{keywords}
 

Đã 3 năm kể từ khi giá smartphone vượt ngưỡng 1.000 USD với sự ra đời của iPhone X. Gần đây, các hãng ghi nhận nhu cầu điện thoại cao cấp hơn 1.000 USD sụt giảm do kinh tế toàn cầu giảm tốc. Vì vậy, họ chuyển hướng sang tập trung vào dòng thấp cấp hơn hoặc tầm trung.

Năm 2020, người dùng chứng kiến nhiều mẫu máy trung cấp đến từ Apple, Samsung và LG. Chúng mô phỏng phiên bản cao cấp nhưng có giá rẻ hơn, chỉ từ 300 USD đến 600 USD. Chẳng hạn, Galaxy A71 5G giá từ 599,99 USD, Galaxy A51 5G giá từ 499,99 USD, iPhone SE giá 399 USD. LG cũng tung ra Q51 giá 260 USD và Q61 giá 301 USD.

Chúng được xếp vào phân khúc tầm trung nhưng đôi khi người dùng vẫn tự hỏi “Thế này có phải rẻ không” hay “Vì sao thiết bị nhỏ bé lại đắt như vậy”. Nếu ngưỡng của điện thoại cao cấp là 1.000 USD, vậy ngưỡng của điện thoại “bình dân” là bao nhiêu? Để trả lời những câu hỏi này, trang Koreal Herald đã tìm hiểu điều gì làm nên giá bán của một smartphone dựa trên dữ liệu được hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit cung cấp.

Màn hình

Màn hình là một trong các linh kiện quan trọng nhất trên smartphone, cùng với chip, và có lẽ là thứ quyết định trực tiếp nhất tới thành công của một sản phẩm. Chúng cũng chiếm tỉ trọng lớn trong giá linh kiện smartphone.

Theo IHS Markit, màn hình đục lỗ 6.87 inch AMOLED trên Samsung Galaxy S20 Ultra 5G do Samsung Display cung ứng có giá 75 USD. Màn hình còn bao gồm mô-đun cảm biến vân tay siêu âm và tỉ lệ làm tươi 120 GHz. Trong khi đó, mẫu Galaxy A50 dùng màn hình 6.4 inch AMOLED có giá chỉ 26,32 USD.

Màn hình chính là “gương mặt” của smartphone, vì vậy điều làm nên khác biệt về giá bán giữa các tấm nền dành cho thiết bị cao cấp và tầm trung cũng đáng để tìm hiểu. Theo Samsung Display, công nghệ OLED linh hoạt được dùng trên tấm nền màn hình smartphone cao cấp khác xa công nghệ OLED rắn dùng trên màn hình smartphone bình dân.

Chúng khác nhau ngay từ khi bắt đầu. Trong khi tấm nền OLED linh hoạt được làm từ polyimides, giúp sản xuất ra tấm nền mỏng hơn, nhẹ hơn, dễ biến hình, tấm nền OLED lại làm từ kính.

"Màn hình Galaxy S20 Ultra sử dụng tấm nền Y-OCTA tích hợp cảm biến chạm trong tấm nền OLED chính, cải thiện hiệu quả của cảm biến chạm so với loại được đặt trên bề mặt của tấm nền chính. Về cơ bản, OLED linh hoạt giúp nhà sản xuất có thêm không gian và dành chỗ cho các bộ phận khác như pin nên giá cao hơn là đương nhiên", quan chức Samsung giải thích.

Chip

Chip chính là “bộ não” của smartphone”. Tuy nhiên, bất ngờ là nó lại rẻ hơn màn hình. Samsung đang dùng chip Snapdragon của Qualcomm và chip Exynos tự sản xuất. Chip Snapdragon 865 trên Galaxy S20 Ultra được ước tính có giá 54 USD. Ngoài chi phí chip, thiết bị 5G còn yêu cầu chip baseband riêng để hỗ trợ kết nối 5G. Chip 5G, cũng do Qualcomm cung ứng, có giá khoảng 74 USD.

Năng lực của chip di động xác định giá cả. Snapdragon 450 trong LG Q7 ra đời năm 2018 có giá chưa tới 8 USD. So với phiên bản 450 14nm, phiên bản 865 đời mới có tốc độ CPU nhanh hơn khoảng 20%, tốc độ RAM cao hơn, tốc độ tải nhanh gấp 6 lần, kích thước nhỏ hơn. Samsung cũng dùng chip rẻ hơn và kém thông minh hơn, Exynos 9610 với giá chỉ 14,9 USD, cho Galaxy A50.

Theo lời một quan chức tại công ty bán dẫn, chip là linh kiện quan trọng nhất xác định hiệu suất tổng thể của smartphone. Giá của chip di động được xác định dựa trên số tác vụ mà nó có thể xử lý, tốc độ xử lý dữ liệu nhanh tới đâu và tiết kiệm năng lượng ra sao.

Máy ảnh

Với nhiều người, camera là thứ quan trọng nhất khi chọn mua smartphone. Đó là bởi vì smartphone đã gắn bó chặt chẽ với cuộc sống hàng ngày. Xu hướng mới nhất trong giới di động là trang bị mô-đun camera nhiều ống kính, cho ra chất lượng ảnh ngang ngửa máy ảnh ống rời. Vì vậy, dễ đoán được mô-đun camera càng lớn, smartphone càng đắt.

Galaxy S20 Ultra đang sở hữu mô-đun camera đắt nhất thế giới với tổng chi phí khoảng 89,17 USD, theo IHS Markit. Thiết bị dùng cụm camera 3 ống kính, bao gồm ống kính 108MP đầu tiên trong ngành. iPhone 11 Pro Max dùng mô-đun camera giá 42,4 USD. Cũng như Galaxy S20 Ultra, máy có cụm camera 3 ống kính.

Quan chức tại Samsung Electro-Mechanics, đơn vị cung ứng camera smartphone cho Samsung, cho biết giá của mô-đun camera được xác định bằng các yếu tố như cảm biến ảnh, ống kính, bộ truyền động. Bộ truyền động là một mô-đun hỗ trợ các tính năng cao cấp như tự động lấy nét, chống rung quang học.

Galaxy A50 trang bị ống kính 25MP nhưng mô-đun chỉ có giá 19,3 USD vì không có chống rung quang học. Số điểm ảnh cao hơn không đồng nghĩa với mức giá cao hơn.

Các bộ phận và yếu tố khác

Ngoài 3 linh kiện chính kể trên, có nhiều thành phần khác làm nên smartphone như bộ nhớ, pin, mạch quản trị năng lượng, giải mã âm thanh, Bluetooth… Dữ liệu cho thấy pin là linh kiện tương đối rẻ, chẳng hạn pin 5.000mAh trong Galaxy S20 Ultra chỉ có giá 5,87 USD.

Nhưng khi gộp tất cả linh kiện, nó chưa bằng một nửa giá bán lẻ của thiết bị, đơn giản vì giá bán lẻ còn bao gồm các chi phí khác như nghiên cứu phát triển, logistics, bán hàng, tiếp thị, hoạt động cần thiết khác để ra mắt sản phẩm.

Có nhiều yếu tố cần cân nhắc khi định giá thiết bị. Đôi khi một mẫu máy bình dân lại không bình dân lắm vì giá cao hơn bình thường do điều kiện thị trường. Chẳng hạn, LG Q7 ra mắt năm 2018 có giá 404 USD bất chấp giá linh kiện thấp hơn so với các sản phẩm đối thủ từ Samsung, Apple vì giá bán phản ánh năng lực sản xuất của công ty.

Du Lam (Theo Korea Herald)

Quý I/2020, doanh số smartphone toàn cầu giảm 20%

Quý I/2020, doanh số smartphone toàn cầu giảm 20%

Thị trường smartphone toàn cầu chịu thiệt hại đáng kể vì dịch bệnh. Theo Gartner, trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh số điện thoại thông minh đã giảm 20%.