Ba nguồn tin của Nikkei cho biết Luxshare và Foxconn, hai đối tác của Apple, đã bắt đầu sản xuất thử Apple Watch tại miền Bắc, mục tiêu là lần đầu tiên lắp ráp sản phẩm này bên ngoài Trung Quốc. Nikkei nhận định Việt Nam là trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple ngoài Trung Quốc với hàng loạt sản phẩm làm ra trong nước, từ iPad đến AirPods.

{keywords}
(Ảnh: Nikkei)

Apple Watch là thiết bị thậm chí còn tinh vi hơn, theo các chuyên gia trong ngành, vì nó đòi hỏi nhiều linh kiện trong một phom dáng nhỏ gọn, cần tới kỹ thuật công nghệ bậc cao. Sản xuất thiết bị như vậy sẽ là thắng lợi lớn với Việt Nam vì đất nước đang nỗ lực nâng cấp ngành sản xuất.

Apple sẽ tiếp tục chuyển sản xuất iPad sang Việt Nam, sau khi các lệnh phong tỏa Covid-19 tại Thượng Hải gây gián đoạn lớn cho chuỗi cung ứng. BYD của Trung Quốc là đối tác đầu tiên hỗ trợ chuyển dịch, dù nguồn tin của Nikkei tiết lộ Foxconn cũng đang giúp sản xuất nhiều iPad hơn tại Việt Nam. Apple còn đàm phán với nhà cung ứng để phát triển dây chuyền sản xuất thử cho loa thông minh HomePod ở Việt Nam.

Về MacBook, Apple yêu cầu nhà cung ứng thiết lập một dây chuyền sản xuất thử tại Việt Nam. Dù vậy, tiến độ sản xuất số lượng lớn còn chậm, chủ yếu do gián đoạn liên quan tới Covid-19 và sản xuất máy tính đòi hỏi chuỗi cung ứng lớn hơn. Hiện tại, mạng cung ứng tập trung ở Trung Quốc và rất tốn kém, nguồn tin nói.

“AirPods, Apple Watch, HomePod và nhiều thứ khác… Apple đang có kế hoạch lớn cho Việt Nam, ngoài sản xuất iPhone”, một trong các nguồn tin liên quan trực tiếp cho hay. “Linh kiện của MacBook bao gồm nhiều mô-đun hơn so với trước đây, nên việc sản xuất laptop ngoài Trung Quốc dễ hơn. Dù vậy, làm thế nào để cạnh tranh về giá lại là một thách thức khác”.

Nỗ lực đa dạng hóa của Apple tại Việt Nam bắt đầu từ tai nghe AirPods với việc sản xuất số lượng lớn từ năm 2020. Đây là một trong các sản phẩm Apple đầu tiên lắp ráp bên ngoài Trung Quốc sau khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Động thái đánh dấu bước thay đổi trong cách tiếp cận của Apple, vốn lệ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.

Số lượng các nhà cung ứng Apple tại Việt Nam cũng lên ít nhất 22 từ 14 năm 2018, theo phân tích của Nikkei. Nhiều nhà sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng lớn như Google, Dell và amazon cũng thiết lập sản xuất ở Việt Nam. Theo Eddie Han, nhà phân tích cao cấp của hãng nghiên cứu Isaiah, vai trò công xưởng thế giới của Trung Quốc đã bị thử thách từ chiến tranh thương mại và gần nhất là các chính sách năng lượng, zero-Covid. Điều đó khiến cho Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều hãng điện tử, khi Việt Nam không ngừng mở rộng hệ sinh thái cung ứng.

Apple, Foxconn và Luxshare không phản hồi yêu cầu bình luận của Nikkei.

Du Lam (Theo Nikkei)

Cựu CEO Grab Nguyễn Thái Hải Vân đầu quân cho Apple tại Việt Nam

Cựu CEO Grab Nguyễn Thái Hải Vân đầu quân cho Apple tại Việt Nam

Bà Nguyễn Thái Hải Vân đảm nhiệm vị trí Giám đốc quốc gia của Apple tại Việt Nam. Thông tin được bà Vân cập nhật trang hồ sơ Linkedin.