Kinh tế chia sẻ (sharing economy) là thứ được nói đến rất nhiều ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây, chủ yếu do sự bùng nổ của Grab và các dịch vụ đặt phòng khách sạn. 

Thực tế, mô hình kinh doanh chia sẻ này đã phát triển ở Mỹ từ rất lâu, bắt đầu với eBay năm 1995 nhưng chỉ bùng nổ khi Uber ra đời năm 2009, tiến vào thị trường năm 2011. Từ đây, các nhà đầu tư bắt đầu đổ xô vào lĩnh vực này với đủ loại chia sẻ từ xe cộ, hàng hóa, văn phòng đến phòng tập gym, trang thiết bị y tế, xe đạp. Và gần đây, một khái niệm rất mới đã ra đời là chia sẻ sạc dự phòng (powerbank) vốn xuất phát từ Trung Quốc.

{keywords}
Chia sẻ sạc dự phòng là một thị trường tiềm năng phát triển cực nhanh ở Trung Quốc trước khi Covid-19 bùng phát.

Với một thị trường tỷ dân như đại lục, chia sẻ sạc dự phòng thực sự là mảnh đất màu mỡ để phát triển. Laidian, một startup hoạt động trong lĩnh vực này ở Thâm Quyến, có 180 triệu người đăng ký và 2 triệu khách hàng sử dụng mỗi ngày tính đến tháng 07/2020. Đây là một trong bốn công ty đang chiếm tới 85% thị phần của thị trường chia sẻ sạc dự phòng Trung Quốc. 

Cách thức hoạt động của mô hình này khá đơn giản, các trạm sạc dự phòng sẽ được đặt ngẫu nhiên ở nhà hàng, quán ăn nơi người dùng có thể thuê với mức giá khá rẻ theo giờ và có thể trả lại bất cứ lúc nào nếu muốn. Rủi ro của mô hình này là người dùng ‘cầm nhầm’ sạc, nhưng chỉ dưới 1% do giá trị của thiết bị này quá nhỏ mà hậu quả lại rất lớn: bị trừ điểm tín dụng.

Số vốn bỏ ra cũng khá thấp trong khi chi phí sửa chữa bảo trì không phải vấn đề đáng lo ngại. Vì thế, thị trường này đã bùng nổ một cách nhanh chóng ở Trung Quốc với 35 công ty đầu tư mạo hiểm rót hơn 160 triệu USD vào các startup trong 40 ngày. 

Cuộc chiến chia sẻ sạc dự phòng đã đẩy giá thuê xuống chỉ còn 1 nhân dân tệ/giờ, miễn phí giờ đầu. Trong khi đó, một cục sạc dự phòng bán lẻ có giá khoảng dưới 15 USD và bất tiện nằm ở chỗ người dùng phải sạc và mang theo nó. Vấn đề đã được giải quyết với trạm sạc dự phòng chia sẻ, nơi cả người dùng và nhà đầu tư đều có lợi.

Thành công của Trung Quốc đã khiến phương Tây học theo mô hình này. Trong đó, startup Brick đã triển khai hơn 350 trạm sạc ở Stockholm giữa bối cảnh Thụy Điển là nước hứng chịu thiệt hại nặng nề vì Covid-19 khi theo đuổi chiến lược ‘miễn dịch cộng đồng’. Điểm khác của Brick là người dùng có thể thuê sạc và trả lại ở bất kỳ điểm nào có đặt trạm sạc.

{keywords}
Startup Việt cũng theo đuổi mô hình này nhưng không gặp may khi Covid-19 xuất hiện.

Tại Việt Nam, Sharee là startup đầu tiên theo đuổi mô hình này với giá thuê 10.000 đồng/giờ hoặc 80.000 đồng cả ngày. Tuy nhiên, sau 72 giờ không trả lại, người dùng sẽ được tính là mua sạc và bị trừ 350.000 đồng trong tài khoản. Hiện Sharee đã ngừng hoạt động.

Dù vậy, triển vọng phát triển của thị trường vẫn rất khả quan dù có dấu hiệu chững lại do ảnh hưởng của Covid-19. Theo iResearch, tăng trưởng trong năm nay có thể chỉ còn 17%, sau khi bùng nổ tăng trưởng 140% trong năm 2019 lên con số 1,14 tỷ USD. Khi nền kinh tế phục hồi, lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng và du lịch tăng trưởng trở lại, chia sẻ sạc dự phòng hứa hẹn trở thành một thị trường béo bở với dự báo tăng trưởng 50-80% mà các startup phải tính toán được thời điểm đón đầu hợp lý. 

Phương Nguyễn

Dùng chung sạc dự phòng có nguy cơ nhiễm mã độc?

Dùng chung sạc dự phòng có nguy cơ nhiễm mã độc?

Cảnh sát Trung Quốc khuyến cáo dùng chung sạc dự phòng có thể khiến hàng loạt smartphone dính mã độc và bị đánh cắp thông tin.