Thị trường thiết bị đeo trên thế giới đang tiếp tục tăng trưởng mạnh, đặc biệt tại Mỹ và Trung Quốc, ông Pankaj Kedia, Giám đốc cấp cao phụ trách tiếp thị sản phẩm tại Qualcomm nhận định.

Trên thế giới, hiện nay cứ mỗi 3 giây đồng hồ sẽ có một thiết bị đeo nói chung được bán ra thị trường, cứ mỗi tuần có một sản phẩm mới ra mắt. Trong suốt một năm qua, ông Pankaj cho biết Qualcomm làm việc với hơn 50 hãng mới toanh nhảy vào lĩnh vực sản xuất thiết bị đeo.

Tại hội thảo Tương lai của 5G do Qualcomm tổ chức tại Mỹ mới đây, ông Pankaj cho biết Qualcomm hiện cung cấp từ chip đến cả giải pháp tổng thể cho các hãng tham gia lĩnh vực thiết bị đeo, bao gồm đồng hồ thông minh và các thiết bị theo dõi (tracker) nói chung. Hãng có hẳn dòng chip Snapdragon Wear dành cho các thiết bị này, cho thấy sự nghiêm túc đầu tư vào ngành.

Nền tảng Qualcomm hiện có mặt trên 200 thiết bị đeo nói chung.

Chip của Qualcomm hiện có mặt trên khoảng 200 thiết bị đeo, chiếm 95% thị phần các sản phẩm chạy Wear OS của Google, và đứng số 1 ở phân khúc thiết bị có kết nối 4G. Các dòng chip có mặt trên thị trường hiện nay gồm Snapdragon Wear 2100, 3100, 2500, 1100, 1200.

Thiết bị đeo tổng thể hiện được chia làm 4 nhóm: đồng hồ thông minh; đồng hồ trẻ em; thiết bị theo dõi dành cho trẻ em, người già, thú cưng,...; và các thiết bị theo dõi khác gắn bên trong mắt kính, giày, quần áo, kẹp trên người,...

Trong vòng 12 tháng qua, ông Pankaj cho biết rất nhiều hãng ở tất cả 4 nhóm thiết bị đều tung ra sản phẩm mới. Trong đó thiết bị đeo dành cho trẻ em chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất.

Cụ thể, có 18 nhãn hiệu với 30 đồng hồ thông minh dành cho trẻ em được tung ra thị trường, với mức giá dao động từ 99 đến 249 USD. Những bên tham gia lĩnh vực này gồm các công ty sản xuất smartphone, các nhà mạng, thậm chí ở Trung Quốc có nhiều công ty chỉ tập trung sản xuất đồng hồ thông minh dành cho trẻ em.

Các nhãn hiệu đồng hồ thông minh cho trẻ em có kết nối 4G trên toàn thế giới.

Các nhà mạng trên thế giới tích cực nhảy vào ngách kinh doanh này. Hiện có 15 mạng di động sản xuất smartwatch cho trẻ em, trong đó có tên 3 nhà mạng lớn nhất thế giới gồm China Mobile, Verizon, Vodafone. Nhiều nhà mạng có tên thương hiệu riêng dành cho đồng hồ trẻ em.

Xu hướng này cũng diễn ra tại Việt Nam, cả 3 nhà mạng gồm Viettel, Vinaphone, MobiFone đều có thương hiệu đồng hồ định vị trẻ em riêng của họ.

Mới đây nhất, T-mobile (Mỹ) cũng hợp tác với Timex, hãng đồng hồ nổi tiếng, để ra một đồng hồ thông minh cho trẻ nhỏ.

Trên sân khấu sự kiện, ông Pankaj đeo một chiếc đồng hồ thông minh dành cho trẻ em của BBK - công ty mẹ của Oppo, Vivo, OnePlus. Chiếc đồng hồ này có gắn camera, có thể dùng để chụp ảnh, gọi video, quay vlog,...

“Các nhà sản xuất Trung Quốc rất năng động trong lĩnh vực đồng hồ thông minh cho trẻ em. Các đồng hồ hiện nay đa số đều kết nối được với mạng di động, kể cả mạng 4G. Nhiều thiết bị có GPS, có cả trợ lý giọng nói”, đại diện Qualcomm cho biết.

Sắp tới, đồng hồ thông minh cho trẻ em có thể được nâng cấp các tính năng như sạc không dây, camera kép, đồng thời hỗ trợ nhiều nội dung và dịch vụ khác từ nhà mạng.

Bên cạnh thiết bị phục vụ trẻ em, một mảng kinh doanh khác tiên phong trong ngành chính là đồng hồ thông minh dành cho người lớn. Ông Pankaj cho biết có 15 thương hiệu với 25 smartwatch được tung ra trong vòng 12 tháng qua, giá dao động từ 150USD cho đến tận 4.500USD.

Nhiều hãng công nghệ lẫn thời trang nhảy vào thị trường smartwatch cho người lớn.

Mới đây nhất, hãng đồng hồ danh tiếng Movado ra mắt một đồng hồ thông minh dành cho nữ, cho thấy cách nghĩ smartwatch chủ yếu dành cho đàn ông đã lỗi thời. Ngoài ra, các hãng thời trang như Fossil, Micheal Kors, Emporio Armani, Diesel,... đều có đồng hồ smartwatch. Ngày càng nhiều hãng nhảy vào kinh doanh đồng hồ thông minh. “Bởi hiện nay người ta đi xe Tesla, cầm trên tay một chiếc smartphone đời mới nhất, thì họ sẽ muốn đeo trên tay một chiếc đồng hồ cũng rất công nghệ chứ không nhất thiết phải đồng hồ truyền thống như xưa”, ông Pankaj nhận xét.

Bên cạnh đó, cuộc sống hiện đại cũng lôi cuốn nhiều người vào các phòng tập, thực hành ăn uống có lợi sức khoẻ, siêng năng tập luyện giảm cân, do đó đồng hồ theo dõi sức khoẻ được ưa chuộng nhiều lên.

Đại diện Qualcomm dự báo thời gian tới nhiều đồng hồ thông minh trên nền tảng Android Wear sẽ tiếp tục ra mắt, do khả năng tuỳ biến của hệ điều hành này rất cao. Trong đó, Trung Quốc sẽ là thị trường phát triển rất nhanh.

Ngoài hai mảng chính nói trên, thị trường hiện nay vẫn có các sản phẩm theo dõi cơ bản, như thiết bị định vị thú cưng, người già, em bé. Có 10 nhãn hiệu với 10 thiết bị được tung ra thị trường một năm qua, giá phổ biến từ 49-199 USD.

Những thiết bị đeo khác dùng công nghệ của Qualcomm.

Mặc dù thiết bị đeo thông minh phát triển mạnh ở nhiều thị trường nhưng tại Việt Nam xu hướng này chưa nở rộ. Trả lời thắc mắc này của ICTnews, ông Pankaj cho rằng các thị trường như Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ,... cần thêm thời gian để người dùng quen với sản phẩm.

Mỹ hay Trung Quốc sẽ là các thị trường dẫn dắt, cho đến khi công nghệ phát triển, thiết bị rẻ hơn, nhiều người quen với khái niệm thiết bị đo sức khoẻ hơn thì sản phẩm sẽ tiếp cận được số đông người dùng.

Ông Pankaj cũng tiết lộ đang làm việc với một đối tác tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất đồng hồ thông minh.

Theo báo cáo của IDC, trong quý 1/2019 có 49,6 triệu thiết bị đeo được bán ra trên toàn cầu, tăng 55,2% so với cùng kỳ. Các thiết bị đeo tay (gồm đồng hồ và dây đeo) tăng 31,6% hàng năm, và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các thiết bị đeo nói chung - 63,2%. Ngoài ra, thiết bị theo dõi sức khoẻ đeo trên tai chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, tăng 135,1% từng năm, và dang chiếm khoảng 34,6% thị phần tổng của thiết bị đeo.

Các hãng dẫn đầu thị trường hiện nay, theo thứ tự gồm Apple, Xiaomi, Huawei, Samsung, Fitbit.