Vô cảm là một "căn bệnh tâm lý". Do đó, để chữa trị căn bệnh này thì cách tốt nhất là cách "đánh vào lòng người".

Xã hội chúng ta là một xã hội vô cảm? Điều đó có đúng hay sai? Đúng thì đúng chỗ nào. Nếu sai thì sai chỗ nào? Những câu hỏi này khiến tôi bứt rứt khi đọc trên Tuần Việt Nam một loạt bài viết về chủ đề này.

Đã là con người thì phải có tình cảm. Đó là kết luận về mặt tâm lý học. Có nghĩa là con người không bao giờ vô cảm. Hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là con người luôn luôn có phản ứng về mặt tình cảm hoặc hành động, hoặc là cả hai khi có kích thích từ bên ngoài tác động vào các giác quan.

Điều khẳng định này đúng trong cả các trường hợp như trẻ trong bụng mẹ, người có đời sống thực vật hoặc bệnh nhân mắc bệnh tâm thần. Có lẽ chỉ có một trường hợp duy nhất không đúng. Đó là người đã chết. Vì người đã chết thì không biết gì cả. Và cũng không ai trách người chết "vô cảm" với mình và xã hội.

Không thể trách con người về sự "vô cảm"

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta gặp phải những khó khăn. Lúc đó chúng ta sẽ cần, hoặc muốn người khác giúp đỡ. Nhưng không phải cứ khó khăn là chúng ta lại cầu xin người khác giúp đỡ mình. Bởi khi người khác không "thỏa mãn nhu cầu" (từ chuyên môn trong tâm lý học) nhỏ nhặt của bản thân thì chúng ta sẽ gọi ngay những "kẻ đó" là đồ "vô cảm", "không có trái tim", "khúc gỗ", "chỉ sống vì mình". Hãy xem xét xem: Điều suy nghĩ hẹp hòi trên của chúng ta đã đúng chưa?

Chúng ta không thể trách người bạn thân của mình chẳng cho chúng ta mượn tiền để tiêu xài. Bởi vì người bạn đó thấy chúng ta tiêu xài tiền không đúng cách và không có chữ tín trong việc trả tiền.

Một bác sĩ không rớt một giọt nước mắt trước cái chết một bệnh nhân. Chúng ta không thể trách về lương tri của con người đó. Bởi đơn giản con người đó là một vị... bác sĩ. Nước mắt của một vị bác sĩ luôn chảy cho những cái chết đầu tiên trong sự nghiệp nghề y của họ. Và khi đã quen thuộc, người bác sĩ sẽ chai sạn dần về mặt tình cảm. Hành động khóc, biểu hiện của sự xúc động sẽ được chuyển thành tâm trạng ưu tư thường thấy trên các vị bác sĩ có thâm niên.

Sự vô cảm- những hành động trái đạo đức

Chúng ta đã từng nghe các câu ca dao, tục ngữ như: "Thương người như thể thương thân", "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ", "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", "Chị ngã em nâng", "Kính lão đắc thọ"... Vậy chúng ta hiểu những ca dao, tục ngữ này như thế nào? Tại sao ông cha ta lại có quá nhiều câu tục ngữ, ca dao về tình nghĩa con người như vậy?

Bởi ông cha ta thời xưa cũng đã băn khoăn rất nhiều về vấn đề đạo đức xã hội.

Trong các chuyện cổ tích thì có người xấu, có người tốt. Và người xấu lại nhiều hơn người tốt.

Ngay cả cô Tấm cũng băm xác em gái- cô Cám- thành tương gửi cho bà mẹ ghẻ để trả thù. Vậy mà sự hiền, sự ác thời xưa lại được thể hiện bằng câu: "Chuyện cô Tấm ở hiền, thằng Lý Thông ở ác" trong văn thơ chúng ta ngày nay.

Điều không đúng sẽ dẫn đến việc hiểu không đúng. Và sau đó là hậu quả tiêu cực.

Vô cảm phải được hiểu là căn bệnh kinh niên của xã hội chúng ta. Trong cuộc sống hiện nay cũng vậy, những hành động không giống bản chất "người" vẫn đang diễn ra.

Một quan chức cấp cao vẫn ăn nhậu với bạn bè trong căn hộ 3 tầng sang trọng, đầy đủ tiện nghi do Nhà nước cấp. Trong khi đó thì lũ đang dâng cao, người dân kêu cứu còn các cơ quan phòng chống bão lũ liên lạc với "sếp" thì vợ sếp bắt máy rồi... dập máy. Gọi lần 2 thì "sếp" bắt máy nhưng chối từ đến "rốn" lũ chỉ đạo vì đang "bận họp".

Một vụ cướp của thành một vụ "hôi của". Hàng mấy chục người xúm lại lượm tiền của nạn nhân bị cướp giật và nhanh chóng bỏ đi.

Một cặp thanh niên nam thanh nữ tú vẫn điềm nhiên ngồi chễm chệ trên ghế xe khách trong khi cặp vợ chồng già nua đứng cạnh vẫn giật mình thon thót khi xe buýt thình lình phóng nhanh, "cua" mạnh.

Đó là sự vô cảm  trái với đạo đức, chuẩn mực xã hội. Một xã hội dù tiến bộ đến đâu nhưng không có văn hóa chỉ là một xã hội phát triển khập khiễng.

Một vụ cướp của thành một vụ "hôi của".

Không ai dại gì "một mình chống lại mafia"

Trong 9 kỳ thi đấu Robocom thì Việt Nam vô địch đến 3 lần. Điều đó có nghĩa quốc gia chúng ta đang mong muốn, dù trong dự định, sẽ chế tạo các rô- bốt phục vụ cho đời sống con người. Và lẽ dĩ nhiên, rô- bốt sẽ ngày càng được chế tạo giống người hơn. Đặc biệt là giống về mặt tình cảm. Như rô- bốt dành cho người khuyết tật, rô- bốt  dành cho người già, rô- bốt dành cho người neo đơn....

Nhưng ngược với trào lưu rô- bốt "phỏng nhân cách" thì một số con người trong xã hội ta đang được "rô bốt hóa". Biểu hiện của những con người này là hình như họ không quan tâm đến việc phục hưng các giá trị đạo đức của xã hội nữa. thậm chí, lối sống và hành vi của họ thực chất là dẫm đạp lên những giá trị chuẩn mực đó.

Điển hình là vấn nạn tham nhũng.

Cho đến nay, bao vụ tham nhũng gặm nhấm hàng tỉ đồng tiền công quỹ còn nằm trong bóng tối vì "chưa được phát hiện".

Hay phải chăng chưa có ai dám làm hiệp sĩ "chống tham nhũng"? Không phải. Bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì Luật chống tham nhũng có lẽ chưa đủ mạnh. Và việc thực thi luật cũng đang là một... "ẩn số". Cũng bởi không có ai dại gì dám "một mình chống mafia".

Phải chăng người Việt Nam chúng ta chống giặc thì hăng hái, kiên cường nhưng để vượt bản thân mình thì chúng ta lại chưa muốn làm và không làm nổi?

Xã hội không vô cảm- làm gì đây?

Muốn cho xã hội không vô cảm, cần những điều kiện gì?


Một là, pháp luật Việt Nam phải có những quy định chế tài cụ thể về những hành vi vô cảm đối với cộng đồng. Chúng ta đã có những quy định pháp luật hiệu quả như phạt hành chính đối với việc xả nước thải ra đường, đổ rác bừa bãi, tại sao không nhân rộng, tăng cường hơn nữa?

Chẳng hạn, pháp luật sẽ phạt hành chính thật nặng đối với các hành vi khạc nhổ, nhả kẹo cao su... như ở Singapore. Hay báo về trường, bình xét đạo đức đối với các học sinh, sinh viên không nhường chỗ trên xe buýt cho trẻ em và người già.

Hai là, cả xã hội cùng vào cuộc. Trong đó Nhà nước và nhân dân phải cùng nghĩ, cũng làm, cùng đưa ra biện pháp và cùng khắc phục, giúp đỡ hỗ trợ nhau. Trong sự nghiệp chống tham nhũng, nếu Nhà nước và nhân dân cũng hăng hái như trong các phong trào thi đua chống Mỹ khi xưa thì "con ma" tham nhũng đâu còn dám lộng hành?

Ba là, vô cảm là một "căn bệnh tâm lý". Do đó, để chữa trị căn bệnh này thì cách tốt nhất là cách "đánh vào lòng người".

Danh ngôn có câu: "Kẻ mất của cải là kẻ mất ít, mất bạn là kẻ mất nhiều, nhưng đánh mất đi cái "tình" thì là mất tất cả". Chúng ta phải làm sao để mọi người đều biết và phải hiểu rõ về điều này. Họ làm điều xấu, họ sẽ bị cô lập, sẽ bị lên án thì họ sẽ không dám làm nữa. Chẳng hạn như vấn đề đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Lúc đầu, ít người tuân theo. Nhưng khi dụng liệu pháp tâm lý - tuyên truyền thì hiệu quả tăng lên rõ rệt. Nhà nước giáo dục cho nhân dân biết đội mũ bảo hiểm không những "vì mình" mà còn "vì mọi người".

Bên cạnh đó, Nhà nước còn kết hợp việc tăng cường phạt tiền, từ mấy chục ngàn đồng lên mấy trăm ngàn. Rồi những thủ tục nộp phạt cố tình làm cho rườm rà khiến người vi phạm nhớ đời.Người ta hiểu thì người ta thấm thía, người ta sẽ làm theo và lôi kéo người khác làm theo.

Cuối cùng, con người sống trên đời chỉ vì hai điều "danh" và "lợi". Nếu hiểu được điều này thì công tác tuyên truyền chống lại sự vô cảm lại càng tốt hơn. Báo chí phản biện các việc xấu. Rất tốt. Nhưng sẽ tốt hơn nếu như nói nhiều hơn nữa việc nêu gương "người tốt việc tốt". Tất nhiên phải là gương người tốt việc tốt "thật". Nếu thưởng phạt xứng đáng, công minh thì ai cũng cũng muốn làm các việc tốt. Điều đó chỉ có ích lợi cho cộng đồng.

Toàn Nguyễn