Tình trạng chung của các gia đình lắp bộ phát Wi-Fi là căn nhà giống một “bể” sóng Wi-Fi, có những điểm cường độ sóng Wi-Fi lên như “triều cường dâng”, nhưng lại có những điểm sóng Wi-Fi như “nước triều rút”, chẳng có lấy nổi 1 vạch sóng nào! Để giải quyết tình trạng phập phù này, giải pháp đưa ra là tạo nhiều điểm đặt đầu phát Wi-Fi trong nhà, giống như cách mà các doanh nghiệp đã triển khai từ lâu. Và một startup đã nhanh nhạy trong việc triển khai ý tưởng khi cho ra mắt sản phẩm đầu phát Wi-Fi nhiều điểm cho hộ gia đình, với tên gọi Luma. Được giới thiệu là sản phẩm đầu phát thế hệ mới, Luma không chỉ cung cấp tín hiệu sóng Wi-Fi mạnh, phủ rộng khắp mọi ngóc ngách trong nhà mà còn cho phép người sử dụng kiểm soát tình trạng sử dụng mạng trong gia đình.

Với Luma, người sử dụng có thể dễ dàng thiết lập mạng với hai lựa chọn: sử dụng 1 đầu phát hoặc mua trọn bộ 3 đầu phát để thiết lập mạng xuyên suốt trong căn nhà. Theo phương án số 2, các đầu phát Luma sẽ tự kết nối với nhau tạo thành một mạng thống nhất cho tín hiệu sóng khỏe, bao phủ mọi ngóc ngách trong nhà với dải tần từ 2,4 GHz đến 5GHz.

Ngoài chức năng cơ bản phát sóng Wi-Fi như các đầu phát thông thường, Luma còn có tính năng cho phép người sử dụng kiểm soát việc truy cập mạng của các thành viên trong gia đình. Bằng một ứng dụng đồng bộ đi kèm, người sử dụng Luma có thể giám sát được chính xác có bao nhiêu thiết bị đang truy cập mạng và thậm chí là biết được những thiết bị này đang làm gì online. Điều này có nghĩa là Luma kết nối với máy chủ để đọc dữ liệu mà các thiết bị truy cập mạng trong gia đình đang sử dụng và cho biết được chi tiết từng thành viên đang lướt website nào. Tuy nhiên, điều may mắn là Luma không thể cho biết tường tận nội dung trên website đang truy cập, ví dụ như nó chỉ cho biết một thành viên đang ghé thăm Facebook nhưng không thể chi tiết đến từng tương tác như liệu thành viên đó có đang sử dụng dịch vụ tin nhắn hay không.

Một tính năng khác nữa của Luma hẳn sẽ ghi điểm trong mắt các bậc phụ huynh đang có con nhỏ, đó là tính năng hạn chế các kênh thông tin “ngoài luồng” và không phù hợp độ tuổi khi trẻ nhỏ truy cập mạng tại nhà. Theo đó, Luma sẽ “khóa” IP của các thành viên nhí và chỉ cho phép truy cập các website đã phân loại nội dung theo độ tuổi thành các dạng như G (General Audiences: Phổ thông, không giới hạn độ tuổi), PG (Parental Guidance Suggested: Cha mẹ nên có hướng dẫn cho con khi xem), PG-13 (Parents Strongly Cautioned: Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý và không cho trẻ dưới 13 tuổi xem), R (Restricted: Không dành cho trẻ dưới 17 tuổi). Trường hợp người sử dụng muốn truy cập vào các trang web chưa được phân loại thì phải gửi một yêu cầu để bỏ qua bước “lọc” thông tin này.

Với những tính năng tương tự như một gián điệp ngầm, chắc hẳn sẽ có những thành viên cảm thấy không ưa gì Luma. Câu chuyện thậm chí còn đi xa hơn bởi Luma có thể “ghi chép” mọi lịch sử truy cập mạng của các thành viên trong suốt 1 năm; và người sử dụng chỉ có thể làm ẩn đi một vài tác vụ chứ không thể vô hiệu hóa tính năng này.

Luma được dự kiến sẽ ra mắt vào năm sau và chính thức đến tay người sử dụng vào mùa xuân. Hiện tại, những ai quan tâm và hứng thú với các tính năng của Luma có thể đặt trước để nhận ưu đãi với mức giá chỉ bằng một nửa khi Luma chính thức lên kệ: một đầu phát Luma sẽ có giá đặt trước là 99 USD và trọn bộ 3 đầu phát có giá đặt trước là 249 USD. Khi chính thức bán ra thị trường, giá của Luma sẽ là gấp đôi.