Những bước nhỏ của CyRadar cho một giấc mơ lớn | Startup an toàn thông tin CyRadar: Những bước nhỏ cho một giấc mơ lớn

Tháng 8/2019, CyRadar là đại diện duy nhất của Việt Nam có tên trong “Top 20 Cyber Security Innovators in 2019” dành cho các doanh nghiệp bảo mật nhiều đổi mới sáng tạo, theo bình chọn của tạp chí uy tín Technology Innovation của Mỹ.

Dùng công nghệ mới giải các bài toán cũ

Tháng 8/2019, sau hơn 2 năm rời khỏi “lồng ấp” FPT, tách ra hoạt động độc lập, Công ty cổ phần an toàn thông tin CyRadar đã vượt qua 800 công ty bảo mật khác trên toàn cầu, trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam có tên trong “Top 20 Cyber Security Innovators in 2019” dành cho các doanh nghiệp bảo mật nhiều đổi mới sáng tạo, theo bình chọn của tạp chí uy tín Technology Innovation của Mỹ.

Với startup còn non trẻ này, việc được trao danh hiệu “Top 20 Cyber Security Innovators in 2019” cùng với nhiều tên tuổi hàng đầu của làng bảo mật thế giới như McAfee, FireEye, Fortinet… không đơn thuần là một sự ghi nhận những nỗ lực sáng tạo của đội ngũ CyRadar mà còn tiếp thêm động lực, một lần nữa khẳng định định hướng CyRadar đang kiên trì theo đuổi là đúng hướng.

Lựa chọn tên gọi CyRadar với hàm ý ví đơn vị mình như chiếc ra-đa rà quét, phát hiện sớm mã độc, các cuộc tấn công trên không gian mạng, Fourder - CEO Nguyễn Minh Đức ngay từ đầu đã định hướng sử dụng các công nghệ mới như học máy (Machine Learning), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data) để giải quyết các bài toán cũ mà những giải pháp truyền thống khi đó đang gặp khó khăn.

“Từ kinh nghiệm nghề nghiệp đã tích lũy, khi đó tôi nhận thấy nếu không có cách tiếp cận mới, không dùng công nghệ mới sẽ không thể phát hiện sớm được các cuộc tấn công. Lợi thế của chúng tôi là các hãng bảo mật đã có 5 -7 năm kinh nghiệm đang có đà với những sản phẩm truyền thống, không dễ để quyết định đập đi làm lại các sản phẩm đó”, ông Đức chia sẻ.

Đặc biệt, với việc hoạch định ngay từ đầu một khung kiến trúc và lộ trình cho hệ sinh thái sản phẩm sẽ từng bước phát triển, CyRadar thay vì ứng dụng AI cho từng sản phẩm đơn lẻ, đã xây dựng một nền tảng thông minh trở thành “bộ não” chia sẻ cho nhiều sản phẩm của mình. Cho dù là hệ thống chống mã độc cho từng thiết bị đầu cuối “CyRadar Endpoint Detection & Response”, hay hệ thống đánh chặn ở cửa ngõ mạng “CyRadar Internet Shield” cũng như hệ thống phân tích, giám sát toàn bộ lưu lượng mạng “CyRadar Advanced Threat Detection”, chúng đều chung một nền tảng AI.

Từng bước một, CyRadar đã dùng công nghệ mới để giải những bài toán cụ thể như phát hiện hành vi bất thường trong mạng, phân tích nội dung website để phát hiện website lừa đảo hay phân tích các file lạ để kết luận đó là mã độc, thậm chí là ứng dụng cho việc dự đoán các nguồn tấn công mới.

Sau gần 5 năm khởi nghiệp với gần 3 năm hoạt động độc lập, CyRadar hiện đã có bộ sản phẩm cơ bản bao trùm được các biện pháp bảo vệ cho một tổ chức, doanh nghiệp, từ các máy tính cho đến phân tích mạng và gateway.

Điểm đặc biệt là các sản phẩm của CyRadar đều được thiết kế theo hướng mở ngay từ đầu để có thể tương thích, kết nối với các giải pháp của các hãng bảo mật khác đang được các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng. Ví dụ, giải pháp SOC đang được CyRadar cung cấp cho Sở TT&TT Cần Thơ thực tế đã kết nối với nhiều giải pháp của các hãng khác được Sở này dùng từ trước.

Mở hướng vươn ra thị trường nước ngoài

Các sản phẩm chính cùng nhiều dịch vụ đi kèm khác của CyRadar như giám sát, tư vấn, kiểm thử, hỗ trợ tìm kiếm lỗ hổng trên ứng dụng mobile, web… đến nay đã bước đầu được thị trường đón nhận. Bên cạnh tập khách hàng khoảng hơn 20 doanh nghiệp lớn đang góp phần doanh thu chính cho công ty, CyRadar cũng đã có vài trăm khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) và một số cơ quan, tổ chức nhà nước ở các địa phương.

Nói về chặng đường phát triển gần 3 năm qua, ông Nguyễn Minh Đức cho rằng, điều công ty làm được tốt nhất chính là đã làm chủ được công nghệ, tập trung nghiên cứu, phát triển và đưa ra được những sản phẩm an toàn thông tin tốt của người Việt Nam. Theo ông Đức, đội ngũ nhân sự chuyên môn cao, đam mê phát triển sản phẩm là nhân tố mấu chốt để CyRadar gặt hái được những thành quả bước đầu cả về sản phẩm và thị trường. Từ 8 nhân sự ngày đầu thành lập đến nay CyRadar đã là đội ngũ 40 người với đa phần làm kỹ thuật, phát triển sản phẩm.

“Để thu hút và giữ chân những nhân sự làm an toàn thông tin chất lượng cao, chúng tôi đã tạo ra môi trường văn hóa đặc thù của một nhà sản xuất sản phẩm mà ở đó các bạn trẻ thấy mình có cơ hội phát triển khả năng, đồng thời cũng thúc đẩy họ có sự tự hào vì mình có thể làm được sản phẩm”, ông Đức chia sẻ.

Người đứng đầu startup CyRadar cũng bộc bạch, quyết định làm sản phẩm thay vì làm dịch vụ hay phân phối đã là một quyết định khó khăn. Bởi lẽ, tại thị trường Việt Nam thời điểm CyRadar khởi nghiệp, đã có sự hiện diện của nhiều hãng bảo mật tên tuổi trên thế giới. Chọn làm sản phẩm chính là chọn cạnh tranh với các hãng này. Ông Đức nói thêm: “Đây cũng chính là lý do để chúng tôi chọn cách tiếp cận mới, sử dụng các công nghệ mới ngay từ đầu. Vì nếu không làm như vậy, sản phẩm của Cyradar sẽ không có gì khác biệt và đương nhiên sẽ không thể cạnh tranh, tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường”.

Những bước nhỏ của CyRadar cho một giấc mơ lớn | Startup an toàn thông tin CyRadar: Những bước nhỏ cho một giấc mơ lớn

Các sản phẩm chính cùng nhiều dịch vụ đi kèm khác của CyRadar như giám sát, tư vấn, kiểm thử, hỗ trợ tìm kiếm lỗ hổng trên ứng dụng mobile, web… đến nay đã bước đầu được thị trường đón nhận (Ảnh minh họa)

Hồi tưởng lại thời điểm mới tung sản phẩm ra thị trường, nhà sáng lập CyRadar kể, chúng tôi đã được thị trường “dạy” cho bài học đầu tiên, đó là không phải cứ sản phẩm của mình tốt thì sẽ được thị trường đón nhận. Ngay sau đó, CyRadar đã có sự điều chỉnh, chọn cách thâm nhập thị trường phù hợp hơn và cũng tự học làm kinh doanh để hiểu, nắm bắt thị trường tốt hơn.

Đơn cử như, nhận thấy thị trường còn thiếu vắng sản phẩm phù hợp với các doanh nghiệp SMB, CyRadar đã ra giải pháp thiết kế riêng cho đối tượng này. Hay gần đây, thấy được cơ hội từ các văn bản của nhà nước nhấn mạnh cần ưu tiên sử dụng sản phẩm an toàn thông tin của doanh nghiệp trong nước, CyRadar đã gửi hồ sơ và được Bộ TT&TT công nhận giải pháp chống mã độc của CyRadar là 1 trong 6 giải pháp đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, được khuyến nghị sử dụng trong cơ quan nhà nước.

“Hai Chỉ thị 14 về an toàn thông tin do Bộ TT&TT tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành thời gian qua đã là “giấy thông hành” để CyRadar tiếp xúc, phát triển mảng khách hàng cơ quan nhà nước tại địa phương”, đại diện CyRadar nhận định.

Trong vô vàn khó khăn các startup phải đối mặt, nhà sáng lập CyRadar cho rằng, cái khó nhất của doanh nghiệp làm sản phẩm an toàn thông tin như CyRadar là làm thế nào để thuyết phục khách hàng tin tưởng và chịu chi tiền để sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp mình.

Để vượt qua các trở ngại nhất là tâm lý “sính” hàng ngoại của đa số người Việt, CyRadar thường đề xuất để các doanh nghiệp quan tâm đến sản phẩm của mình sử dụng thử trong một thời gian nhất định. Qua đó, CyRadar chứng minh được năng lực cũng như giúp khách hàng phát hiện và ngăn chặn kịp thời cuộc tấn công tinh vi. Kết quả thu được trong quá trình khách hàng dùng thử là sự thuyết phục tốt nhất.

Trong kế hoạch phát triển, thời gian tới CyRadar vẫn hướng tới bảo vệ an toàn cho các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam. CyRadar dự định trong khoảng 5 - 10 năm tới sẽ tính đến việc mở rộng sang thị trường nước ngoài, đồng thời cung cấp một số phần mềm để bảo vệ cho người dùng cá nhân và hộ gia đình. CyRadar đặt mục tiêu sẽ có tên trong Top 20 doanh nghiệp an ninh mạng hàng đầu châu Á trong khoảng 10 năm tới.

Thực tế, CyRadar đang triển khai những bước đầu tiên cho mục tiêu đưa sản phẩm ra nước ngoài, với việc thử nghiệm cung cấp giải pháp phòng chống mã độc cho doanh nghiệp Nhật. “Tới đây, ngoài việc mở rộng việc cung cấp sản phẩm CyRadar thông qua đơn vị phân phối, chúng tôi sẽ tiến tới để các sản phẩm của mình đạt tiêu chuẩn quốc tế. Mục tiêu vào Top 20 công ty an ninh mạng hàng đầu châu Á sẽ được thực hiện dần từng bước một”, ông Đức thông tin.