Theo đó, đội ngũ quản lý công ty, gồm cả Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg, đã tản mạn tại nhiều địa điểm cách xa trụ sở chính công ty ở thung lũng Silicon, như một thử nghiệm về giới hạn làm việc từ xa.

Naomi Gleit, Giám đốc sản phẩm, cũng là người có thâm niên làm việc lâu nhất tại công ty, đã chuyển tới New York. Giám đốc tiếp thị Alex Schultz thậm chí còn có kế hoạch sang vương quốc Anh sinh sống, còn Guy Rosen, Phó chủ tịch công ty, sẽ chuyển sang Israel trong tương lai gần, người phát ngôn của Facebook cho biết.

Trong khi đó, Javier Olivan, Giám đốc tăng trưởng của Meta đang phân chia thời gian ở tại California và châu Âu, nhưng cũng có kế hoạch dành nhiều thời gian hơn ở nước ngoài. Tuần trước, công ty cho biết sẽ tăng gấp đôi quy mô văn phòng tại Madrid, quê nhà của Olivan để có thể mở rộng thêm 2.000 nhân viên tại đó trong vòng 5 năm tới.

{keywords}
CEO Facebook Mark Zuckerberg

Adam Mosseri, Giám đốc Instagram, những tháng gần đây đang làm việc từ xa ở nhiều địa điểm khác nhau: Hawaii, Los Angeles và Cape Cod. Nhà sáng lập Zuckerberg cũng dành nhiều thời gian bên ngoài trụ sở công ty ở Menlo Park, California. Người ta thường thấy tỷ phú trẻ tuổi này xuất hiện ở Hawaii và các ngôi nhà khác ngoài Bay Area.

“Những năm qua đã mang tới khả năng về cách thức công ty kết nối và làm việc”, Tracy Clayton, người phát ngôn Meta nói. “Chúng tôi tin rằng cách mọi người làm việc quan trọng hơn là địa điểm họ làm việc”. Ông cũng cho biết Zuckerberg sẽ dành hơn nửa thời gian tại California và làm việc từ xa trong phần còn lại của năm nay.

Trước mắt, Zuckerberg không có sự cố vấn của Giám đốc điều hành thâm niên số 2 tại công ty, Sheryl Sandberg, người đang đi nghỉ phép theo chế độ, lên tới 30 ngày có lương.

Gã khổng lồ công nghệ áp dụng chế độ làm việc từ xa sau khi đổi tên từ Facebook thành Meta vào tháng 10/2021, đồng thời phát tín hiệu rằng tương tác ảo sẽ là tương lai của Internet. Cụ thể, để đáp ứng công việc, công ty đã đầu tư một loạt công nghệ giúp làm việc từ xa hiệu quả hơn, như công nghệ hội thảo truyền hình và công cụ phần mềm doanh nghiệp.

Các lãnh đạo cấp cao không làm việc ở trụ sở trong bối cảnh Meta đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Cổ phiếu công ty đã giảm hơn 32% kể từ khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2021 ngày 2/2/2022. Sự sụt giảm thổi bay 300 tỷ USD vốn hoá thị trường, là kết quả của một số yếu tố như sự nổi lên của TikTok, lượng người dùng giảm và tác động tiêu cực đối với kinh doanh quảng cáo do Apple thay đổi chính sách quyền riêng tư. Thậm chí, Meta dự báo trong năm nay họ có thể mất tới 10 tỷ USD.

Chuyên gia phân tích David Heger cho biết việc các lãnh đạo ở nhiều múi giờ khác nhau là điều đáng lo ngại khi những vấn đề của công ty cần sự chung tay nhiều hơn.

“Trong tình cảnh hiện tại của công ty, việc thử nghiệm làm việc từ xa đối với các lãnh đạo cấp cao dường như không lý tưởng lắm”, Heger nói.

Tháng 6 năm ngoái, Meta thông báo tất cả nhân viên toàn thời gian sẽ được đăng ký làm tại nhà nếu công việc của họ cho phép, đồng thời tiếp tục mở rộng không gian văn phòng để đáp ứng số lượng nhân viên ngày càng tăng.

Chính sách này không áp dụng với tất cả nhân viên. Những người làm ở mảng phần cứng và cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu công ty vẫn phải đến văn phòng.

Ngoài các nhân viên bắt buộc phải đến văn phòng, Meta đã chuyển sang chế độ làm việc “kết hợp - hybrid”, cho phép hầu hết nhân viên, gồm cả các lãnh đạo cấp cao, làm việc ở bất cứ địa điểm nào mà họ cho là tốt nhất. Thời điểm ngày 28/3 tới đây, các nhân viên trong diện bắt buộc hoặc theo nguyện vọng cá nhân, có thể quay trở lại văn phòng làm việc.

Meta đang ở giai đoạn đầu phát triển “metaverse” - vũ trụ ảo, thuật ngữ mô tả các thế giới ảo trong đó con người có thể tương tác học tập hay vui chơi với nhau.

Stephen Lee, người sáng lập Logan Capital, quỹ cố vấn đầu tư uỷ quyền đã mua cổ phiếu của Facebook, cho biết khi Meta đẩy mạnh phát triển nhiều sản phẩm cho phép người dùng tương tác trực tuyến, thì việc các giám đốc điều hành làm việc ở nhiều địa điểm khác nhau có thể gửi đi tín hiệu tốt.

“Nếu bạn đang cố gắng phát triển metaverse và hệ thống nơi làm việc, thì vừa làm vừa rút kinh nghiệm có thể không phải là cách quá tệ để triển khai”, Lee nói.

Có rất ít công ty áp dụng chế độ làm việc từ xa với cấp độ quản lý ở mức độ này, theo Peter Cappelli, giáo sư quản lý tại Wharton School.

Các lãnh đạo cấp cao làm việc cùng nhau cho phép họ phối hợp, lập chiến lược và xây dựng lòng tin. Ở cạnh nhau về khoảng cách vật lý cũng có thể giúp tạo ra và duy trì văn hoá công ty, gồm cả việc dìu dắt nhân viên cấp dưới, ý kiến của Bill George, giáo sư quản lý thực hành tại Harvard Business School.

“Mọi người muốn biết sếp của họ đang ở đây. Phải, bạn có thể sử dụng Zoom hay Microsoft Teams hay bất kỳ ứng dụng nào khác để liên lạc, nhưng sự hiện diện nói lên rất nhiều điều”, George chia sẻ.

Giáo sư này cũng cho biết, nhiều giám đốc điều hành chọn các địa điểm xa xôi vào giai đoạn đầu của đại dịch, nhưng trong phần lớn trường hợp, sẽ là tốt hơn nếu các lãnh đạo cấp cao hiện diện gần gũi với thành viên trong nhóm.

“Tôi đã từng tới Hawaii rồi, và tôi có thể nói rằng, bạn sẽ không hoàn thành được nhiều công việc ở đó đâu”.

Trong khi đó, Zuckerberg đã tìm ra cách để hoà trộn cả công việc và nghỉ ngơi tại Hawaii, khi đăng tải trên Instagram các chuyến du ngoạn bằng tàu cánh ngầm và khắc hoạ tiềm năng tận hưởng những hoạt động như vậy trong metaverse.

Vinh Ngô (Theo WSJ)

CEO mới của Naver Hàn Quốc đặc biệt chú trọng đến Việt Nam

CEO mới của Naver Hàn Quốc đặc biệt chú trọng đến Việt Nam

Tân CEO Naver Choi Sooyeon không chỉ từng bước thay đổi tổng bộ ở Hàn Quốc mà còn chú trọng đến Naver Việt Nam. Sau khi thành lập Trung tâm lập trình tại TP.HCM, rất nhiều quyền lợi từ Naver Hàn Quốc đã được áp dụng tại Việt Nam.