Theo các chuyên gia tham dự Hội thảo, thách thức đầu tiên trong việc triển khai 5G là phải đảm bảo hài hòa tần số dùng cho 5G

Các quốc gia ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc phân bổ tần số cho 5G, bởi nhiều nước khu vực đang dùng băng tần 3.5 GHz cho các hệ thống vệ tinh, trong khi băng tần mmW (tần số 26GHz hoặc 28GHz) gặp hạn chế về vùng phủ.

Theo các chuyên gia viễn thông tại Hội thảo ASEAN về tần số 5G, băng tần 5G trong dải tần số 1-6 GHz dành cho các dịch vụ băng rộng di động nâng cao đã được nhiều quốc gia trên toàn cầu phát hành. Băng tần 3.5 GHz được cho là sẽ mang lại năng suất và vùng phủ tốt.

Trong các quốc gia ASEAN, Philippines là quốc gia duy nhất hiện đã phân bổ một phần băng tần 3.3-3.6 GHz cho 5G; nhiều quốc gia khác cũng đã bắt đầu lập kế hoạch với các hoạt động nghiên cứu ban đầu, tham vấn và thử nghiệm 5G trong băng tần 3.5 GHz. Hiện tại, các quốc gia ASEAN đang tập trung vào dải tần số 3.3-3.8 GHz.

Campuchia đã đề xuất kế hoạch thu hồi giấy phép băng thông rộng không dây hiện tại để cho phép sử dụng 5G trong vòng băng tần 3,3-3,7 GHz nhưng cho đến nay, vẫn chưa rõ khi nào Campuchia sẽ thực hiện kế hoạch này. Một số vệ tinh Campuchia đang dùng dải băng tần 3.7-4.2 GHz. Theo các chuyên gia phân tích tại Hội thảo, sự phối hợp xuyên biên giới giữa các quốc gia Campuchia, Việt Nam, Lào và Thái Lan sẽ rất quan trọng trong việc phân bổ băng tần C-band (3.3 GHz - 3.8 GHz) cho 5G.

Trong khi đó, Indonesia cũng đã dành nhiều thời gian và nỗ lực để tối ưu sử dụng băng tần 3.5 GHz cho 5G vì hiện tại băng tần này cũng được dùng rất nhiều trong các hệ thống vệ tinh.

Mạng di động 5G cũng đang được chuẩn bị để triển khai tại Lào. Từ tháng 11/2015, một phần băng tần C-band đã được dùng cho vệ tinh LAOSAT-1.

Tại Singapore, băng tần 3.5 GHz đang được dùng rất rộng rãi trong các kết nối vệ tinh, tuy nhiên chính phủ Singapore dự định sẽ đưa bằng tần này cho việc triển khai 5G, sớm nhất là vào năm 2021.

Đối với Thái Lan, hiện tại chỉ có vệ tinh duy nhất ThaiCom5 đang sử dụng dải tần số 3.4-3.7 GHz. Việc triển khai băng tần 3.5 GHz cho 5G sớm nhất là trong 3 năm tới. Giấy phép của ThaiCom5 sẽ hết hạn vào năm 2020, nhưng chính phủ đang xem xét yêu cầu của Thaicom về việc gia hạn giấy phép 5 năm. Cơ quan quản lý viễn thông Thái Lan đã bắt đầu thử nghiệm chia sẻ và tính tương thích trong băng tần 3.5 GHz vào đầu năm 2019.

Theo lộ trình triển khai 5G và quy hoạch tần số cho 5G, từ nay đến năm 2020 các quốc gia ASEAN sẽ giải phóng một số tần số 3.5 GHz để phân bổ cho mạng 5G. Sau đó, từ năm 2020 đến 2022 một số tần số sẽ được tái phân bổ đồng thời mở rộng sử dụng băng tần C-band vào năm 2024.

Theo ông Scott Minehane, Giám đốc điều hành Windsor Place Consulting, một chuyên gia cao cấp về viễn thông, các quốc gia cần lên kế hoạch và quyết định việc sử dụng băng tần cho 5G, tiến hành nghiên cứu việc sử dụng băng tần 3.3-4.2 GHz hiện tại, có kế hoạch phối hợp với các nước láng giềng và xem xét các điều kiện kỹ thuật để phân bổ băng tần.

Ông Scott Minehane cho rằng thách thức đầu tiên trong việc triển khai 5G là phải đảm bảo hài hòa tần số dùng cho 5G. Tại hầu hết các quốc gia ASEAN, băng tần C-band (3.3 GHz - 3.8 GHz) đang được sử dụng nhiều trong các hệ thống vệ tinh. Đây là băng tần đang được triển khai cho mạng lưới 5G trên toàn cầu.

“Vì vậy, thách thức cho các quốc gia cũng như Việt Nam khi triển khai 5G là đảm bảo đủ băng tần, bằng cách cải tổ, sắp xếp lại băng tần hoặc đồng sử dụng băng tần, đó chính là mục đích nghiên cứu của chúng tôi và cũng là vấn đề được chia sẻ tại Hội thảo ASEAN về tần số cho 5G hôm nay”, ông Scott Minehane nói.

Băng tần 3.5GHz đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển 5G, vì hệ sinh thái thiết bị 5G rất lớn và đã sẵn sàng. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã phát thử nghiệm 5G ở băng tần 3,5GHz nhằm nghiên cứu, đánh giá mức độ ảnh hưởng để đưa ra quyết định chính xác nhất đối với việc quy hoạch sử dụng băng tần 3,5GHz cho 5G.