Trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp smartphone bùng nổ với hàng loạt ý tưởng, thiết kế và tính năng mới. Từ mẫu iPhone đầu tiên đến sự trỗi dậy của điện thoại Android, thị trường trải qua không ít thăng trầm. Không chỉ phần cứng, phần mềm, các thiết kế cũng thay đổi một cách quyết liệt, tới mức hiện nay tất cả các hãng đều làm ra những thiết bị với vẻ ngoài na ná nhau.

Nếu như trước đây, chúng ta có thể chia thị trường làm hai phần: Những kẻ tạo ra xu thế và những kẻ theo sau thì nay, rất khó để phân biệt. Dường như smartphone ngày càng có ít thay đổi, có lẽ một phần vì kiểu dáng đã đạt tới độ không tì vết. Vì vậy, thay đổi về mặt thiết kế hầu hết chỉ nhằm mục đích tiếp thị và thẩm mỹ, không chú trọng tới chức năng và sáng tạo.

{keywords}
Samsung Galaxy S22 Ultra. (Ảnh: Digital Trends)

Theo PhoneArena, xu hướng vài năm trở lại đây cho thấy, khi một thương hiệu smartphone cạn ý tưởng, họ sẽ mở lại kho lưu trữ của mình và nhìn vào thiết kế trong quá khứ. Họ tìm đến những yếu tố biểu tượng, dễ phân biệt từng được yêu thích trước đó.   

Chúng ta thấy rõ xu hướng này qua những smartphone của Apple, Samsung hay Google. Chẳng hạn, Apple dành nhiều năm để sản xuất iPhone với góc bo tròn, cạnh vát nhưng khi mọi người bắt đầu dùng chung một kiểu thiết kế này, họ cần tìm thứ gì đó mới. iPhone 12 vì thế “vay mượn” thiết kế khung của iPhone 4 ra mắt năm 2010. Bất kể mang về ý kiến trái chiều, nó lại khá thành công và duy trì đến iPhone 13. iPhone vẫn bán đắt như tôm tươi.

Đây không phải lần đầu Apple làm điều này. iPad 10.2 inch có vẻ ngoài giống hệt iPad 2, không thay đổi trong nhiều năm. Nó làm nên sự cổ điển cho thiết bị, gia tăng doanh thu và lợi nhuận. iPhone SE cũng dùng thiết kế cũ, chỉ khác ở phần cứng, thu hút tuýp người dùng yêu thích sự quen thuộc.

Nếu gọi Galaxy S22 Ultra là mẫu smartphone cao cấp của năm… 2019 cũng không sai. Về thông số kỹ thuật, flagship mới nhất của Samsung nằm trong tốp đầu thị trường. Dù vậy, nói về thiết kế, Galaxy S22 Ultra lại giống Galaxy Note hơn là Galaxy S. Dòng Galaxy S luôn dùng thiết kế tròn hơn, nhỏ hơn và thân thiện với số đông người dùng, còn Galaxy Note vuông vức hơn, hướng tới đối tượng người dùng chuyên nghiệp và đam mê công nghệ.

Khi Samsung cho dòng Note “nghỉ hưu”, hãng quyết định thay thế bằng Ultra. Vì lẽ này, Galaxy S22 Ultra thừa kế các góc sắc sảo, thiết kế mỏng ấn tượng, màn hình cong, cụm camera bớt lồi hơn và bút S Pen như Galaxy Note 10, Note 20. Nếu nhìn vào thiết bị, một người có thể nhầm Galaxy S22 Ultra với Galaxy Note. Dù vậy, đây cũng là một cách mang đến cảm giác hoài cổ cho người dùng, chưa kể nó còn rẻ hơn so với tạo ra một thiết kế hoàn toàn mới. Vấn đề ở đây là Galaxy S22 Ultra nhìn không liên quan gì đến Galaxy S22 và Galaxy S22 Plus. Để so sánh, iPhone bản thường và iPhone Pro lại rất giống nhau.

Cái tên cuối cùng là Google. Google chưa bao giờ là một nhà sản xuất smartphone thành công. Năm 2016, hãng giới thiệu Pixel, đối đầu với iPhone của Apple. Dù sở hữu trải nghiệm tốt, được cập nhật hệ điều hành thường xuyên, thiết kế cao cấp, cấu hình đỉnh cao, Pixel vẫn không thể cạnh tranh với iPhone do giá bán không hấp dẫn như dòng Nexus tiền nhiệm.

Trước doanh số đáng thất vọng, Google sử dụng mánh lới cũ: Cuối năm 2021, Pixel 6 ra đời, trang bị chip tự phát triển đầu tiên, cụm camera xuất sắc, giá tốt hơn. Song, thiết kế của Pixel 6 lại khá giống với Nexus 6P của 7 năm trước. Google Nexus 6P do Huawei sản xuất và được nhiều người dùng ưa chuộng nhờ thiết kế cao cấp và cụm camera độc đáo. Pixel 6 gợi nhớ đến Nexus, giống như iPhone 12, 13 gợi nhớ đến iPhone 4.

Dùng lại thiết kế cũ nhưng mang tính biểu tượng là một ý tưởng không tồi. Nó vừa giúp thiết bị dễ nhận ra hơn, vừa tiết giản chi phí thiết kế. Dù vậy, không nhiều smartphone cũ đạt tới mức độ biểu tượng như iPhone 4, Galaxy Note 10 hay Nexus 6P. “Kho báu” rồi cũng cạn, thị trường cần nhanh chóng có những thiết kế mới.

Du Lam (Theo PhoneArena)

Hai sản phẩm Apple chính thức thành ‘đồ cổ’

Hai sản phẩm Apple chính thức thành ‘đồ cổ’

iPhone 6 Plus và iPad thế hệ 4 chính thức có tên trong danh sách ‘đồ cổ’ của Apple, cùng với các sản phẩm công ty đã ngừng phân phối từ 5 tới 7 năm.