{keywords}
Điện thoại Xiaomi MIX 4 5G trưng bày tại cửa hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 8/9/2021. (Ảnh: SCMP)

Tuần trước, báo cáo của Trung tâm An ninh mạng Quốc gia (NCSC) thuộc Bộ Quốc phòng Lithuania cáo buộc smartphone Mi 10T 5G của Xiaomi, đang bày bán rộng rãi tại châu Âu, trang bị tính năng phát hiện và kiểm duyệt một số cụm từ nhất định. Nếu vấn đề của thiết bị này chỉ gói gọn tại Lithuania – quốc gia khoảng 3 triệu dân, tác động sẽ rất nhỏ. Song, nếu các nước khác đưa ra kết luận tương tự, tầm ảnh hưởng sẽ lớn hơn đáng kể đối với Xiaomi và các smartphone Trung Quốc khác.

Theo hãng thông tấn Reuters, sau phát hiện của chính phủ Lithuania, cơ quan giám sát an ninh mạng Đức – BSI – cho biết, đã bắt đầu kiểm tra kỹ thuật smartphone của Xiaomi.

Xiaomi có thể tổn thất lớn trước cuộc điều tra của Lithuania và Đức. Công ty này đang muốn vượt qua Samsung Electronics trên thị trường smartphone trong vòng 3 năm.

Hãng điện thoại lớn thứ hai thế giới phủ nhận kiểm duyệt người dùng, khẳng định không bao giờ hạn chế hay cấm bất kỳ hành vi nào như tìm kiếm, gọi điện, duyệt web hay sử dụng phần mềm bên thứ ba.

Báo cáo của NCSC cũng phân tích Huawei P40 và OnePlus 8T 5G. Theo đó, danh sách các từ có thể bị các ứng dụng hệ thống trên smartphone Xiaomi kiểm duyệt gồm 449 cụm từ tiếng Trung và cập nhật liên tục.

Đầu tuần này, Xiaomi nói đã mời chuyên gia độc lập đánh giá các luận điểm trong báo cáo của chính phủ Lithuania về tính năng kiểm duyệt trên smartphone của mình. Theo nhà phân tích Linda Sui của hãng nghiên cứu Strategy Analytics, miễn là Mỹ không đưa Xiaomi và các thương hiệu Trung Quốc khác lên danh sách Entity List như đã làm với Huawei và ZTE, ảnh hưởng từ cuộc điều tra hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Mỹ bỏ ZTE khỏi danh sách đen thương mại từ tháng 3/2017, trong khi Huawei bị Mỹ cấm vận từ tháng 5/2019.

Các cuộc điều tra của Lithuania và Đức cũng cho thấy, các nước khác nhau sở hữu các yêu cầu tuân thủ khác nhau. Sẽ có những ý kiến trái chiều về các chức năng smartphone từ các nhóm người tại tất cả các nước, bao gồm cả Trung Quốc.

Đức là thị trường lớn thứ hai của Xiaomi tại Châu Âu, theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu Canalys. Nước này chiếm 10% thị phần Xiaomi trong khu vực với 9,2 triệu smartphone bán ra nửa đầu năm nay. Trong cùng kỳ, Xiaomi chiếm 45% thị phần smartphone Lithuania, song doanh số tại Lithuania chỉ đóng góp 0,4% đơn hàng cho công ty.

Nicole Peng, Phó Chủ tịch di động của Canalys, đánh giá, có định kiến cho rằng, các nhãn hàng Trung Quốc chưa làm hết sức trong vấn đề quyền riêng tư dữ liệu hay bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Định kiến ấy không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Hầu hết các hãng smartphone lớn của Trung Quốc đều chưa có kinh nghiệm lâu dài như Samsung và Apple khi kinh doanh với những doanh nghiệp như ngân hàng.

Bà gợi ý các hãng nên dành nhiều nỗ lực hơn cho phân khúc doanh nghiệp, thường đồng nghĩa với phối hợp với chính phủ. Như vậy, họ sẽ hiểu được làm thế nào để hoạt động trong môi trường được quản lý nghiêm ngặt và xây dựng lòng tin.

Du Lam (Theo SCMP)

Xiaomi nói gì khi Lithuania khuyến cáo không dùng smartphone của hãng?

Xiaomi nói gì khi Lithuania khuyến cáo không dùng smartphone của hãng?

Một ngày sau khi Lithuania khuyến nghị không dùng smartphone Xiaomi vì tính năng kiểm duyệt người dùng, công ty Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận.