Epson hồi tuần trước tổ chức giới thiệu hai sản phẩm máy chiếu laser mới. Bên cạnh đó, hãng cũng tổ chức trình chiếu tại Triển lãm trình chiếu laser ở Bảo tàng Siam (Bangkok, Thái Lan).

Trình diễn máy chiếu trong không gian công việc và vui chơi

Tại sự kiện, các mẫu máy chiếu laser mới nhất của Epson được trưng bày trong những điều kiện khác nhau. Hãng trình diễn các cách thức sáng tạo trong ứng dụng máy chiếu tại nơi làm việc hay trong hoạt động vui chơi.

Một hội thảo thiết kế thời trang, phòng trưng bày sản xuất, cửa hàng bán lẻ hay phòng nghỉ ngơi của nhân viên là một vài tình huống trình chiếu thể hiện tính linh hoạt trong việc tận dụng khả năng trình chiếu tương tác của các dòng máy chiếu Epson.

Chẳng hạn, một nhà thiết kế thời trang có thể làm việc với nhóm của mình dù họ đang ở bất kỳ đâu nhờ vào kính thông minh Moverio và phần mềm Nhận diện thực tế ảo KDDI từ xa. Nhà thiết kế đeo kính vào, quan sát các mẫu thiết kế trong phòng, nhóm của cô từ các quốc gia khác có thể theo dõi mẫu thiết kế qua kính thông minh của nhà thiết kế đang đeo. Cả nhóm có thể đưa ra phản hồi trên các thiết kế bằng cách ghi chú lên màn hình toàn cảnh rộng 177 inch, được tạo thành bởi hai chiếc máy chiếu EB-1470Ui thông qua các cuộc họp bằng video.

Nhà thiết kế có thể làm việc qua video hội nghị và dùng kính thông minh để quan sát không gian chung quanh đồng nghiệp, đồng thời ghi chú lên màn hình.

Hoặc tại một phòng trưng bày sản xuất, người xem được tận mắt chứng kiến cách các thiết kế được in lên một chiếc tạp dề. Với một ứng dụng có cách sử dụng đơn giản, người dùng hoặc các nhà thiết kế có thể tự mình tạo ra các mẫu in; đồng thời có thể xem các thiết kế này trông như thế nào khi in lên một chiếc tạp dề thông qua máy chiếu laser LightScene, trước khi gửi lệnh in đến máy in vải kĩ thuật số. Quá trình in diễn ra trong vài phút.

Khách hàng có thể tự thiết kế mẫu để in lên tấm tạp dề.

Một ví dụ khác thực hiện tại một cửa hàng bán lẻ. Tại khu vực thử đồ, máy chiếu laser tương tác siêu gần kết hợp với máy quay sẽ chiếu hình ảnh khách hàng theo thời gian thực lên màn chiếu, và dùng ứng dụng để khoác các bộ quần áo khác nhau lên khách hàng đến khi khách hàng đồng ý lựa chọn mà không cần phải thay đồ mất thời gian.

Người dùng thử nhiều quần áo khác nhau trong cửa hàng mà không cần mặc vào.

Tại một cửa hàng khác, chủ cửa hàng có thể tận dụng máy chiếu để thu hút khách hơn. Chẳng hạn, tại khu vực trưng bày, thay vì dùng các đèn chiếu thông thường để làm nổi bật sản phẩm, người chủ có thể dùng máy chiếu để chiếu trực tiếp lên sản phẩm, với các hình ảnh được lập trình trước, để ghi thêm thông tin sản phẩm hoặc trình diễn video để món hàng sinh động hơn. Máy chiếu được thiết kế để chiếu sáng liên tục và đủ sáng để làm nổi bật sản phẩm.

Máy chiếu vừa làm nổi bật sản phẩm vừa chiếu hình ảnh lập trình sẵn.

Trong khi đó, tại phòng giải trí dành cho nhân viên, nhân viên được mời thư giãn ở quầy bar với các hiệu ứng hình ảnh tương tác, bằng máy chiếu laser EB-L610U. Chẳng hạn chiếc ly đang đặt trên bàn sẽ được chiếu một hiệu ứng nào đó ngay lên bàn, nhưng khi nhấc ly ra thì một hiệu ứng khác sẽ được thay đổi nhằm tạo cảm hứng cho người uống. Các kịch bản thay đổi tuỳ theo sức sáng tạo của người viết ứng dụng.

Các máy chiếu chiếu hình ảnh lên chiếc ly trên bàn, khi lấy chiếc ly ra khỏi vị trí, hình ảnh sẽ thay đổi.

Hoặc nhân viên có thể tập thể dục trên xe đạp trong phòng sức khoẻ với những khung cảnh thiên nhiên khác nhau được tạo ra từ máy chiếu có kiểu dáng đẹp LightScene. Máy sẽ chiếu các khung cảnh khác nhau trong quá trình đạp xe nhằm tăng cảm hứng khi tập luyện.

Máy chiếu tạo màn hình gập nhằm tạo cảm hứng cho nhân viên tập luyện thể thao.

Khi giải trí bằng các bộ phim chẳng hạn, họ cũng có thể xem màn hình lớn với máy chiếu laser siêu gần EH-LS100 dành cho gia đình. Máy chiếu này có thể xuất hình ảnh kích cỡ lên đến 100 inch với khoảng cách chiếu gần là 26 cm.

Máy chiếu được dùng trong phòng giải trí của nhân viên.

Trình chiếu trên mặt tiền của bảo tàng Siam

Bên trong Bảo tàng Siam, các máy chiếu được ứng dụng vào thực tế khá hấp dẫn. Chẳng hạn tại một phòng trưng bày rất nhiều chiếc đĩa khác nhau, khi khách hàng đặt đĩa lên bàn, hình ảnh cách làm các món đồ ăn khác nhau sẽ được hiển thị lên đĩa và chung quanh bàn.

Máy chiếu chiếu cách thức làm món ăn lên bàn, và chiếu hình ảnh món ăn lên đĩa.

Để làm được việc này, các đĩa thức ăn có gắn mã riêng, khi đặt lên bàn các máy đọc mã sẽ phát hiện ra, kết hợp với máy chiếu Epson trên trần nhà sẽ chiếu hình ảnh chế biến món ăn khá trực quan lên đĩa và lên bàn.

Tại một gian phòng khác có cách kể chuyện về lịch sử hình thành Thái Lan rất sinh động. Đèn được tắt, các máy chiếu sẽ chiếu hình ảnh khác nhau lên một mặt phẳng rộng phía dưới. Từ mặt phẳng này, các mô hình 3D sẽ hiện lên lần lượt ở nhiều vị trí khác nhau, kể về các mốc hình thành và phát triển đất nước Thái Lan. Sự kết hợp giữa máy chiếu và các mô hình, âm nhạc,... tạo nên một sân khấu kể chuyện sống động, thu hút người xem.

Máy chiếu chiếu hình ảnh lên mặt phẳng phông nền, kết hợp với các hộp hình ảnh để trình diễn lịch sử Thái Lan.

Khi được hỏi về việc có thể tạo một mô hình tương tự tại Việt Nam hay không, ông Siew Jin Kiat - Giám đốc cấp cao phụ trách ASEAN của Epson cho biết ý tưởng ban đầu của phòng trưng bày này đến từ Bảo tàng Siam, Epson đóng vai trò hỗ trợ. Tuy nhiên nếu có những dự án khả thi tại Việt Nam, Epson sẵn sàng hợp tác để triển khai.

Màn trình diễn sống động nhất của sự kiện chính là việc Epson sử dụng hai dòng máy chiếu sáng nhất là EB-L25000U cùng với ống kính ELPLU05 để chiếu hình ảnh lên mặt tiền Bảo tàng Siam. Môi trường không tối hoàn toàn như trong rạp phim, cộng với bề mặt bảo tàng không phẳng nhưng hai máy chiếu đã trình diễn rất tốt hình ảnh trong buổi diễn kéo dài nhiều phút.

Trình diễn hình ảnh lên mặt tiền Bảo tàng Siam.

Bằng các hiệu ứng khác nhau, kết hợp âm thanh và âm nhạc, bề mặt bảo tàng trở thành “màn ảnh”, trình diễn văn hoá Thái Lan. Hoạt động múa dân gian, múa võ muay Thái cũng được thể hiện, tạo ra buổi diễn đa thể loại rất thu hút.