{keywords}
Windows 11 (Ảnh: Microsoft)

Windows 11 là hệ điều hành máy tính mới nhất của Microsoft, trang bị nhiều tính năng nổi bật với mục tiêu củng cố vị trí trên thị trường. Thông qua đây, gã khổng lồ phần mềm cũng muốn thể hiện là một “học sinh ngoan” trong lớp học đầy những kẻ bắt nạt. Dù vậy, Windows 11 lại chứa ít nhất một điều khiến người ta liên tưởng tới quá khứ phản cạnh tranh của hãng.

Tại buổi ra mắt Windows 11, Microsoft nhấn mạnh đến việc cho nhà phát triển dùng hệ thống thanh toán riêng để tránh bị tính phí, sử dụng chợ ứng dụng bên ngoài để tải chương trình hay giúp người dùng hỗ trợ tài chính cho các nhà sáng tạo nội dung địa phương. Tất cả những điểm này khiến Microsoft khác biệt so với các đối thủ như Apple, Facebook hay Google.

Apple đang mắc kẹt trong trận chiến pháp lý vì vấn đề hoa hồng trên App Store, trong khi Microsoft hậu thuẫn nguyên đơn Epic Games. Google và Facebook phản ứng với quy định của chính quyền Australia khi yêu cầu họ bồi thường cho các nhà xuất bản tin tức. Ba công ty này, cùng với Amazon, đều đang nằm dưới tầm ngắm của nhiều nhà quản lý trên khắp thế giới vì sức mạnh thị trường lớn.

Nếu Windows Store mới của Microsoft cho phép nhà phát triển dùng công cụ thương mại riêng, không phải trả phí, Apple lại quy định họ phải dùng công cụ thanh toán của mình và trả phí 30% với mỗi ứng dụng kiếm được hơn 1 triệu USD. Windows 11 còn có thanh tiện ích (widget), thu thập tin tức từ web, cung cấp tùy chọn tặng tiền cho tác giả hay tờ báo.

Khép lại sự kiện, CEO Satya Nadella khẳng định: “Windows không chỉ là một hệ điều hành. Nó là nền tảng cho các tác giả nền tảng. Nó giúp mọi người xây dựng cộng đồng và công việc kinh doanh riêng. Ngày nay, thế giới cần một nền tảng cởi mở hơn, thứ cho phép ứng dụng trở thành nền tảng của chính nó”.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, một bổ sung quan trọng trong Windows 11 đã làm xấu đi hình ảnh cởi mở mà Microsoft mong muốn. Công ty cho biết sẽ tích hợp phần mềm liên lạc và hội nghị Teams trực tiếp vào Windows, chỉ cần bấm một nút để truy cập. Teams được giới thiệu năm 2017, đi sau nhiều đối thủ như Slack và đang bắt kịp thời gian gần đây nhờ được đưa vào bộ phần mềm Office. Động thái này khiến chúng ta nhớ lại những năm 1990, khi Microsoft xây dựng vị trí số 1 và “đè” đối thủ bằng cách tích hợp các sản phẩm khác vào Windows.

Slack cho rằng việc đóng gói Teams vào Windows 11 đồng nghĩa với sân chơi có thể không còn công bằng nữa. Trong một tuyên bố, Slack nói: “Lựa chọn tốt hơn khóa chặt, cởi mở tốt hơn khép kín, cạnh tranh sòng phẳng là tốt nhất. Không may, Microsoft chưa bao giờ nhìn theo cách ấy”.

Theo Microsoft, người dùng Windows 11 có thể gỡ nút liên kết với Teams nếu muốn. Phiên bản Teams trong hệ điều hành cũng chỉ là bản phổ thông, không phải bản cho doanh nghiệp như trong Office.

Động thái của Microsoft gây chú ý do trước đây, cũng chính vì hành vi này mà hãng phần mềm bị chính phủ Mỹ kiện chống độc quyền cuối những năm 1990. Đây là thời kỳ mà Microsoft của ông Bill Gates bị xem là “đế chế ma quỷ”, chuyên chèn ép đối thủ nhờ nắm quyền kiểm soát gần như hoàn toàn thị trường PC.

Khi Microsoft bỏ lỡ bùng nổ Internet và tụt hậu so với trình duyệt Netscape Navigator, công ty tạo ra Internet Explorer và đưa vào Windows, đồng thời ký thỏa thuận với các nhà sản xuất máy tính để ngăn cản cạnh tranh. Cuối cùng, tòa án phát hiện Microsoft vi phạm chống độc quyền từ vấn đề trình duyệt.

Một số lãnh đạo Microsoft nhận xét vụ kiện là nguyên nhân khiến họ lại tiếp tục bỏ lỡ xu hướng điện toán di động, tìm kiếm Internet. Vài năm trở lại đây, hãng dần lấy lại chỗ đứng nhờ mảng điện toán đám mây, đồng thời mở rộng sang các danh mục sản phẩm khác. Cùng lúc này, ông Nadella – người nắm quyền từ năm 2014 – thành công trong việc gây dựng hình ảnh Microsoft, thúc đẩy khả năng tương tác giữa các sản phẩm và ký hợp tác với đối thủ. Nhờ hình ảnh mới, cộng với sự yếu thế trong các lĩnh vực dễ bị “soi” như mạng xã hội, thương mại điện tử và quảng cáo Internet, cho tới nay, Microsoft không bị giám sát kỹ như Apple, Amazon, Google và Facebook.

Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy các nhà lập pháp đã để ý đến Microsoft. Chưa đầy 24 giờ trước khi ra mắt Windows 11, các thành viên Đảng Cộng hòa của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đặt câu hỏi vì sao Microsoft gần như bị loại trừ khỏi các dự luật chống độc quyền của Đảng Dân chủ một cách bí ẩn.

Du Lam (Theo Bloomberg)

Microsoft giới thiệu Windows 11: Thiết kế mới, menu Start mới và chạy ứng dụng Android

Microsoft giới thiệu Windows 11: Thiết kế mới, menu Start mới và chạy ứng dụng Android

Microsoft chính thức xác nhận tên phiên bản tiếp theo của Windows: Windows 11. Sau nhiều tháng úp mở về số 11, hệ điều hành mới của Microsoft đã chính thức ra mắt.