dữ liệu Thanh tra Pháp chế. Ngoài ra, tiếp nhận, cập nhật số liệu trên các phần mềm chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT của các lĩnh vực: Lâm nghiệp, Chăn nuôi và Thú y, Thủy lợi, Phát triển nông thôn, Thủy sản và Khuyến nông. Ngành cũng đang triển khai xây dựng: App Phòng chống thiên tai ứng dụng trên điện thoại, máy tính; Phần mềm ứng dụng hỗ trợ việc điều hành, quản lý, ứng phó trong công tác sơ tán dân. Cuối cùng, tiếp tục phối hợp hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, kết quả đã đưa được: sàn VOSO.VN của Viettel là 104 sản phẩm; sàn POSTMART.VN của Bưu điện là 109 sản phẩm.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị ngành Nông nghiệp và PTNT cần chú trọng thay đổi nhận thức cho người sản xuất chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao giá trị của nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ số để số hóa và tự động hóa; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp. Sở tổ chức nhiều hội thảo và chương trình tập huấn cho các đơn vị trực thuộc.

Tập huấn "Xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành Nông nghiệp và PTNT"

Tại buổi tập huấn "Xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành Nông nghiệp và PTNT", báo cáo viên đi sâu vào phân tích thực trạng, định hướng, giải pháp và đề xuất những nhiệm vụ phù hợp triển khai thực hiện xây dựng và phát triển Chính quyền số ngành Nông nghiệp và PTNT trong thời gian tới. Còn tại buổi tập huấn "Ứng dụng công nghệ số để số hóa và tự động hóa; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị", người tham dự được nghe báo cáo về các vấn đề Phát triển nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị và tiếp cận số hóa trong quản lý chất lượng sản phẩm; Ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế số nông nghiệp.

Trước đó, Sở cũng làm việc với đoàn công tác tỉnh Hậu Giang về học tập trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong buổi làm việc, đoạn Hậu Giang cho biết địa phương đang triển khai xây dựng bản đồ số hóa thổ nhưỡng. Trên cơ sở đó, sẽ yêu cầu đến chính quyền cấp xã cung cấp đầy đủ dữ liệu trên địa bàn xã. Từ bản đồ số hóa đó, sẽ đưa ra những khuyến cáo tại mỗi vùng nên phát triển đối tượng cây trồng, con vật nuôi phù hợp.

Đây sẽ là hệ thống dữ liệu nhằm phục vụ nhu cầu khai thác thông tin của người dân trong việc định hướng phát triển sản xuất; đồng thời phục vụ các cấp chính quyền trong công tác quản lý vùng sản xuất và cung cấp nhanh các báo cáo để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh.

Đồng thời, Hậu Giang đang tập trung thực hiện phát triển kinh tế số cho nông sản chủ lực nhằm phát huy tối đa hiệu quả kinh tế của nông sản chủ lực; gắn truy xuất nguồn gốc và gắn chỉ dẫn địa lý, hướng đến thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, sẽ  thực hiện các app thông tin ngành nông nghiệp với sự tham gia cung cấp dữ liệu tới chính quyền địa phương cấp xã để cung cấp thông tin chính thống cho người dân và thuận lợi cho người dân trọng việc tiếp cận các hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp nhằm giúp người dân chủ động trong việc tự điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thu hoạch phù hợp nhất.