PGS Nguyễn Hoài An chia sẻ về tai nghe ảnh hưởng tới thính lực.

Anh Đỗ Thế Hải (31 tuổi, quê Thái Bình) tìm tới bác sĩ khám vì lý do thời gian gần đây anh Hải thường xuyên cảm giác đau nhức trong tai, cảm giác có tiếng ro ro trong tai và khi ngủ không được ngon giấc.

Anh Hải chia sẻ, khoảng hơn 2 năm nay anh đã chọn tai nghe bluetooth vì những tác dụng tiện ích và thời trang của nó. Tai nghe bluetooth giúp anh có thể nghe điện thoại, nghe nhạc, xem phim không lo vướng víu vì bỏ được phần dây.

Khi khám, bác sĩ đo thính lực cho biết anh Hải do thói quen lạm dụng tai nghe bluetooth quá nhiều. Mỗi ngày, anh Hải đeo tai nghe từ 4 tới 5 tiếng đồng hồ. Điều này đã làm tổn thương thần kinh tai, mạch máu không lên tai được làm ảnh hưởng tới chức năng não gây khó chịu, mất ngủ.

Bác sĩ đã nội soi tai nhưng màng nhĩ không hề bị tổn thương. Khi đo thính âm thì đã xác định được bệnh nhân bị giảm chức năng thính lực, bị điếc tiếp nhận cả hai bên.

Theo PGS Nguyễn Hoài An, Trưởng khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện đa khoa An Việt, tai nghe bluetooth là thiết bị thông minh và là xu hướng phát triển của khoa học công nghệ. Khi sử dụng tai nghe vừa phải thì không ảnh hưởng tới thính lực, nhưng nếu nghe tới âm lượng 85 đề xi ben (dB) sẽ ảnh hưởng tới thính lực.

Tai nghe bluetooth có điều kiện cách âm tốt, nhưng âm thanh lại lên cao và nó ảnh hưởng tới cơ quan của tai trong. Chính vì thế, những người làm trong môi trường ồn thời gian dài thì những chấn thương âm trong người bệnh không rõ các triệu chứng.

 

Theo bác sĩ An, thông thường họ chỉ thấy các triệu chứng mệt mỏi, ăn không ngon, cảm giác đầu óc ong ong, một số người có thể nôn nao… Đa số họ không hề biết rằng thính lực của mình đang giảm dần, diễn biến từ từ và họ không nhận ra, cảm giác nghe kém dần, giao tiếp cũng hạn chế. Chỉ khi nào người ta nói to hơn, bật tivi phải to hơn thì mới nghe được.

Bác sĩ An cho biết giảm thính lực do tác động âm thanh thường bị sẽ đối xứng cả hai bên tai, do viêm chỉ bị 1 tai; còn đeo tai nghe bluetooth và để âm thanh to thì sẽ điếc hai tai, và điếc này là điếc không hồi phục.

Cơ chế dẫn đến người sử dụng tai nghe bluetooth hay tai nghe thông thường nếu nghe hàng ngày với cường độ cao và cường độ âm thanh lớn thì sẽ càng ngày càng hại. Độ tác hại sẽ tăng theo đề xi ben. Ví dụ ở ngưỡng 85dB hay 90dB thì càng ngày càng giảm thính lực. Nghe liên tục trong 2 tiếng thì sẽ càng tổn thương nặng hơn. Hậu quả lớn nhất của đeo tai nghe là chấn thương âm.

Bác sĩ An cho rằng nên đeo tai nghe trong thời gian khoảng 30 phút đến 1 tiếng nghỉ ngơi, nếu nghe quá nhiều khoảng 5-6 tiếng với cường độ âm thanh cao thì cơ quan tai chắc chắn bị tổn thương và diễn ra kéo dài có thể hàng tháng, hàng năm. Cơ quan coocti của tai (chứa các tế bào phân tích thính giác) đã tổn thương sâu.

Việc điều trị là không thể, thậm chí việc dùng thuốc cũng không có tác dụng. Chính vì thế, bác sĩ An cho rằng nếu những người có thói quen lạm dụng tai nghe cần thay đổi ngay: Nên đeo trong thời gian ngắn có nghỉ ngơi, nghe với âm thanh vừa đủ; Với trẻ nhỏ cũng không nên cho nghe to vì có thể thành thói quen nghe âm thành lớn sẽ tổn thương tai của bé.