Trong bộ đồ bảo hộ và khẩu trang màu trắng, Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae Yong đã thăm quan nhà máy sản xuất chip mới của công ty tại Tây An, Thiểm Tây để thanh tra dây chuyền sản xuất và gặp gỡ các lãnh đạo địa phương.

“Không có tương lai nếu chúng ta mắc kẹt trong quá khứ hay ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Chúng ta nên chuẩn bị trước cho thay đổi lớn sắp xảy ra để tạo động lực tăng trưởng mới. Chúng ta không có thời gian, không nên để lỡ thời cơ”, ông Lee nói trong chuyến đi.

Chuyến đi của ông Lee được xem như lễ khánh thành muộn màng cho nhà máy đã bắt đầu hoạt động từ tháng 3. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nó gửi đi một thông điệp, chính là Samsung kiên định tăng cường hợp tác tại Trung Quốc ngay cả khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục leo thang.

Lee Jong Wook, nhà phân tích của hãng chứng khoán Samsung Securities, nhận định: “Trung Quốc quan trọng với Samsung vì đây là nơi duy nhất họ đầu tư kể từ năm 2019. Phó Chủ tịch Lee thăm nước này để kiểm tra. Công ty bán chip NAND sản xuất tại đây cho khách hàng ở Mỹ lẫn Trung Quốc”.

Chip nhớ của Samsung dùng trong cả máy chủ và thiết bị cầm tay. Khách hàng của họ bao gồm Amazon, Google, Apple…

Tuần trước, Washington thông báo quy định mới đối với các nhà sản xuất chip sử dụng trang thiết bị, công nghệ xuất xứ Mỹ. Theo đó, họ phải xin giấy phép trước khi bán hàng cho Huawei.

Nhà máy tại Tây An của Samsung chuyên sản xuất chip nhớ NAND. Công ty đang hi vọng có thể khôi phục hoạt động để giúp dẫn đầu sau khi đại dịch kết thúc. Đây cũng là nhà máy thứ hai của hãng tại Tây An. Theo ông CW Chung, nhà phân tích cao cấp của Nomura, có thể ông Lee Jae Yong cho rằng đây là thời điểm phù hợp để tới Trung Quốc.

Ông nhận xét lệnh cấm Huawei của Mỹ là con dao hai lưỡi đối với Samsung: một mặt, nó giúp Samsung khi hãng đang cạnh tranh với Huawei trên thị trường smartphone toàn cầu; mặt khác, nó lại làm ảnh hưởng doanh thu chip bán cho Huawei.

Claire Kim, nhà phân tích tại công ty đầu tư tài chính Hana, lại dự đoán Samsung sẽ được lợi nhiều hơn nếu quan hệ của Huawei với nhà sản xuất chip Đài Loan TSMC xấu đi. Theo Nikkei, TSMC đã tạm nhận đơn hàng mới từ Huawei để tuân thủ quy định của Mỹ. Thậm chí, hãng điện tử Hàn Quốc có thể thay thế TSMC làm nhà cung ứng chính cho Huawei. SMIC, nhà sản xuất chip của Trung Quốc, lại có năng lực hạn chế, mở đường cho Samsung tiếp tục phát triển.

Trước đó, Huawei từng nói mua chip từ Samsung là một lựa chọn để giảm áp lực từ Mỹ, song không rõ họ có làm được như vậy theo lệnh cấm mới hay không.