{keywords}
Nhân viên đang trao đổi với khách hàng tại một đại lý Apple ở Mumbai, Ấn Độ ngày 1/9/2021. (Ảnh: Reuters)

Động thái được đưa ra sau khi Ủy ban cạnh tranh Ấn Độ (CCI) bắt đầu xem xét cáo buộc Apple vi phạm nguyên tắc cạnh tranh khi buộc các nhà phát triển ứng dụng phải sử dụng hệ thống độc quyền của hãng và tính phí hoa hồng lên tới 30% đối với các giao dịch trong ứng dụng (In-App purchase).

Apple phủ nhận các cáo buộc trong đơn gửi CCI và nhấn mạnh, thị phần của họ tại Ấn Độ chỉ chiếm ở mức “không đáng kể” từ 0-5%, trong khi Google chiếm tới 90-100% do nền tảng Android được cài đặt trên phần lớn smartphone.

“Apple không thống lĩnh thị trường tại Ấn Độ. Khi không chiếm đa số thì không thể có các hành vi lạm dụng”, trích bản đệ trình ngày 16/11 ký bởi Giám đốc Quản trị Tuân thủ, Kyle Andeer.

Apple và CCI chưa đưa ra bình luận về vụ việc. Người phát ngôn công ty Alphabet (Google) từ chối bình luận khi được hỏi về những khẳng định của Apple trong đơn gửi tới cơ quan chức năng.

Nguyên đơn trong vụ kiện là nhóm phi lợi nhuận ít tên tuổi có tên “Together We Fight Society”, khẳng định Apple với iOS đang thống trị thị trường dành cho các hệ điều hành di động không cấp phép.

Trong đơn, Apple đã phản bác rằng cần xem xét toàn bộ thị trường điện thoại thông minh, bao gồm cả những hệ điều hành cấp phép như Android. Công ty cũng cho rằng phía nguyên đơn có dấu hiệu “được uỷ quyền” và “có vẻ như đang hành động cùng các bên có tranh chấp hợp đồng, thương mại với Apple trên toàn cầu hoặc đã khiếu nại, tranh chấp với công ty tại cơ quan quản lý khác”.

Hãng công nghệ khổng lồ Mỹ không đưa ra bằng chứng đối với các tuyên bố trên. Đáp lại, tổ chức phi lợi nhuận khẳng định nhận xét của Apple đưa ra nhằm đánh lạc hướng CCI khi không hề có bằng chứng xác thực.

CCI sẽ tiến hành xem xét phản ứng của Apple đối với cáo buộc và có thể yêu cầu một cuộc điều tra mở rộng hoặc bác bỏ hoàn toàn vụ việc trong trường hợp không tìm được chứng cứ. Chi tiết về các cuộc điều tra của CCI không được tiết lộ công khai.

Theo Counterpoint Research, dù số lượng điện thoại thông minh của Apple đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 5 năm qua tại Ấn Độ, hệ điều hành iOS chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số 250 triệu smartphone tại đây, phần còn lại thuộc về Android.

Apple đang đối mặt với cáo buộc tương tự tại nhiều nơi khác. Tại Mỹ, hãng vướng vào cuộc chiến pháp lý với Epic Games, nhà phát triển “Fornite”. Hàn Quốc trong năm nay vừa trở thành quốc gia đầu tiên cấm những công ty vận hành chợ ứng dụng bắt buộc các nhà phát triển phải sử dụng hệ thống thanh toán độc quyền. Năm 2020, Liên minh EU đã tiến hành điều tra mức phí của Apple trong việc phân phối nội dung kỹ thuật số trả tiền.

Các công ty như Apple và Google biện minh rằng mức phí họ đưa ra bao gồm lợi ích bảo mật và tiếp thị mà cửa hàng ứng dụng của họ cung cấp.

Vinh Ngô (Theo Reuters)

Apple và Google tạo thế ‘gọng kìm’, cản trở cạnh tranh trên thị trường di động

Apple và Google tạo thế ‘gọng kìm’, cản trở cạnh tranh trên thị trường di động

Cơ quan chống độc quyền Anh nhận định Apple và Google là hai công ty thống trị thị trường di động, máy tính bảng, hạn chế cạnh tranh và lựa chọn của người tiêu dùng.