Trong ánh sáng hội trường yếu, chủ thể ở xa, X-T30 vẫn bắt nét tốt và cho bức ảnh đủ sáng (ảnh đã crop).

Tốc độ lấy nét nhanh, lấy nét tốt trong ánh sáng yếu

Nếu đang dùng X-T20 chuyển sang X-T30 sẽ thấy có khác biệt rõ ở tốc độ và khả năng lấy nét. Cùng một ống kính, khi gắn lên X-T30 cảm giác máy lấy nét nhanh hơn so với X-T20. Nếu X-T20 hơi gặp khó khăn khi lấy nét những chủ thể màu tối, không có độ tương phản cao thì trên X-T30 đã có cải thiện - bắt nét nhanh và chính xác hơn.

Trong ánh sáng hội trường yếu, chủ thể ở xa, X-T30 vẫn bắt nét tốt và cho bức ảnh đủ sáng (ảnh đã crop).

Khả năng nhận diện và lấy nét vào gương mặt của X-T30 cũng tốt hơn nhiều. Trong ánh sáng rất yếu, X-T30 vẫn đuổi theo được gương mặt, sau đó cho bức ảnh sáng rõ hơn cả điều kiện thực tế. Do có nhiều điểm lấy nét hơn, X-T30 có thể lấy nét những gương mặt ở khoảng cách xa hơn so với X-T20.

Lấy nét mắt và gương mặt

Điểm cải tiến khác trên X-T30 là có thể lấy nét vào vùng mắt (và gương mặt) của chủ thể. Trong nhiều điều kiện chụp khác nhau, máy ảnh sẽ lấy nét vào vùng mắt và gương mặt của mẫu, do đó đảm bảo gương mặt của người được chụp luôn nét rõ, dù với tốc độ chụp thấp.

Chủ thể đeo kính, thường xuyên di chuyển, ánh sáng trong phòng, nhưng X-T30 vẫn bắt nét chính xác vào gương mặt.

Ngoài ra, máy ảnh mới của Fujifilm cũng có thể chọn khoá vào một gương mặt nhất định, do đó khi chụp hay quay máy sẽ chỉ bám vào gương mặt đó để lấy nét. Tính năng này hữu ích khi chụp ảnh một người mẫu, chụp một nhân vật quan trọng trong buổi họp báo đông người, chụp cưới,...

Cảm biến X-Trans IV

Linh hồn của các tính năng mới trên X-T30 được xây dựng nhờ sức mạnh của cảm biến này. X-Trans IV vốn được dùng trên chiếc máy cao cấp hơn là X-T3, nhưng đưa về X-T30 thậm chí nó còn được tận dụng nhiều hơn để phát huy hết sức mạnh của cảm biến này.

X-T30 dùng cảm biến X-Trans IV mới nhất so với các dòng máy XT khác.

Là thế hệ cảm biến mới nhất của Fujifilm, X-Trans IV cho khả năng xử lý nhanh hơn, mượt hơn. Kết hợp với dải ISO 160 đến 12.800 (mở rộng 80 đến 51.200), vùng tối trong ảnh của X-T30 ít nhiễu hơn, ảnh chụp đêm sáng rõ hơn.

Như đã nói, tốc độ lấy nét và khả năng lấy nét của X-T30 cải thiện nhiều so với X-T20, đồng thời có thể so sánh ngang ngửa với các đối thủ của hãng khác. Điều này nhờ vào hệ thống lấy nét lai mới, nhanh hơn 1,5 lần so với thế hệ cũ trên X-Trans III.

Khi chụp single shot, máy có thể lấy nét 425 điểm so với 325 điểm trên X-T20. Chế độ lấy nét theo pha cũng phủ đến 99% bề mặt cảm biến. Với hai lợi thế này, X-T30 có thể lấy nét vào những gương mặt ở xa, nhỏ, là điểm mà X-T20 không làm được.

X-T30 có nhiều điểm lấy nét hơn X-T20, điểm lấy nét phủ trên toàn cảm biến.

Ngoài ra, lấy nét theo pha trong điều kiện sáng yếu có thể xuống tới -0.3EV so với 0.5EV trước đó, giải thích lý do vì sao X-T30 lấy nét tốt ngay cả khi ánh sáng không bảo đảm.

Ngoài ra, máy cũng có tính năng lấy nét theo pha liên tục khi lắp các lens tele. Khả năng lấy nét của X-T30 nhanh hơn cả X-T3 do có firmware mới hơn. X-T30, theo nhà sản xuất, có thể lấy nét nhanh hơn 3 lần so với thế hệ trước.

Chế độ chụp liên tục

Chế độ chụp liên tục trên X-T30 được cải thiện nhiều so với trước. Máy có thể chụp tốc độ 8 khung hình/giây với màn trập cơ học. Khi dùng màn trập điện tử, tốc độ này có thể lên tới 20 khung hình/giây, thích hợp khi chụp các hoạt động thể thao, chụp em bé, chụp động vật,...

Chế độ chụp liên tục này có thể được áp dụng ngay cả khi chụp live view. X-T30 là một trong rất ít máy mirrorless bật chế độ live view liên tục, không bị màn hình đen trong khi chụp tốc độ cao. Việc này giúp người chụp có thể quan sát chủ thể trên màn hình để chụp trong các tình huống chuyển động.

Chế độ chụp liên tục, bám sát vào một gương mặt giúp chụp được vũ công đứng ở phía sau, người thường xuyên nhảy với tốc độ cao.

Quay phim trên X-T30 cũng cải thiện nhiều do khả năng bắt nét gương mặt, lấy nét liên tục với tốc độ nhanh và bám vào chủ thể ngay cả ánh sáng yếu.

Thêm màu giả lập Aterna

Giả lập màu như máy phim là thế mạnh của máy ảnh Fujifilm. Từ các đời máy mirrorless trước và X-T20 gần đây, Fujifilm luôn có các chế độ giả lập được nhiều người chụp ảnh thích thú, như các giả lập trắng đen, Sepia, Acros, Provia,... Trên X-T30 mới, hãng bổ sung thêm Aterna, một giả lập cho quay video đẹp mắt. Chế độ này giảm các tông màu, đồng thời gia tăng phần shadow nhằm tăng mức độ nghệ thuật cho clip.

Phím joystick mới

Joystick được thay cho các phím điều hướng trên X-T20 khiến X-T30 nhìn chuyên nghiệp hơn. Với người có ngón tay to, việc bấm phím điều hướng trên X-T20 có thể hơi khó chịu do phím bấm hơi sâu, do đó việc lắc qua lắc lại phím joystick sẽ dễ dàng hơn.

Phím joystick mới trên X-T30.

Ngoài ra, chỗ người dùng hay để ngón cái cũng được làm nổi lên, giúp cầm máy thoải mái hơn. Phím Q đặt ở phần gờ này cũng hợp lý.

Tổng thể, thiết kế X-T30 khiến người đang dùng Fujifilm nói chung và X-T20 nói riêng không bỡ ngỡ. Máy vẫn có kích thước vừa phải, nhẹ, gọn gàng, nhưng cải thiện thêm các tính năng và phím bấm giúp thao tác dễ dàng hơn.