Tạo thói quen cho người dân về thanh toán không dùng tiền mặt

Theo đó, mục tiêu tổng quát của đề án là nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện TTKDTM trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

Tỉnh Quảng Ngãi xác định ứng dụng tối đa công nghệ 4.0 để phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, đáp ứng nhu cầu TTKDTM một cách thuận tiện, hiệu quả của các tổ chức và cá nhân; đồng thời đặt ra 5 mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025, bao gồm: Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân, tăng số lượng điểm chấp nhận TTKDTM. 

Mục tiêu thứ tư trong kế hoạch thực hiện của Quảng Ngãi là đạt các mức tăng trưởng cụ thể trong sử dụng phương tiện, dịch vụ TTKDTM, trong đó: tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 20 - 25%/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35 - 40%/năm, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

Mục tiêu thứ năm đặt ra các tỷ lệ cụ thể trong TTKDTM đối với các dịch vụ công như: Dịch vụ thu ngân sách nhà nước, thanh toán tiền điện, thanh toán tiền nước, thanh toán học phí, thanh toán viện phí và dịch vụ chi trả an sinh xã hội.

Đến cuối năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử tại Quảng Ngãi phấn đấu đạt 50%. (Ảnh minh hoạ).

Phối hợp thực thi 6 giải pháp đồng bộ

Để đạt được các mục tiêu trên, Quảng Ngãi đề ra 6 giải phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2022 - 2025, trong đó, triển khai đồng bộ, quyết liệt các cơ chế, chính sách về phát triển TTKDTM là nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh. 

Kế hoạch của tỉnh Quảng Ngãi cho hay, cần triển khai kịp thời, đầy đủ các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thanh toán, trong đó, chú trọng tuyên truyền, triển khai các chính sách mới về thanh toán và các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy TTKDTM; góp ý, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành, cũng như góp ý xây dựng các quy định pháp luật mới nhằm hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ phát triển TTKDTM; tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý, giám sát của các cấp chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện; thực hiện lồng ghép các giải pháp phát triển TTKDTM trong các đề án, chương trình, kế hoạch của tỉnh, để gắn kết, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện.

Giải pháp thứ hai là nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác. Đối với các chi nhánh ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán: hoàn thiện, nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking), hệ thống thanh toán nội bộ đảm bảo kết nối, tích hợp với các hệ thống thanh toán quan trọng, hạ tầng kỹ thuật của các tổ chức cung ứng dịch vụ công và các hệ thống khác để cung ứng dịch vụ thanh toán thuận tiện, hiệu quả cho tổ chức, cá nhân.

Đối với các doanh nghiệp viễn thông: Phát triển nền tảng thanh toán trực tuyến, trong đó chú trọng hạ tầng kỹ thuật: hạ tầng kết nối mạng internet, phủ sóng di động, internet cáp quang tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hạ tầng nền tảng tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu và kết nối liên thông với các hệ thống khác; nền tảng công nghệ (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn...) để nhận biết và xác thực khách hàng khi đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile - Money.

Giải pháp thứ ba là phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0, trong đó nhấn mạnh 3 vấn đề chính: Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng; Phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử; Phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. 

Giải pháp thứ tư là đẩy mạnh thanh toán điện tử trong dịch vụ hành chính công, đặt ra 4 nhiệm vụ cốt lõi: Hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của các chi nhánh NHTM; đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống một cửa điện tử..; tiếp tục xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông tin, khuyến khích các trường học, bệnh viện, công ty điện, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính…tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức TTKDTM; thúc đẩy thanh toán điện tử trong các chương trình trợ cấp an sinh xã hội, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu các sở, ban, ngành trong tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong TTKDTM. 

Để thực hiện hiệu quả đề án, UBND tỉnh Quảng Ngãi nêu ra các nhiệm vụ cụ thể, cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh như: Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước tại Quảng Ngãi, Cục Thuế, Cục Hải quan, Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ban ngành khác. 

Linh Chi