Chuyển đổi số ngành Bảo hiểm xã hội đã được thực hiện như thế nào? | Số hóa dữ liệu ngành Bảo hiểm cho phép các địa phương tra cứu hồ sơ với thời gian tính bằng giây

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã thực hiện số hóa và lưu trữ dưới dạng điện tử 4.736.497 hồ sơ giấy của đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, tương đương 25 triệu trang tài liệu điện tử (Ảnh minh họa: http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn)

Trong 2 năm gần đây, theo kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT và phát triển Chính phủ điện tử của cơ quan nhà nước do Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT thực hiện, ở khối các cơ quan thuộc Chính phủ, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã liên tục giữ vị trí dẫn đầu.

Trong tham luận tại hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương được tổ chức mới đây, đại diện BHXH Việt Nam nhấn mạnh, những năm gần đây, công tác ứng dụng CNTT được cơ quan này đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ then chốt, mang tính chất “sống còn” đối với sự phát triển của ngành.

Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tập trung triển khai đồng bộ việc xây dựng Hệ thống CNTT với các cơ sở dữ liệu nghiệp vụ được quản lý tập trung toàn ngành dưới sự điều hành, giám sát từ Trung ương thông qua Trung tâm Điều hành các hoạt động CNTT. Các cơ sở dữ liệu được lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu và Trung tâm dự phòng để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, giúp cho hệ thống hoạt động thông suốt, ổn định. 

Đến nay, BHXH Việt Nam đã xây dựng được một số các cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ quản lý nghiệp vụ chuyên ngành của các cơ quan bảo hiểm từ Trung ương tới địa phương. Trong đó có thể kể đến những cơ sở dữ liệu quan trọng để trích xuất thông tin phục vụ cho cơ sở dữ liệu quốc gia như: cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế; cơ sở dữ liệu sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế và quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; cơ sở dữ liệu người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; cơ sở dữ liệu thuốc, hoạt chất và vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật trong danh mục được thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; và cơ sở dữ liệu hồ sơ thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, kết quả giám định thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số và chuyển đổi hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử, đại diện BHXHViệt Nam cho biết, việc triển khai giao dịch điện tử đã được thực hiện từ năm 2015 đến nay. Theo thống kê, thời điểm hiện tại, tổng số đơn vị sử dụng lao động tham gia BHXH thực hiện giao dịch điện tử là 337.193 trên tổng số 571.235 đơn vị sử dụng lao động; tổng số hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử tính cả năm 2018 là khoảng 47,7 triệu hồ sơ. Ngoài ra, hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế năm 2018 đã tiếp hơn hơn 160 triệu hồ sơ giao dịch điện tử đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh.

“Việc triển khai giao dịch điện tử đã giúp quá trình chuyển đổi từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử thực hiện ngay từ khâu đầu vào của nghiệp vụ, giúp điện tử hóa các quy trình nghiệp vụ thực hiện trong nội bộ từ đầu vào cho đến khi trả kết quả cho đơn vị”, đại diện BHXH Việt Nam cho hay.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đã thực hiện số hóa và lưu trữ dưới dạng điện tử 4.736.497 hồ sơ giấy của đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, tương đương 25 triệu trang tài liệu điện tử để Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bảo hiểm xã hội cấp huyện và Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng khai thác, sử dụng. Trước đây, khi hồ sơ chưa được số hóa, khi địa phương cần sao lục hồ sơ từ Trung tâm Lưu trữ của ngành có thể mất vài tuần nhưng nay có thể tra cứu với thời gian tính bằng giây. 

Đáng chú ý, đến nay tất cả dữ liệu nghiệp vụ của ngành bảo hiểm đều được liên thông, kết nối và đồng bộ đảm bảo việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ trên các phần mềm CNTT, hạn chế sử dụng giấy tờ trong giải quyết hồ sơ nghiệp vụ. BHXH Việt Nam đã đưa vào sử dụng hơn 5.171 chữ ký số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp và đã sử dụng trong hoạt động nghiệp vụ để thay thế cho việc ký theo cách truyền thống.

Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay, BHXH đã tích cực triển khai văn phòng không giấy tờ tại cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp. “Xác định việc triển khai văn phòng không giấy tờ là sự cải cách, thay đổi toàn bộ cách thức làm việc của cán bộ cơ quan, do vậy, từ tháng 3/2017, BHXHViệt Nam đã yêu cầu lãnh đạo cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp không ký, không trình văn bản giấy dưới mọi hình thức, trừ các văn bản mật và một số văn bản hồ sơ theo danh mục quy định.  Với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc triển khai chuyển đổi số đã làm nâng cao tốc độ, hiệu quả công việc, hiệu lực quản lý, đồng thời đảm bảo tính chính xác của công việc, hạn chế sai sót, tiêu cực và tăng cường giám sát thực thi công vụ”, đại diện BHXHViệt Nam khẳng định.