Shantanu Narayen là người luôn trân trọng mỗi buổi đêm ngon giấc. Là Chủ tịch kiêm CEO Adobe, ông hầu như đi công tác cả năm và luôn bị ảnh hưởng của lệch múi giờ hay qua đêm trên các chuyến bay. Vì vậy, khi trở lại biệt thự tạ Palo Alto sau vài ngày xa nhà, thật bất ngờ khi ông không tận hưởng cảm giác của chiếc chăn ấm áp trong phòng ngủ. Thay vào đó, khi những vì sao cuối cùng của Vịnh San Francisco bắt đầu lặn xuống, ông thường vào phòng riêng, bật kênh ESPN và ngồi vài tiếng đồng hồ theo dõi đội ricket Ấn Độ yêu thích, trong khi vợ của ông say ngủ trên lầu.

Hồi đáp quê hương

Đã hơn 3 thập kỷ từ khi người đàn ông 58 tuổi rời Ấn Độ để theo đuổi việc học tại Mỹ, dù vậy, tầm ảnh hưởng của ông chưa lúc nào sụt giảm. Ông là một trong những lãnh đạo thành công và đáng kính nhất thế hệ, đưa Adobe trở thành một trong 40 công ty lớn nhất thế giới. Ông thường xuyên xuất hiện trong danh sách các CEO và doanh nhân xuất sắc nhất hành tinh của các tạp chí như Forbes hay Fortune. Năm 2018, Thời báo Ấn Độ vinh danh ông là “Người Ấn Độ của năm”.

{keywords}
 

Với di sản đồ sộ, bản thân ông Narayen có tầm ảnh hưởng đến hàng triệu người dân ở quê hương. Adobe cũng rót hàng tỷ USD vào nền kinh tế Ấn Độ và cung cấp phần mềm miễn phí cho học sinh, sinh viên. Ông muốn dùng công nghệ để giải thoát phần lớn dân số khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, lòng vị tha không phải lý do duy nhất để Adobe đầu tư. Ông hiểu Ấn Độ đủ rõ để nhận ra tiềm năng to lớn của các công dân nước mình đối với việc kinh doanh và đổi mới. Ông mô tả nó là cơ hội lớn nhất của Adobe.

“Kiến thức số sẽ mang đến cho mọi người cơ hội dồi dào và giúp cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Với chúng tôi, mục tiêu là để mọi người dân Ấn Độ được tiếp cận kiến thức số. Đó là một cách để đáp đền cộng đồng”, ông trả lời trang Indo-Asian News Service năm 2019.

Lực lượng lao động của Adobe tại Ấn Độ tăng lên gần 6.000 trong suốt nhiệm kỳ 14 năm của ông Narayen. 1/3 hoạt động nghiên cứu diễn ra tại đây, trong đó có phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo cách không xa ngôi nhà ông từng sinh ra và lớn lên.

Trên Thời báo Ấn Độ, ông cho biết thế giới đang dõi theo tiến trình chuyển đổi số của Ấn Độ. “Mỗi lần trở về Ấn Độ, tôi lại ấn tượng khi nhìn thấy những tiến bộ trong môi trường kinh doanh và công nghệ”, ông chia sẻ.

Một trong các khoảnh khắc tự hào nhất của CEO Adobe là khi nhân viên nam và nữ có mức lương như nhau, một điều mà ít công ty đa quốc gia nào làm được.

Chàng trai Ấn Độ trở thành CEO Adobe

Chính cha mẹ là người truyền cho ông động lực và tham vọng để lên tới đỉnh vinh quang. Cha của ông điều hành một nhà máy sản xuất nhựa, còn mẹ ông dạy môn văn học Mỹ. Khi Narayen nói muốn trở thành nhà báo, họ đã khuyên ông nên theo đuổi nghề kỹ sư. Ông cũng từng muốn làm bác sỹ nhưng chứng sợ máu ngăn cản ông thực hiện ước mơ của mình.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật điện tử, ông chuyển tới Mỹ để học Thạc sỹ Khoa học máy tính tại Đại học bang Bowling Green, sau đó học tiếp Tiến sỹ Quản trị Kinh doanh tại Trường Kinh doanh Haas thuộc Đại học California. 15 năm sau, ngôi trường này vinh danh ông là “Lãnh đạo kinh doanh của năm”.

Ông hồi tưởng, Ohio là một nơi đặc biệt khi ông bắt đầu cuộc sống ở Mỹ tại đây. Không chỉ sống ở một đất nước xa lạ, đó cũng là lần đầu ông sống xa vòng tay cha mẹ. Vì vậy, ông phải tìm cách cân bằng và học các kỹ năng như dọn dẹp, nấu ăn và trên hết là xử lý mọi rắc rối khi bị quăng vào một nền văn hóa hoàn toàn khác. “Tôi có nhiều kỷ niệm vui khi sống tại Ohio, và tất nhiên, đứng đầu danh sách đó là gặp được vợ mình”, ông chia sẻ trên Thời báo Ấn Độ.

Hầu hết các bạn học của ông thời ấy đều đi theo tiếng gọi của các gã khổng lồ Silicon Valley. Ông Narayen cũng nhận được những lời mời như vậy song lại gây ngạc nhiên cho các thầy khi gia nhập startup công nghệ xe hơi, Measurex Automation Systems. Không lâu sau, Apple đưa ông về trong giai đoạn đầy biến động. Đó là vào năm 1989, Steve Jobs bị đuổi khỏi công ty mình sáng lập, bỏ lại một Apple đang vật lộn để làm mới chính mình. Ông Narayen đóng vai trò quan trọng trong việc xoay chuyển vận may của “táo khuyết”.

“Tại Apple, bạn thực sự tin rằng bạn có thể thay đổi thế giới. Hành trình ấy giống như một phần thưởng. Tôi mang phần mềm đến cho hàng triệu người và thật khó để không phấn khích vì điều ấy”, ông nói.

Sau 6 năm, ông rời Apple để đồng sáng lập một doanh nghiệp chia sẻ ảnh kỹ thuật số có tên Pictra. “Bạn học được nhiều thứ khi ở trong một startup”. Dù vậy, sau 12 – 14 tháng, mô hình kinh doanh và gọi vốn của Pictra vẫn không hoàn thiện. Ông quyết định quay lại cuộc sống văn phòng và tham gia Adobe năm 1998, phụ trách phát triển sản phẩm toàn cầu. Sau khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (COO) năm 2005, ông tiếp tục giữ vị trí Tổng Giám đốc (CEO) vào năm 2007 với sứ mệnh dẫn dắt cuộc di cư của các phần mềm Photoshop, Acrobat và Premiere Pro lên đám mây.

Tuy nhiên, ông Narayen làm được nhiều hơn thế. Ông thực hiện nhiều vụ thâu tóm, đa dạng hóa Adobe, đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giữ Adobe ở tuyến đầu của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo. Từ giá trị 11 tỷ USD năm 2008, Adobe nay là doanh nghiệp trị giá hơn 292 tỷ USD và không có dấu hiệu dừng lại.

Uy tín của ông không chỉ dừng lại ở thế giới kinh doanh. Trên chính trường, ông được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama mời vào Ban cố vấn quản trị. Ông được Hiệp hội thương mại Ấn Độ xướng tên “Nhà cách tân của năm”. 21.000 nhân viên Adobe rõ ràng cũng yêu quý ông chủ của họ khi Adobe liên tục có mặt trong danh sách các nơi làm việc tốt nhất nước Mỹ.

Dù vậy, 35 năm bôn ba nơi đất khách quê người ít nhất đã làm cho ông cảm thấy chút bất tiện khi trở về quê hương. “Giao thông tệ hơn chục lần và kháng thể của tôi không được như trước, vì vậy tôi không thể ăn ở các hàng quán vỉa hè như trước đây nữa”, ông đùa trên trang tin Mint.

Du Lam