Apple sẽ phát hành phiên bản chính thức của iOS 9 vào đầu tháng 9 tới đây, và những tính năng mớicủa hệ điều hành này cũng đã được tiết lộ tại WWDC 2015diễn ra hồi tháng 6/2015. "Khóa nội dung" (content blocking) không phải là tính năng được biết đến và quan tâm nhất trên iOS 9, tuy nhiên, đây có thể lại là một trong những tính năng đáng chú ý nhất của iOS trong thời gian tới.

“Content blocking” là tên gọi chung cho các extension (tiện ích phụ, tiện ích mở rộng) trên Safari cho phép người dùng khóa các nội dung trên web mà họ thấy không cần thiết. Một số các nội dung dạng này bao gồm: quảng cáo, các công cụ theo dõi (tracker), các đoạn mã script, cũng như các nội dung khác có nguy cơ làm tăng thời gian tải trang. Nhờ đó, khi sử dụng, người dùng có thể lướt web nhanh hơn, tiết kiệm lưu lượng dữ liệu, tăng thời gian dùng pin, tập trung hơn vào nội dung bài viết. Content blocking cũng hứa hẹn giúp người dùng bảo vệ tốt hơn các thông tin cá nhân bởi các công cụ theo dõi đã bị vô hiệu hóa. Tuy nhiên, ngược lại thì nó có thể sẽ là một "cơn ác mộng" của các nhà xuất bản vốn dựa vào quảng cáo để kinh doanh, duy trì hoạt động. Dưới đây là những điều bạn cần biết về tính năng mới hứa hẹn gây "đột phá" này của iOS 9.  

"Khóa nội dung" không đồng nghĩa với "khóa quảng cáo"

Dù các extension khóa nội dung trên iOS 9 sẽ cho phép bạn chặncác quảng cáo khi lướt web, nhưng đó không phải là tác dụng duy nhất của chúng. Theo như giải thích của Apple trên websitedành cho các lập trình viên, content blocking còn cho phép người dùng chặn "cookie, ảnh, các thành phần nội dung, pop-ups, và các nội dung khác". Điều đó có nghĩa là các nội dung gây khó chịu như video tự chạy, các đoạn mã script theo dõi luôn "đi theo" bạn mọi nơi mọi lúc trên web, cũng sẽ không có cơ hội tồn tại. 

Vì sao bạn cần content blocking?

Nhờ có cấu hình phần cứng máy, máy tính để bàn có thể nhanh chóng tải các trang web nặng, những trang nhiều quảng cáo bên ngoài và các script ẩn có chức năng theo dõi người dùng... Tuy nhiên, theo thời gian, khi mà các site ngày càng được bổ sung nhiều nội dung như video, plug-in... hiệu năng duyệt web bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Trên thiết bị di động, việc các trang web bổ sung thêm nội dung càng ảnh hưởng tới tốc độ tải hơn do cấu hình của thiết bị khá hạn chế, không thể mạnh như máy tính. 

Ý tưởng đằng sau tính năng khóa nội dung của Apple đó là bắt các nội dung mà chủ site thêm vào phải ngừng chạy, từ đó giúp người dùng tăng tốc độ tải trang. Trước đây, khi trình duyệt Safari phải tải tất cả các thành phần, từ nội dung nổi ở ngoài lẫn nội dung chạy ngầm mà chủ website đưa vào, hiện tượng trễ (delay) sẽ xuất hiện. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng phải mất thời gian chờ đợi vô ích, bởi nhiều nội dung mà Safari tải về không có tác dụng gì với họ. Tất cả những gì người dùng cần chỉ là đọc văn bản, xem ảnh... trên trang mà thôi. 

Bên cạnh đó, việc các trang web sử dụng công cụ theo dõi thói quen lướt web của người dùng cũng khiến nhiều người cảm thấy lo ngại về quyền riêng tư. Content blocking - với chức năng chặn script và cookie theo dõi - sẽ giúp xóa tan những lo ngại này. Bản thân các ứng dụng khóa nội dung sẽ không theo dõi lịch sử duyệt web của bạn, hay theo dõi các nội dung mà bạn đã khóa. Chúng đơn giản chỉ sử dụng các quy tắc được quy định trước nhằm báo cho trình duyệt biết các nội dung không được tải về. Nói cách khác, khi sử dụng content blocking, bạn không phải lo sợ chính các extension này... theo dõi lại mình. 

Cách sử dụng

Để khóa các nội dung không mong muốn, người dùng sẽ phải cài đặt extension khóa nội dung được phát hành trên App Store của Apple, sau đó vào Settings>Safari>Content Blockers để kích hoạt chúng. 

Hiệu quả đến đâu?

iOS 9 vẫn chưa được phát hành nên extension khóa nội dung vẫn chưa có mặt trên App Store mà chỉ đang trong quá trình được các lập trình viên thử nghiệm. Do đó, hiện tại chúng ta vẫn chưa thể đánh giá được tính hiệu quả của chúng. Tuy nhiên, theo phản hồi của các lập trình viên thử nghiệm tính năng này, content blocking của Apple tỏ ra rất hứa hẹn. Theo Dean Murphy, nhà phát triển của một ứng dụng khóa nội dung có tên Crystal, ứng dụng và extension của anh giúp trang tải nhanh hơn 3,9x lần, và thời gian tải trang được giảm xuống tới 74%. Thêm vào đó, trung bình các trang sẽ tiết kiệm được 53% băng thông mạng. Khi thử truy cập vào 10 trang web, bao gồm các báo lớn như New York Times và Huffington Post, Dean Murphy nói rằng anh tiết kiệm được 70 giây và 35 MB dữ liệu (xem bảng trên). 

Tuy nhiên, một số thử nghiệm với các extension khóa nội dung khác cho thấy chúng không giúp giảm thời gian tải trang được là bao nhiêu. Điều này là do nhiều trang web cũng đã cắt giảm bớt các nội dung không cần thiết trên phiên bản mobile để tối ưu cho độc giả của họ. 

Cách xem các nội dung bị khóa

Nễu đã "lỡ" cài đặt extension khóa nội dung, Safari sẽ cho phép người dùng nhấn và giữ nút tải lại (reload) để tải hoàn toàn trang mà không có nội dung nào bị khóa. Các extension cũng sẽ cho phép người dùng lựa chọn trước các nội dung muốn khóa và những gì họ muốn giữ lại.

Các nhà xuất bản có bị thiệt hại hay không?

Câu trả lời là có. Mặc dù content blocking mang lại nhiều lợi ích cho người dùng, nhưng ngược lại, nó có thể sẽ lại là "cơn ác mộng" của các nhà xuất bản web cũng như nhà quảng cáo. Quảng cáo hiện vẫn là nguồn thu chính của chủ website, tòa soạn báo điện tử. Sự xuất hiện của extension khóa quảng cáo có thể sẽ khiến nhà xuất bản phải tìm ra phương cách khác để duy trì nguồn thu của mình. Ví dụ như họ có thể sẽ tạo ra các loại quảng cáo tự nhiên (native ads) - các nội dung trông giống như một bài báo bình thường trên trang. 

Thiệt hại với các nhà xuất bản có thể sẽ còn ở các khía cạnh khác. Các công cụ mà nhà xuất bản thường dùng để theo dõi độc giả của mình, như Google Analytics, Parsely, Chartbeat, Intercom, Optimizely... cũng có thể bị ảnh hưởng bởi content blocking. Đây là các công cụ cung cấp cho nhà xuất bản những thông tin quan trọng liên quan tới việc kinh doanh như: lượng độc giả, vị trí địa lý của người đọc, nội dung nào trên trang được quan tâm, những tính năng nào của trang hoạt động tốt... Hiện chưa rõ nhà xuất bản và các công ty cung cấp các công cụ theo dõi trên sẽ có động thái gì với content blocking của Apple. 

Liệu content blocking có phổ biến?

Nếu nhìn vào sự phổ biến của AdBlock trên desktop, có lẽ câu trả lời ở đây sẽ là có. 

AdBlock - một extension chặn quảng cáo trên máy tính, cho biết họ có 50 đến 60 triệu người dùng tích cực hàng tháng. Extension này đạt trung bình 2,3 triệu lượt tải mỗi tuần kể từ 2013 đến nay. Đó là chưa kể đến các exntension có chức năng tương tự AdBlock đang tồn tại trên Internet. Một nghiên cứu được thực hiện năm 2014 chỉ ra rằng lượng người chặn quảng cáo tăng 70% so với so với năm trước đó, và có 140 triệu người dùng trên toàn thế giới lựa chọn chặn quảng cáo trên web. Rất nhiều trong số này là những người dùng trẻ - 41% ở độ tuổi từ 18 đến 29. Ở thời điểm hiện tại, số người biết đến content blocking trên iOS 9 vẫn còn ít, tuy nhiên, khi hệ điều hành này ra mắt bản chính thức, các extension chặn quảng cáo trên Safari sẽ được biết đến hơn. Apple có thể cũng sẽ lại mở đường cho trào lưu chặn quảng cáo trên mobile trong tương lai không xa. 

Vì sao Apple triển khai content blocking?

So với các đối thủ, Apple là một trong những công ty quan tâm nhiều nhất tới quyền riêng tư của người dùng. Hiện nay, nhiều công ty luôn "lăm le" kiếm tiền bằng cách cho phép nhà quảng cáo theo dõi người dùng để hiển thị các quảng cáo đúng mục tiêu; còn theo CEO Tim Cook của Apple, hãng không muốn thu thập dữ liệu của người dùng. "Apple nghĩ rằng kiếm tiền từ thông tin cá nhân của khách hàng là sai trái. Chúng tôi không muốn biến mình thành kiểu công ty đó" - Cook cho biết. 

Tuy nhiên, động cơ của Apple ở đây có thể không chỉ đơn thuần là lo lắng cho quyền riêng tư của khách hàng. Một số người đã đưa ra giả thuyết rằng, bằng cách khóa quảng cáo trên web, Apple sẽ ép các nhà xuất bản đưa nội dung lên ứng dụng tin tức News mà hãng sẽ tích hợp trong iOS 9. Trong ứng dụng này, Apple có thể tạo ra doanh thu qua hệ thống quảng cáo iAd của riêng mình. 

Tìm extension khóa nội dung ở đâu?

Extension khóa nội dung trên Safari sẽ chỉ được kích hoạt trên bản chính thức của iOS 9 dự kiến ra mắt vào giữa tháng 9 tới đây, do đó, bạn sẽ phải chờ đến lúc này mới có thể trải nghiệm. Tuy nhiên, một số nhà phát triển hiện cũng đã thử nghiệm extension của họ với một nhóm nhỏ người dùng đang sử dụng iOS 9 phiên bản dành cho lập trình viên hoặc phiên bản public beta. Một số extension tiêu biểu đang được thử nghiệm có thể kể đến gồm Crystal1BlockerBlockrAdamantPurify, và BlockParty.