Sony và HTC mất hút, Mobiistar gặp khó

Trang tin Slashgear gần đây cho biết Sony sẽ rút khỏi mảng smartphone ở thị trường Đông Nam Á và Trung Đông do vấp phải cạnh tranh khốc liệt. Đại diện Sony Việt Nam phủ nhận thông tin hãng không còn bán smartphone ở Việt Nam, tuy vậy khi nhìn vào kệ hàng ở hầu hết chuỗi bán lẻ lớn hiện nay đều vắng bóng Sony.

4 chuỗi bán lẻ lớn nhất hiện nay gồm Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viettel Store, Viễn Thông A đều gần như không bán mẫu smartphone Sony nào. Khi tìm điện thoại hãng này, hầu hết đều “hết hàng” hoặc “ngừng kinh doanh”. Trong 4 siêu thị trên, chỉ còn mỗi Viễn Thông A để tên Sony ở danh mục các hãng smartphone. Thế Giới Di Động chỉ còn bán các smartphone Sony đã qua sử dụng.

Hầu như không có smartphone Sony mới ở các chuỗi siêu thị di động lớn - Ảnh: H.Đ

Trước đó, từ tháng 9/2018 nhiều hệ thống đã bán giảm giá đồng loạt smartphone Sony, và dấy lên thông tin hãng này ngưng bán smartphone trên thị trường.

Câu chuyện của Sony tương tự với LG cách đây 3 năm. Tổng giám đốc LG Việt Nam từng lên tiếng phủ nhận hãng ngưng bán điện thoại tại Việt Nam nhưng smartphone LG từ đó mất hút cho đến nay.

Không chỉ Sony, HTC cũng đang im ắng khi hầu như không tìm thấy mẫu máy nào của hãng này ở 4 chuỗi siêu thị lớn kể trên. Duy nhất một mẫu HTC U12 Life và vài mẫu máy cũ khác đang được bán tại Thế Giới Di Động. Các siêu thị khác đều “ngừng kinh doanh” hoặc “hết hàng” HTC.

Một hãng khác cũng đang gặp khó khăn tại thị trường Việt Nam chính là Mobiistar. Công ty vừa chuyển trụ sở, một số nhân viên nghỉ việc.

Ông Ngô Nguyên Kha, CEO Mobiistar, cho biết hãng đang tập trung nguồn lực phát triển thị trường Ấn Độ trước khi quay lại Việt Nam làm mạnh hơn. Hiện Thế Giới Di Động còn bán kha khá Mobiistar, 3 chuỗi còn lại bán rất ít.

Cạnh tranh khốc liệt

“Cạnh tranh quá khốc liệt” là cụm từ ông Ngô Nguyên Kha, một người kinh doanh điện thoại từ giai đoạn đầu tại Việt Nam, nói khi nhận định về thị trường vài năm gần đây.

Những năm trước Mobiistar vẫn giữ được thị phần 5-8% dựa theo số liệu GfK nhưng gần đây đang giảm xuống. Cùng với đó, Huawei, Xiaomi và gần đây là Nokia đang dần mở rộng miếng bánh của họ. Xiaomi đang duy trì khoảng 5% thị phần, Huawei nhỉnh hơn một chút.

Bên trong một cửa hàng Mi Store tại Việt Nam - Ảnh: H.Đ

Huawei và Xiaomi là hai hãng đáng chú ý nhất góp phần vào việc gia tăng sức ép cạnh tranh lên thị trường. Các hãng lớn cảm giác sức nóng phả vào gáy, trong khi các hãng nhỏ hơn chịu sức ép khủng khiếp dễ dẫn đến phải từ bỏ thị trường.

Cả Sony và LG đều kinh doanh đa mặt hàng tại Việt Nam, do đó khó tập trung được hết nguồn lực vào mảng di động. Mobiistar thừa nhận thị phần nhỏ bé nên không có giá tốt từ chuỗi cung ứng để cạnh tranh về giá.

Trong khi đó, cả Huawei và Xiaomi đều dồn lực kinh doanh smartphone tại Việt Nam. Huawei hiện là hãng smartphone lớn thứ nhì thế giới, Xiaomi trong top 5. Thật khó để một hãng không sở hữu dây chuyền sản xuất và R&D, đồng thời có nguồn lực lớn để cạnh tranh với hai thương hiệu mới nổi này.

Xiaomi gia nhập thị trường Việt Nam từ tháng 3/2017, từ đó đến nay vẫn đều đặn ra mắt các smartphone có cấu hình tốt so với mức giá - cách kinh doanh hãng này áp dụng từ Trung Quốc cho đến khi mở rộng sang các quốc gia khác.

Huawei gia nhập thị trường sớm hơn, tuy nhiên hãng này sau đó thay đổi đội ngũ nhân sự chính yếu tại Việt Nam từ cuối 2017, đồng thời đặt mục tiêu vào top 2 các hãng điện thoại lớn tại thị trường này vào năm 2020.

Huawei đặt dấu mốc đáng nhớ vào tháng 3/2018, khi hãng tung ra chiếc Nova 3e với giá bán chưa tới 7 triệu đồng, được gọi là mức giá “phá đảo” với quà tặng khủng. Chiếc máy được cho là đã hết hàng ngay cả khi chưa tung ra thị trường (do lượng đơn hàng đặt trước khá lớn).

Nova 3e là phát pháo mạnh mẽ năm 2018, đánh dấu cho cuộc đua sau đó ở phân khúc tầm trung. Các hãng Trung Quốc mới nổi khá nhanh nhạy với nhu cầu thị trường, liên tục tung ra các mẫu máy bắt đúng xu hướng, như màn hình “tai thỏ”, camera kép hỗ trợ trí tuệ nhân tạo, sau đó là trào lưu mặt lưng bóng nhiều màu sắc.

Cuộc đua tạo ra từ Huawei, kéo theo Honor (một thương hiệu của Huawei), rồi Xiaomi, khiến Oppo và Samsung khó ngồi yên. Trừ Apple, những hãng không theo cuộc đua này rõ ràng đang mất dần tiếng nói của mình trên thị trường.

George Zhao - Chủ tịch Honor toàn cầu - trong lần phỏng vấn báo chí Việt Nam đầu năm 2018 cho biết hãng sẽ nhắm vào đối tượng khách hàng trẻ. Vì nhắm vào nhóm này nên ông Zhao cho biết hãng sẽ phải luôn thay đổi, theo kịp trào lưu, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau.

Sau khi gây chú ý với dòng Nova, Huawei tấn công phân khúc cấp cao với P20 Pro được đánh giá cao về khả năng chụp ảnh. Hãng dấn thêm một bước nước nữa khi tung ra dòng Mate vốn hiếm khi được nhập về bán tại Việt Nam. Chiếc Mate 20 Pro của hãng cũng được đánh giá cao. Huawei đang bắt đầu phủ rộng các phân khúc từ tầm trung lên tầm cao tại Việt Nam.

Ông Henry Liu, CEO nhóm kinh doanh tiêu dùng Huawei Việt Nam, trong buổi gặp gỡ báo chí tuần trước cho biết vẫn giữ nguyên ý định lọt vào top 2 các hãng smartphone Việt Nam năm 2020.

Để lọt vào top 2, Huawei phải đẩy được Oppo xuống vị trí thứ 3 - một “nhiệm vụ bất khả thi”. Kết thúc năm 2018, Oppo cho biết bán được 3 triệu máy tại Việt Nam, vẫn giữ thị phần ổn định ở mức trung bình 25%, đứng thứ nhì tại Việt Nam. Đạt mức thị phần này không chỉ cần có địa lợi, nhân hoà, mà cần có cả thiên thời, không mấy hãng làm được.

Samsung vẫn giữ vị trí số 1 thị trường với hơn 40% thị phần. Apple đứng thứ 3 với khoảng trên dưới 10%. Các hãng mới nổi như Huawei, Xiaomi chiếm hơn 5% tuỳ thời điểm.

Để đạt đến mức thị phần của Apple thực sự không dễ dàng, chưa nói đến vị trí của Oppo.

Ông Đoàn Hồng Việt, CEO Digiworld, công ty phân phối độc quyền Xiaomi đến thời điểm hiện tại, cho biết bất kỳ hãng nào muốn vượt hơn con số 5% thị phần đều phải đầu tư rất lớn vào tiếp thị và các chương trình khác, nhất là trong bối cảnh thị trường đang tăng trưởng chậm.

Như vậy, bức tranh di động năm 2019 có thay đổi nhiều hay không tuỳ thuộc vào mức độ đầu tư của các hãng mới nổi. Nếu không, thị trường vẫn sẽ chỉ có Samsung, Oppo, Apple nắm giữ chính, các hãng chia nhau thị phần nhỏ bé còn lại.