“Từ năm 2011, thành phố Đà Nẵng sẽ không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước”. Đó là nội dung tờ trình của Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng về kế hoạch biên chế hành chính sự nghiệp tại kỳ họp thứ 17 hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa VII diễn ra từ ngày 1-3.12.2010.

Đây là chủ trương của chính quyền Đà Nẵng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đã được thành ủy và thông qua. Mặt khác, một quan chức của Đà Nẵng tiết lộ, hiện nguồn nhân lực đang được đào tạo bằng kinh phí của thành phố vẫn chưa bố trí hết.

Thời gian qua, chính sách thu hút nguồn nhân lực của thành phố Đà Nẵng thường chú trọng đến yếu tố bằng cấp. Bằng chứng là trước khi chủ trương trên ra đời, nhiều ngành như ngành Giáo dục của Đà Nẵng cũng đã nói “không” với những sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức. Lý giải về chủ trương trên, một cán bộ quan chức (xin được dấu tên) ngành giáo dục ở Đà Nẵng cho rằng “về bằng cấp là bình đẳng, nhưng chất lượng của hệ chính quy và hệ tại chức có sự chênh lệch”.

Ngoài ra, một số nơi cũng không tuyển sinh viên trường dân lập. Sự phân biệt đối xử giữa các trường dân lập và công vẫn tồn tại, dù bằng cấp của sinh viên dân lập vẫn được công nhận như sinh viên công lập để theo học các cấp học cao hơn.

Không chỉ vậy, những tiêu chuẩn chọn cán bộ, công chức cũng đòi hỏi phải tốt nghiệp đại học chính quy, phải có lịch sử chính trị của bản thân và gia đình tốt, có hộ khẩu tại thành phố, là đoàn viên.

Sự phân biệt đối xử giữa các trường dân lập và công vẫn tồn tại Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, phát triển giáo dục ngoài công lập là một xu thế tất yếu. Sản phẩm của giáo dục ngoài công lập vì thế cũng phải được thừa nhận bình đẳng, như những loại hình giáo dục khác. Tuy nhiên, thời gian qua không ít trường dân lập đã tự đánh mất uy tín với xã hội. Chính vì vậy các nhà tuyển dụng nhân sự cảm thấy không an tâm, khi tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học dân lập.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)