Chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank Việt Nam) mùa thứ 5 vừa chính thức khép lại. Đây là chương trình truyền hình thực tế, nơi các công ty khởi nghiệp huy động vốn và qua đó xuất hiện trước công chúng.

Trải qua 14 tập phát sóng, Shark Tank Việt Nam mùa 5 đã giúp 56 startup thuộc nhiều lĩnh vực giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp của mình. 

Theo thông tin mới được công bố, Shark Tank mùa 5 đã kết thúc với tổng cộng 31 thương vụ hợp tác trên sóng. Trong đó, Shark Hùng Anh - thành viên mới của “bể cá mập” trở thành nhà đầu tư bạo chi nhất mùa 5 với 10 thương vụ.

Lần đầu tham dự chương trình, thế nhưng Shark Hùng Anh lại là cá mập "bạo chi" nhất Shark Tank. (Số liệu: Shark Tank Việt Nam)

Số thương vụ của các Shark còn lại lần lượt là Shark Liên (9 thương vụ), Shark Bình (7 thương vụ), Shark Hưng (6 thương vụ), Shark Erik Johnsson (3 thương vụ), Shark Phú (2 thương vụ), Shark Linh (2 thương vụ) và Shark Louis Nguyễn (1 thương vụ). 

Thống kê của ban tổ chức cũng cho thấy, Shark Tank mùa 5 chứng kiến sự gia tăng đột biến của các startup công nghệ. Trong đó, xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới, có tiềm năng tăng trưởng cao với những giải pháp sáng tạo, hữu ích cho thị trường. 

Có thể kể tới giải pháp vật liệu tự nhiên ứng dụng ngoài trời của e-Timber, vòng bi cổ xe và bộ giảm xóc xe máy của nhà sáng chế Nguyễn Vĩnh Sơn, cánh tay robot công nghiệp Delta X của IMWI, giải pháp công nghệ nhà module AMD, nước từ trường…

Nhà sáng lập Lê Hải Vũ và mẫu tai nghe true wireless Make in Việt Nam do Velasboost phát triển. (Ảnh: FBNV)

Sau khi lên sóng Shark Tank, nhiều startup công nghệ cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, đáng kể nhất là trường hợp của Velasboost. Startup chuyên sản xuất phụ kiện điện thoại Make in Việt Nam đã bán ra 22.000 sản phẩm, doanh thu tăng trưởng 280%, lượng truy cập website tăng 320% so với cùng kỳ. 

Startup EM & AI cũng đã tăng gấp 3 số lượng khách hàng, số lượng cuộc gọi từ Voicebot AI và doanh thu. Đây là startup phát triển công nghệ ứng dụng AI xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt, một “bộ não” giúp trợ lý ảo hiểu được ý định, sắc thái khách hàng qua lời nói.

Một hiện tượng đáng chú ý khác là startup quản gia công nghệ AirCity. Sau khi lên sóng, startup này đã có lượng truy cập website tăng 11 lần, số lượt like fanpage tăng 5 lần, lượt tìm kiếm trên Facebook, Google tăng 20 lần.

Dịch vụ quản gia công nghệ AirCity cũng là startup gặt hái nhiều thành công sau khi lên sóng Shark Tank (Ảnh: FBNV)

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhiều startup Việt hậu chương trình là minh chứng cho giá trị mà Shark Tank Việt Nam mang lại đối với các công ty khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp công nghệ. 

Shark Tank Việt Nam mùa 5 khép lại trên sóng truyền hình nhưng các hoạt động hỗ trợ startup Việt vẫn sẽ tiếp tục được triển khai. Theo dự kiến, vào tháng 11 tới, Shark Tank Forum – sự kiện thường niên lớn nhất của Shark Tank Việt Nam sẽ được tổ chức nhằm kết nối nhà đầu tư trong nước, quốc tế với các doanh nghiệp Việt.

Trọng Đạt