Năm 2009, khi đang là sinh viên năm thứ 3, Lê Quang Hiếu nhận thấy điện toán đám mây là một trong những trào lưu công nghệ mới của thế giới, có khả năng đem lại hiệu quả ứng dụng cao trong thực tế cuộc sống. Hiếu đã tự nghiên cứu, tìm hiểu, tham gia các hoạt động cùng cộng đồng điện toán đám mây trên thế giới. 

Năm 2012, sau khi ra trường, Lê Quang Hiếu đầu quân cho Viện Nghiên cứu Phát triển Viettel, đơn vị đi đầu về nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới. Khi đó, Viện mới được thành lập, với nhiệm vụ nghiên cứu cả mảng quân sự và dân sự. Ở thời điểm này, Viettel bắt đầu nghiên cứu về điện toán đám mây nhưng rất sơ khai.

Để theo đuổi đam mê về điện toán đám mây, năm 2013 Hiếu và hai người bạn thành lập OpenStack Việt Nam, tham gia sáng lập và đại diện cộng đồng OPNFV tại Việt Nam với OPNFV Foundation - Tổ chức ảo hóa mạng viễn thông thế giới.

Số lượng thành viên hiện tại của OpenStack Việt Nam mà Hiếu sáng lập và đại diện đã đạt con số gần 10.000 người và đây cũng là một trong những cộng đồng đầu tiên trên tổng số hơn 130 cộng đồng điện toán đám mây mã nguồn mở được công nhận chính thức trên toàn thế giới.

Chia sẻ với VietNamNet, Lê Quang Hiếu cho hay, sau thời gian làm việc ở viện nghiên cứu đến năm 2016 viện chuyển sang tập trung nhiều cho quân sự do yêu cầu của Quân đội nên mảng nghiên cứu về điện toán đám mây không còn nữa. Vì vậy, Hiếu đã chuyển sang làm cho công ty Fujitsu của Nhật.

Khi làm việc cho công ty này, Lê Quang Hiếu được tham gia làm nhiều dự án lớn như sàn chứng khoán hàng đầu của Nhật. Hiếu cũng có cơ hội tham gia nhiều hội thảo do cộng đồng mã nguồn mở thế giới tổ chức.

Với những sáng tạo và đóng góp của mình, Hiếu đã được tham dự hội nghị quốc tế, nơi tôn vinh những công nghệ mới trên thế giới tại Đức (năm 2017) và lần thứ 2 tại Mỹ (năm 2018). Tại hội nghị này, có trưng bày tấm bản đồ thế giới ghi nhận những quốc gia đóng góp nhiều về công nghệ điện toán đám mây sẽ được sáng lên. Lê Quang Hiếu thấy rằng sản phẩm về sàn chứng khoán mà anh làm trưởng nhóm lại được cắm cờ của Nhật. Thế nhưng, Việt Nam nơi Hiếu sinh ra không thấy ánh sáng trên bản đồ này, cá nhân anh và nhóm bạn cũng không có tên trong danh sách được vinh danh. Từ đó anh bắt đầu có ý định quay về Việt Nam để cống hiến cho đất nước.

“Thời gian ở Fujitsu cho tôi có cơ hội học hỏi trong một môi trường đa quốc gia và mang tính toàn cầu, không phụ thuộc vào không gian địa lý. Tuy nhiên, những đóng góp của tôi ở đây lại được tính điểm cho Nhật Bản chứ không phải Việt Nam. Chính sự tự tôn dân tộc khiến tôi nghĩ mình phải làm điều gì đó cho Tổ quốc. Tôi nghĩ rằng là phải làm gì đó để bản đồ công nghệ Việt Nam sáng lên cùng bạn bè quốc tế. Tôi cũng đã thuyết phục các bạn Việt Nam cùng về đóng góp cho đất nước”, Hiếu kể lại.

Vì vậy, sau khi quyết định quay về nước tháng 11/2017, Hiếu có nói chuyện với các anh Tào Đức Thắng lúc đó làm Tổng giám đốc Viettel Net về giấc mơ của mình về điện toán đám mây. Lúc đó, anh Tào Đức Thắng hỏi thẳng “Hạ tầng của Viettel rất lớn mà muốn chuyển đổi. Liệu em có làm được dự án này không?” Hiếu đã tự tin trả lời làm được và sớm có kết quả. Sau đó Hiếu được nhận vào, ban đầu làm chuyên viên, nhưng lại được tin tưởng giao quyền, thậm chí được cơ chế tuyển người mới để bắt tay vào nhiệm vụ xây dựng hạ tầng điện toán đám mây cho Viettel.

Tại Viettel, Hiếu tham gia chính trong việc nghiên cứu xây dựng, triển khai các sáng kiến trong lĩnh vực vận hành khai thác dịch vụ công nghệ thông tin... đưa quy mô hạ tầng Viettel Net đang đứng trong nhóm 19% các hạ tầng điện toán đám mây nguồn mở trên thế giới, top 50 doanh nghiệp trên thế giới và số 1 Đông Nam Á đóng góp mã nguồn, thiết kế vào giải pháp điện toán đám mây nguồn mở. Đây không chỉ là thành công của riêng cá nhân Lê Quang Hiếu mà còn là niềm tự hào của công nghệ Việt Nam khi đã khẳng định được tầm vóc và tên tuổi của mình trên trường quốc tế.

Đến năm 2021, bản đồ Việt Nam lần đầu tiên được thắp sáng trên bản đồ công nghệ thế giới tại sự kiện Openinfra ở Berlin, Đức và đã toại nguyện ước mơ ghi tên tuổi Việt Nam vào bản đồ điện toán đám mây thế giới của Lê Quang Hiếu.

Sau những nỗ lực cống hiến thành công tại Viettel, Hiếu đã được tin tưởng và giao nhiều vụ trí quan trọng, Phó Giám đốc Trung tâm Vận hành khai thác toàn cầu và được bổ nhiệm làm Giám đốc Công nghệ Viettel Cloud.

Chia sẻ về thị trường cloud Việt Nam hiện nay, Hiếu cho biết anh rất tâm tư khi thị trường này chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài. Tuy nhiên, việc dữ liệu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam nằm ngoài lãnh thổ tiềm ẩn những rủi ro lớn, nên việc đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng là điều bắt buộc.

Để kiến tạo xã hội số thì điều đầu tiên cần có là hạ tầng số. Giống với hạ tầng viễn thông, vốn là nền móng cho một giai đoạn phát triển rực rỡ, hạ tầng số cũng sẽ đóng vai trò thiết yếu cho một tương lai bùng nổ. Trong hạ tầng số, điện toán đám mây chính là yếu tố quyết định.

Bản thân ông Hiếu cũng cho rằng, hệ sinh thái cloud của Viettel vẫn còn khoảng cách so với công nghệ mà các gã khổng lồ toàn cầu cung cấp. Tuy nhiên, Viettel Cloud cũng có những lợi thế đặc biệt.Với một hệ sinh thái cloud do chính Tập đoàn Viettel dẫn đầu, cuộc chơi sẽ lớn hơn, quy mô hơn và công nghệ Việt cũng sẽ có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các "gã khổng lồ" công nghệ toàn cầu trên chính sân nhà.

Thái Khang