Một chiếc áo khoác thực tại ảo có khả năng tái hiện cảm giác chạm, một chiếc thắt lưng dự báo được khi nào một phụ nữ mang thai sắp sinh con, và thậm chí là một chiếc vest theo dõi sức khoẻ của chú cún cưng nhà bạn: chúng chỉ là một vài trong số những sản phẩm nhận được khá nhiều sự quan tâm trên thị trường quần áo thông minh đang phát triển nhanh chóng ở Nhật Bản.

Teijin đã phát triển được một chiếc áo khoác có thể giả lập cảm giác chạm trong môi trường thực tại ảo. Có tên là Synestesia Wear, chiếc áo này theo dõi chuyển động của người mặc, và các mô-đun gắn bên trên sẽ rung theo nhiều cách khác nhau tuỳ thuộc vào cách người dùng tương tác với không gian VR, từ đó tăng cường tính thực tế đối với trải nghiệm này.

Chiếc áo còn loại bỏ những kết nối từng khiến phiên bản áo VR trước đây của Teijin khó tiếp cận người tiêu dùng. Nó được tạo ra từ một loại vải thiết kế đặc biệt, có khả năng dẫn điện và các tín hiệu liên lạc, cho phép người mặc đặt các mô-đun pin và rung ở bất kỳ đâu họ muốn.

Teiji nhận ra rằng công nghệ của họ không chỉ có tiềm năng trên lĩnh vực gaming, mà còn trên các lĩnh vực thuộc y tế, như vật lý trị liệu, nơi bác sỹ có thể sử dụng chiếc áo này để thu thập dữ liệu về người dùng, đồng thời kích thích các chức năng vận động của họ.

Nisshinbo Textile, một công ty con của Nisshinbo Holdings, thì đang nghiên cứu một chiếc thắt lưng thông minh dành cho bà bầu, với khả năng dự đoán trước vài ngày khi nào người đeo sẽ vượt cạn bằng cách giám sát nhịp tim của em bé thông qua một microphone nhỏ. Nó sẽ khuyến khích người dùng tìm đến sự trợ giúp y tế nếu phát hiện ra bất kỳ biến động lạ nào.

Công ty dự định bán chiếc thắt lưng này ra thị trường như một sản phẩm thời trang thông thường chứ không phải trang thiết bị y tế, thông qua các cửa hàng bán lẻ và trực tuyến. Giá bán của nó nhiều khả năng dưới 100 USD.

Về phần Toyobo, họ đã phát triển được một tấm phim dẫn điện kéo dãn được dùng cho quần áo thông minh, tên là Cocomi, có thể ứng dụng cho cả con người lẫn động vật. Công ty hiện đã tung ra thị trường một sản phẩm sử dụng tấm phim, với chức năng đo nhịp tim của những chú ngựa đua. Và họ dự định sẽ tiếp tục bán ra các sản phẩm wearable tương tự dành cho thú cưng và các loài súc vật trang trại khác.

Loại áo thông minh dành cho thú cưng của Toyobo

"Động vật không giao tiếp bằng từ ngữ, do đó thông tin sinh học sẽ hữu dụng trong việc suy luận ra tình trạng sức khoẻ và cảm xúc của chúng" - giám đốc Toyobo nói.

Bởi các loài động vật có cơ chế tiết mồ hôi khác nhau, lượng lông khác nhau, và hình dáng tổng thể cũng khác nhau, nên Toyobo sẽ phát triển nhiều mẫu wearable tối ưu hoá cho từng loài vật.

Trong khi đó, Toray Industries cũng có các sản phẩm quần áo thông minh làm từ vải dẫn điện Hitoe của hãng, được chứng nhận có thể sử dụng được trong môi trường y tế. Loại vải này được làm từ những sợi chỉ siêu mịn dính sát vào da, cho phép nó phát hiện một cách chính xác tín hiệu điện từ tim.

Toray đang sử dụng loại vải này để phát triển quần áo thông minh có chức năng phát hiện rối loạn tâm nhĩ, một chứng bệnh tim mạch với triệu chứng nhịp tim nhanh và bất thường. Rối loạn tâm nhĩ khi xảy ra có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu, làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim.

Thông thường, người ta phát hiện rối loạn tâm nhĩ bằng cách gắn các điện cực của máy đo điện tâm đồ (EKG) vào da. Một nhược điểm của cách làm này là những người có da nhạy cảm sẽ dễ bị mẩn ngứa.

Toray cho biết vải Hitoe của họ sẽ giảm được nguy cơ bị mẩn ngứa. Bởi loại vải này có thể phát hiện tín hiệu EKG trong gần 2 tuần mặc liên tục, một bệnh nhân có thể phát hiện được những cơn rối loạn tâm nhĩ mà theo cách thông thường không thể biết trước được.

Nếu bạn nghi ngờ về khả năng của vải Hitoe, thì có một nhà phát triển của Toray sau khi mặc thử loại vải này đã được chẩn đoán bị rối loạn tâm nhĩ nhờ vào các tín hiệu cảnh báo phát ra. Và quả đúng vậy, một thời gian ngắn sau đó, anh này đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật để điều trị chứng loạn nhịp tim.

"Tôi chưa bao giờ gặp phải bất kỳ vấn đề sức khoẻ nào, và tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc phải đến bệnh viện chữa rối loạn nhịp tim" - nhà phát triển đó nói.

Áo thông minh của Toray có khả năng phát hiện rối loạn tâm nhĩ.

Ý tưởng về quần áo thông minh đã xuất hiện từ hơn một thập kỷ trước. Vào thời điểm đó, những giải pháp ứng dụng thông tin sinh học trên con người như máy đo nhịp tim đã được sử dụng khá rộng rãi. Hiện nay, các nhà phát triển đang tiếp tục theo đuổi để đưa ra những dịch vụ độc quyền mạnh mẽ hơn nữa, làm được nhiều thứ hơn chứ không chỉ dừng lại ở thu thập dữ liệu sinh học.

"Các loại vải chức năng cao hữu dụng trong xã hội là thế mạnh của Nhật Bản" - Masanao Kambara, chủ tịch Hiệp hội Dệt may Nhật Bản, đồng thời là tư vấn viên cấp cao của Mitsubishi Chemical Holdings cho biết.

Nhiều đối thủ trên toàn cầu đánh giá khá thấp doanh lợi của lĩnh vực dệt may hàng hoá. Phát triển ra những ứng dụng mới cho loại vải chức năng cao sẽ là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển của các nhà sản xuất Nhật Bản.

Thị trường quần áo thông minh trong nước của Nhật dự báo sẽ tăng trưởng đạt mức xấp xỉ 7 tỷ Yên (66 triệu USD) vào năm 2022, tức cao gấp 11 lần so với năm 2017 - theo công ty tư vấn Fuji Keizai ở Tokyo.

(Theo VnReview, Nikkei)

Kính thông minh giúp người khiếm thị nhìn được     

Kính thông minh giúp người khiếm thị nhìn được     

Startup Envision của Hà Lan hợp tác với Google Glass phát triển một loại kính dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), giúp người mù và người khiếm thị nhìn thấy mọi thứ.