{keywords}
Viettel, VNPT, MobiFone đều đang thử nghiệm 5G và chờ đấu giá tần số này để chính thức cung cấp dịch vụ.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Chính phủ sẽ ký Nghị định về đấu giá tần số trong quý 4 để Bộ TT&TT cấp được tần số 4G/5G cho các nhà mạng đầu tư tăng dung lượng và đặc biệt là phủ sóng 5G toàn quốc vào năm 2022. Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chiến lược hạ tầng số Việt Nam đặt mục tiêu xếp hạng Top 30 thế giới trước năm 2025, như vậy các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ có hạ tầng số hiện đại để phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đặt mục tiêu 100% người dân dùng điện thoại thông minh vào năm 2023.

Trước đó, theo Bộ TT&TT, trong quá trình triển khai đấu giá băng tần 2,6 GHz, phải áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý tài sản công nên việc đấu giá quyền sử dụng tần số cần rà soát lại trình tự, thủ tục cho phù hợp với quy định mới. Thêm vào đó, việc xác định giá khởi điểm với băng tần này cũng gặp nhiều khó khăn do đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (một loại tài sản vô hình), trong khi Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg chỉ quy định về nguyên tắc xác định giá, chưa quy định phương pháp cụ thể xác định giá khởi điểm.

Tại Việt Nam, cả 3 nhà mạng lớn là Viettel, VNPT, MobiFone đều đang thử nghiệm 5G và chờ đấu giá tần số này để chính thức cung cấp dịch vụ.

Báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2020" do Google, Temasek và Bain cho thấy, nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị 14 tỷ USD, cao hơn 2 tỷ USD so với giá trị của cùng kỳ năm ngoái. Hơn nữa, trong tổng số người sử dụng dịch vụ kỹ thuật số, người dùng mới tại Việt Nam chiếm đến 41%. Điều này biến Việt Nam thành quốc gia có tỉ lệ người dùng Internet mới cao nhất trong khu vực. 

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam là một trong ba quốc gia châu Á có mức tăng trưởng tích cực, quy mô nền kinh tế đạt hơn 343 tỷ USD (Singapore đạt 337,5 tỷ USD và Malaysia đạt 336,3 tỷ USD). 

Chính phủ Việt Nam xác định một trong những trụ cột của nền kinh tế số là hạ tầng viễn thông, bao gồm cả hạ tầng băng rộng di động lẫn băng rộng cố định. Thực tế chứng minh, chỉ trong vòng 2-3 năm trở lại đây, sự phát triển hạ tầng băng thông rộng đã mở đường cho tất cả các ngành kinh tế khác phát triển. 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, trong vòng 10 năm tới, thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến những chuyển đổi lớn của xã hội loài người. Đó là sự chuyển dịch từ thế giới thực sang thế giới ảo, sự chuyển đổi toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội sang môi trường số, dữ liệu sẽ trở thành một nguồn tài nguyên quan trọng của mỗi quốc gia và sự phát triển mạnh mẽ của kết nối vạn vật.

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Viện Chiến lược TT&TT, tỷ lệ đóng góp của 5G vào tăng trưởng GDP được dự báo đạt 7,34% vào năm 2025. Chính vì vậy, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 đã nhiều lần nhắc tới chuyển đổi số, viễn thông, CNTT, công nghệ số, Chính phủ số, kỹ năng số…

Trong bối cảnh đó, Bộ TT&TT xác định sẽ đi cùng nhịp với thế giới và chủ động trong việc triển khai thương mại hóa 5G tại Việt Nam.

Bình luận về triển khai 5G tại Việt Nam, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào cho rằng, 5G đóng vai trò nền tảng của hạ tầng số trong nền kinh tế số, hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới trong rất nhiều ngành kinh tế quan trọng như giao thông vận tải, năng lượng, nông nghiệp, y tế…  Với nền kinh tế trước đây, chúng ta phải xây dựng đường xá, cầu cống, sân bay, cảng biển, tòa nhà… Nhưng với nền kinh tế số thì hạ tầng số và 5G sẽ là một yếu tố rất quan trọng nhằm thúc đẩy việc phát triển kinh tế số cũng như phát triển kinh tế một cách toàn diện. Bên cạnh đó, 5G là hạ tầng để phát triển thành phố và đô thị thông minh, là một nền tảng quan trọng của nền kinh tế số để hỗ trợ con người, hỗ trợ ứng dụng các công nghệ mới như robot trong rất nhiều ngành khác nhau. Khi ứng dụng 5G, công nghệ 4.0 sẽ trở thành tiền đề rất quan trọng nhằm thu hút các ngành đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thông minh, đồng thời thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước.

"Theo dự báo của Ericsson thì đến năm 2025 có khoảng 2/3 các doanh nghiệp đa quốc gia thành lập trung tâm sản xuất ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Nếu Việt Nam chuẩn bị sẵn hạ tầng số dựa trên công nghệ 5G thì đó sẽ là điều kiện tốt để thu hút đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, Việt Nam có đầy đủ hiệp định thương mại tự do với các nước, là lợi thế rất quan trọng. Tôi nhận thấy, Chính phủ Việt Nam cũng có những sáng kiến và cam kết mạnh mẽ trong việc triển khai 5G với việc cho phép 3 nhà mạng lớn nhất thử nghiệm thương mại 5G", ông Denis Brunetti nói.

Nguyễn Thái 

Thử nghiệm 5G tại Việt Nam đạt tốc độ nhanh kỷ lục

Thử nghiệm 5G tại Việt Nam đạt tốc độ nhanh kỷ lục

Tốc độ truyền dữ liệu 5G trong một thử nghiệm vừa thực hiện tại Việt Nam đạt tốc độ 4,7Gb/giây, cao gấp 40 lần tốc độ 4G và gấp 2 lần tốc độ 5G hiện có.