Lược dịch bài viết của cây bút Jessica Dolcourt tờ Cnet về sự ra đời và thay đổi thế giới di động của chiếc Motorola StarTAC.

Chiếc điện thoại nắp gập đặt trước mặt tôi như món đồ chơi bằng nhựa đầy màu sắc. Hoặc, có thể gọi đây là dải cầu vồng, bắt đầu với màu nâu rồi đổ xuống xanh lam, xanh lục, lại vàng và chảy dài đến đỏ gạch.

Thiết bị có một thẻ SIM với kích thước của thẻ tín dụng, một ăng-ten mảnh khảnh có thể thu gọn và cả bản lề cho phép bạn gập nó làm đôi, nhét gọn vào túi. Không ai có thể cưỡng lại sức hút của nó cả.

Motorola StarTAC - mau dien thoai di dong di vao lich su anh 1

Chiếc StarTAC 70 phiên bản cầu vồng. Ảnh: CNet.

Tôi mân mê nó trên tay và say sưa nhìn chiếc điện thoại vừa đáng yêu, vừa kỳ lạ. Sản phẩm làm từ nhựa dẻo với màn hình khoảng 1,75 inch này đã từng nổi tiếng như iPhone hiện tại, điều khó thể tin khi bạn nhìn lại ở năm 2020.

Chiếc StarTAC 70 cầu vồng tôi tìm được trên eBay là phiên bản khá hiếm của Motorola StarTAC, mẫu điện thoại nắp gập đầu tiên trên thế giới.

Điện thoại nắp gập đầu tiên trên thế giới

Thương hiệu StarTAC đã được Motorola đăng ký từ năm 1995, nhưng mãi đến 1996, StarTAC đầu tiên mới ra mắt và khi đó đã ghi dấu trong lịch sử điện thoại di động.

Ban đầu, StarTAC quá nhỏ so với tiêu chuẩn thời đó. Hầu hết điện thoại đều có kích cỡ từ 5-7 inch. Motorola gọi đây là di động có thể đeo bên người, chỉ cần mua thêm bao da gắn trên hông.

StarTAC lập tức nổi đình đám. Trên màn bạc, các ngôi sao thời bấy giờ đều dùng StarTAC. Sự nổi tiếng của nó cho thấy điện thoại di động sẽ trở nên phổ biến trong tương lai.

Tuy nhiên, nó cũng không rẻ tí nào: 1.000 USD vào năm 1996, tương đương 1.682 USD ngày nay (khoảng 39 triệu đồng). Trong khi đó chỉ với 100 USD (khoảng 2,3 triệu đồng) hoặc ít hơn là có thể sở hữu sản phẩm của Nokia hoặc AT&T bấy giờ.

Các thiết bị di động vào năm 1995 là biểu tượng giàu có và quyền lực. Mỹ có 33,8 triệu thuê bao không dây vào cuối 1995, chỉ chiếm khoảng 12,4% dân số, theo CTIA. Còn vào năm 2019, 96% người Mỹ có điện thoại di động, 81% sử dụng smartphone, theo Trung tâm nghiên cứu Pew .

“Đó là thời điểm chuyển giao. Nếu chúng ta đang ở năm 1995, rất có thể cuộc trò chuyện này đã diễn ra trên điện thoại cố định”, Sheldon Hochheiser, chuyên gia nghiên cứu di động cho biết.

Motorola StarTAC - mau dien thoai di dong di vao lich su anh 2

StarTAC 70 có giá 1.000 USD vào năm 1995. Ảnh: Cnet.

Theo Hochheiser, vào năm 1995 có 3 loại điện thoại chủ yếu:

- Điện thoại xách tay: Trông như viên gạch nặng chưa đến nửa kg. Mẫu Nokia 909 sản xuất năm 1995 là ví dụ tiêu biểu.

- Điện thoại túi: Có hộp đựng đi kèm như túi đeo vai, nặng khoảng 1,3 kg. Đây là loại thiết bị có thời lượng pin dài, có thể bỏ lên lưng ngựa để di chuyển ở những vùng nông thôn Mỹ.

- Điện thoại vận chuyển: Có thể cắm vào xe tạm thời, thông qua ổ cắm điện. Thường được dùng bởi những người bán hàng hay phải đi đây đó.

Ngoài ra còn có Zonephone của Anh. Chiếc điện thoại này hoạt động thông qua mạng thu phát cục bộ 800 MHz, rẻ hơn cho di động và có thể dùng trong 40 tiếng, mất 4 tiếng để sạc lại. Nếu bị mất, ta còn có thể bị vô hiệu hóa nó từ xa.

Mở màn cho thế hệ smartphone nắp gập

Mọi chuyện đã dần thay đổi, khi giá thành điện thoại di động giảm và ai cũng muốn sở hữu một chiếc. Sau khi StarTAC được ra mắt, lượng người dùng điện thoại di động tăng vọt. Đến cuối 1996, con số thuê bao không dây ở Mỹ đã tăng lên 44 triệu, bằng 16% tổng dân số.

Robert N. Weisshappel, phó Chủ tịch điều hành Motorola cho rằng StarTAC tạo ra làn sóng tiêu dùng mới, một thiết bị mang bên người như phụ kiện thời trang.

Vậy chiếc điện thoại có giá 1.000 USD này có gì? Theo Popular Communication, StarTAC là thiết bị mà những ai ưa tiện ích sẽ thích vì nó kèm bao da đeo hông, hai viên pin tháo rời và có thể dùng gọi điện trong 4 giờ liên tục. Nó cũng có cả chế độ rung cho cuộc gọi đến, lượng pin kéo dài đến 47 giờ, đặc biệt là các nút bấm thông minh giúp sử dụng bằng một tay.

Màn hình đen trắng của máy chỉ rộng dưới 2 inch, điện thoại lúc gập lại chỉ dài 10 cm chưa kể chiều dài ăng-ten. Nếu muốn gọi đi hay nhận điện, bạn chỉ cần kéo dài ăng-ten ra thêm 8 cm. Trọng lượng chưa đầy 100g, đây là chiếc điện thoại nhẹ và gọn nhất thế giới khi đó.

Motorola StarTAC - mau dien thoai di dong di vao lich su anh 3

Motorola StarTAC đã ghi dấu ấn trong lịch sử theo cách táo bạo mà không chiếc điện thoại nào trước đó làm được. Ảnh: Cnet.

"Những gì bạn nhận được là một thiết bị dùng để gọi điện. Nó không có dữ liệu cũng không thể dùng để nhắn tin. Nếu muốn gửi tin nhắn, bạn phải mua thêm máy nhắn tin", Hochheister nói.

Là điện thoại nắp gập đầu tiên trên thế giới, StarTAC truyền cảm hứng cho các thế hệ sau này, bao gồm cả Motorola Razr và Galaxy Z Flip ngày nay.

StarTAC là thiết bị xuất sắc, nhưng nó sẽ không tồn tại nếu không có các mẫu điện thoại trước, như Motorola MicroTAC hay DynaTAC huyền thoại.

Motorola StarTAC đã ghi dấu ấn trong lịch sử theo cách táo bạo mà không chiếc điện thoại nào trước đó làm được. Kích thước nhỏ gọn, tính năng tiện lợi của nó đã khơi dậy trí tưởng tượng của mọi người về hình ảnh một chiếc điện thoại di động, không chỉ cho những người giàu có và nổi tiếng, mà cho cả những người bình thường như bạn và tôi.

(Theo Zing)

Vì sao Samsung và Motorola lại quay về thiết kế smartphone gập?

Vì sao Samsung và Motorola lại quay về thiết kế smartphone gập?

Các mẫu điện thoại smartphone gập đang quay trở lại thị trường. Samsung, Motorola và cả Royole, Huawei, Xiaomi đều đang thiết kế smartphone màn hình có thể gập được. Tại sao các công ty sản xuất smartphone quay lại thiết kế điện thoại theo mẫu gập?