Thông tin từ Cục Hải quan Tp.HCM cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Ủy ban Nhân dân Tp.HCM về tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam, đơn vị này đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc Cục tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin để phục vụ công tác phân tích, xác định đúng lô hàng trọng điểm cần giám sát, kiểm soát chặt chẽ, áp dụng quản lý rủi ro, phân luồng kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu trong thông quan và kiểm tra sau thông quan đối với trường hợp nghi vấn giả mạo xuất xứ, gắn mác "Made in Vietnam".

Cục Hải quan Tp.HCM cũng yêu cầu các đơn vị có các biện pháp hỗ trợ, phối hợp với nhau trong việc tổ chức điều tra, xác minh, kiểm tra, kiểm soát đối với các lô hàng nhập khẩu giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với việc thực hiện thủ tục Hải quan, kiểm tra, giám sát Hải quan theo quy định của Tổng cục Hải quan.

Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức theo dõi, nắm bắt những biến động bất thường trong hoạt động xuất khẩu sang một số thị trường để có biện pháp kiểm tra thực tế hàng hóa, kiểm tra sau thông quan, điều tra, xác minh và xử lý đối với hành vi gian lận xuất xứ, làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu Việt Nam và các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực hải quan.

Trong đó, lưu ý các mặt hàng tiêu dùng như điện tử, thiết bị điện dân dụng, giày dép, quần áo, mỹ phẩm... được sản xuất, nhập khẩu từ nước ngoài nhưng trên nhãn hàng hóa thể hiện "Made in Vietnam", mã vạch, địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.

Cục Hải quan Tp.HCM cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho hàng xuất khẩu, lưu ý một số mặt hàng có nguy cơ cao trong việc làm giả xuất xứ Việt Nam.

Đẩy mạnh kiểm tra sau thông quan nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các doanh nghiệp lợi dụng xuất xứ Việt Nam để gian lận thương mại.

Theo đó, khi phát hiện hàng hóa nhập khẩu ghi "Made in Vietnam" yêu cầu phải điều tra, xác minh làm rõ.

Nếu có căn cứ xác định hàng hóa nhập khẩu giả mạo về nguồn gốc xuất xứ thì xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ngơ hoặc tiếp tay hoạt động nhập khẩu hàng hóa nước ngoài về Việt Nam giả mạo xuất xứ, gắn mác "Made in Vietnam" hoặc thường xuyên để xảy ra hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên tuyến, địa bàn phụ trách.

Tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ, nhãn mác hàng hóa nhập khẩu theo đúng các hướng dẫn, quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan về ghi nhãn hàng hóa, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quy trình kiểm tra xác định xuất xứ…

Riêng đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài có khả năng giả mạo xuất xứ Việt Nam, Cục Hải quan Tp.HCM chỉ đạo khi kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu có), công chức hải quan phải thực hiện kiểm tra cụ thể tên hàng, mã số HS, xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa phải phù hợp với tên hàng, mã số HS, xuất xứ hàng hóa trong bộ hồ sơ lô hàng nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nếu có).

Ngoài ra, các đơn vị phải chủ động tổ chức triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan để tăng cường kiểm soát, phát hiện các hành vi vi phạm liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ, hàng giả... trong quá trình làm thủ tục hải quan trên địa bàn quản lý.

Asanzo phản đối chính sách thu hồi, đổi trả sản phẩm của Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim...

Theo VnEconomy