Người dùng tại Việt Nam đang ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khoẻ. Đại dịch Covid-19 càng khiến nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cá nhân tăng lên. Điều này kéo theo sự gia tăng doanh số của nhóm sản phẩm đeo thông minh.

{keywords}
Nhu cầu mua thiết bị theo dõi thể thao tại Việt Nam đang tăng. (Ảnh: Hải Đăng)

Trả lời ICTnews, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc ngành hàng Viễn thông di động FPT Shop, cho biết nhóm thiết bị theo dõi sức khoẻ gia tăng 50% doanh số trong 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ.

“Điều này chắc chắn có sự liên quan đến việc người dân quan tâm sức khoẻ nhiều hơn trong giai đoạn đại dịch. Thiết bị đeo thông minh sẽ giúp người dùng có động lực hơn khi vừa theo dõi việc tiến bộ hàng ngày vừa chia sẻ với một nhóm bạn bè, đồng nghiệp cùng tham gia”, ông Kha phân tích.

Garmin, thương hiệu sản phẩm đeo thông minh lớn thứ hai về doanh thu trên toàn cầu, vừa chính thức thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hồi tháng 1/2021. Cùng với đó, một cửa hàng bán sản phẩm Garmin đã được khai trương tại Hà Nội.

Hãng này đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường nổi bật nhất Đông Nam Á. Trong vòng 3 năm qua, doanh thu trong lĩnh vực thể thao đạt kết quả vượt ngoài mong đợi, với tốc độ tăng trưởng hơn 120%. Trong khi đó ở lĩnh vực hoạt động ngoài trời, tốc độ tăng trưởng là hơn 175%.

Trước Garmin, thị trường thiết bị đeo và đồng hồ thông minh tại Việt Nam đã có sự hiện diện của Apple, Samsung, Xiaomi, Huawei, Fitbit. Do tiềm năng của thị trường, các hãng điện thoại như Oppo, Vivo cũng đã nhảy vào lĩnh vực này.

Các thiết bị theo dõi sức khoẻ có giá dao động khá mạnh, từ vài trăm ngàn đồng (thiết bị đeo cơ bản của Oppo Xiaomi) đến trên 10 triệu đồng (Apple Watch) và trên 20 triệu đồng (một số dòng Garmin).

Ông Nguyễn Thế Kha cho biết, một số sản phẩm bán chạy tại FPT Shop gồm: Apple Watch, Galaxy Gear Fit, Masstel. Gần đây một số dòng thể thao chuyên dụng cũng được ưa chuộng như Garmin, Xiaomi Mi Watch Lite và Mi Band 5.

Hồi cuối tháng 4, Huawei công bố bán được 3.500 chiếc Huawei Band 6 trong đợt đặt hàng đầu tiên của sản phẩm này. Doanh số này chưa tính giai đoạn cao điểm mua sắm dịp lễ 30/4.

Oppo cũng lần đầu nhảy vào lĩnh vực này khi công bố chiếc Oppo Band hồi tháng 4, với giá 600 ngàn đồng. Năm ngoái, hãng này cho ra mắt chiếc Oppo Watch - cũng là sản phẩm theo dõi sức khoẻ đầu tiên của hãng tại Việt Nam.

Không chỉ tăng trưởng tại Việt Nam, thiết bị theo dõi sức khoẻ có nhu cầu cao trên toàn cầu.

Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, các báo cáo của Garmin vẫn ghi nhận doanh thu cao trong quý 3 năm 2020, với đà tăng trưởng hơn 31% mỗi năm.

Thống kê của Fortune Business Insight, quy mô thị trường thiết bị theo dõi sức khoẻ toàn cầu là 36,34 tỷ USD vào năm 2020. Dưới tác động của đại dịch, nhu cầu mua thiết bị này gia tăng đáng kinh ngạc. Thị trường toàn cầu thể hiện mức tăng trưởng xuất sắc 19,5% vào năm 2020. Thị trường dự kiến sẽ tăng từ 36,34 tỷ USD vào năm 2020 lên 114,36 tỷ USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 15,4% trong giai đoạn 2021-2028. Tốc độ CAGR giảm những năm sau đó là do nhu cầu giảm đi sau đại dịch.

Bên cạnh thiết bị theo dõi sức khoẻ, một số sản phẩm liên quan cũng tăng doanh số dưới tác động của Covid-19. Trả lời ICTnews, chuỗi bán lẻ CellphoneS cho biết, các sản phẩm trong gia đình như cân sức khoẻ, máy lọc không khí, robot hút bụi có tăng trưởng từ cuối năm 2020, do người dùng ngày càng chú tâm đến sức khoẻ và môi trường sống.

Hải Đăng

Apple Watch có thể phát hiện Covid-19

Apple Watch có thể phát hiện Covid-19

Nghiên cứu cho thấy smartwatch của Apple có thể phát hiện sớm và hạn chế lây lan Covid-19.