Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang tổ chức dạy học trực tuyến. Theo số liệu của Bộ GD&ĐT tại thời điểm công bố chương trình “Sóng và máy tính cho em” tối 12/9, cả nước có trên 7,3 triệu học sinh thuộc 26/63 tỉnh, thành phố đang học tập trực tuyến. 

Tuy nhiên, thực tế triển khai dạy - học trực tuyến cho thấy nhiều bất cập khiến dư luận lo ngại về chất lượng của hình thức học tập này, từ vấn đề đường truyền Internet, phần mềm dạy - học trực tuyến cho đến phương pháp giảng dạy.

Để tổ chức dạy học an toàn, chất lượng và tiếp tục đổi mới toàn diện ngành giáo dục và đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh, ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24 về đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục ứng phó với đại dịch Covid-19.

Một trong những nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ TT&TT tại Chỉ thị 24 là ban hành hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến.

Thực hiện nhiệm vụ này, trong tuần qua, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã tiến hành khảo sát để thu thập thông tin liên quan đến mức độ hiểu biết về an toàn thông tin, những nhu cầu, mong đợi của người học nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng Cẩm nang dạy - học trực tuyến an toàn.

“Trung tâm đang gấp rút xây dựng để có thể sớm ra mắt Cẩm nang, qua đó góp phần hỗ trợ việc tổ chức giảng dạy, học tập của các nhà trường thuận tiện, an toàn và hiệu quả hơn”, đại diện NCSC cho hay.

{keywords}
Cẩm nang về dạy và học trực tuyến an toàn đang được Trung tâm NCSC gấp rút xây dựng. (Ảnh minh họa)

Trước đó, từ trung tuần tháng 8, nhận định việc trang bị kiến thức để đảm bảo an toàn thông tin là không thể thiếu cho các hoạt động trực tuyến, NCSC đã cho ra mắt Cẩm nang Bảo đảm an toàn thông tin trong đại dịch Covid-19 để hướng dẫn một số kỹ năng, thao tác cơ bản giúp người dùng Internet bảo đảm an toàn thông tin khi kết nối trực tuyến. 

Bên cạnh 4 chuyên đề chính gồm làm việc từ xa an toàn, học trực tuyến an toàn, liên lạc kết nối an toàn, giải trí an toàn, Cẩm nang Bảo đảm an toàn thông tin trong đại dịch Covid-19 cũng giới thiệu một số công cụ hữu ích, miễn phí của Trung tâm NCSC như: kiểm tra mạng máy tính ma, kiểm tra lộ lọt thông tin tài khoản cá nhân, kiểm tra website lừa đảo, kiểm tra tập tin độc hại, công cụ giải mã và nhận diện ransomware – mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền, công cụ kiểm tra mức độ tín nhiệm của tổ chức, website, thiết bị tại tinnhiemmang.vn.

Mặc dù mới được ra mắt gần 1 tháng, song Cẩm nang Bảo đảm an toàn thông tin trong đại dịch Covid-19 đã được nhiều người phản hồi tích cực về tính ứng dụng, có thể sử dụng hướng dẫn chi tiết trong Cẩm nang vào hoạt động hàng ngày trên môi trường mạng.

{keywords}
Hướng dẫn thiết lập an toàn trên các ứng dụng học/họp trực tuyến là một nội dung của Cẩm nang Bảo đảm an toàn thông tin trong đại dịch Covid-19.

Đáng chú ý, tại Cẩm nang Bảo đảm an toàn thông tin trong đại dịch Covid-19, đội ngũ chuyên gia của NCSC đã đưa ra một số hướng dẫn thiết lập an toàn trên các ứng dụng học/họp trực tuyến đang được sử dụng phổ biến như Zoom, Microsoft Teams.

Vân Anh

Tạo lập niềm tin số cho xã hội khi tham gia hoạt động trên không gian mạng

Tạo lập niềm tin số cho xã hội khi tham gia hoạt động trên không gian mạng

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất với những người làm an toàn, an ninh mạng trong giai đoạn hiện nay là tạo lập, củng cố niềm tin số cho xã hội khi tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng.