CEO CyRadar: Khó nhất là thuyết phục doanh nghiệp vốn chuộng hàng ngoại chịu chi tiền dùng giải pháp bảo mật nội | Startup CyRadar muốn có tên trong Top 20 doanh nghiệp an ninh mạng hàng đầu châu Á

Theo chia sẻ của CEO CyRadar Nguyễn Minh Đức, các doanh nghiệp làm sản phẩm như CyRadar phải đối mặt với rất nhiều khó khăn song có lẽ khó nhất vẫn là phải làm thế nào để thuyết phục các khách hàng tin tưởng và chịu chi tiền để sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp mình (Ảnh minh họa)

Cách đây 2 năm, tại sự kiện FPT Techday 2017, CyRadar đã chính thức được cho “ra ở riêng”, trở thành công ty cổ phần độc lập trong lĩnh vực an toàn thông tin, được tự chủ trong quá trình phát triển kinh doanh.

Là dự án khởi nghiệp về an toàn thông tin, được phát triển bởi nhóm nghiên cứu bảo mật tại Ban Công nghệ FPT và nhận được sự hỗ trợ đầu tư của FPT. CyRadar hướng tới việc áp dụng các công nghệ mới như công nghệ học máy (Machine Learning) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data) để phát hiện và ngăn chặn sớm hơn các cuộc tấn công mạng - điều mà các giải pháp truyền thống đang gặp khó khăn.

Ngay từ thời điểm thành lập Công ty, CyRadar đã có 1 sản phẩm là “CyRadar Advanced Threat Protection” - giám sát, phân tích lưu lượng mạng trong tổ chức doanh nghiệp để phát hiện ra các tấn công, đã được thử nghiệm ở một số tổ chức, doanh nghiệp như MobiFone, MoMo, FPT Telecom, VTC Intecom… và một số cơ quan của Chính phủ.

Chia sẻ với ICTnews về kết quả đạt được sau 2 năm tách ra hoạt động độc lập, ông Nguyễn Minh Đức - Nhà sáng lập, CEO CyRadar cho biết, thời gian qua, cùng với việc hoàn thiện sản phẩm “CyRadar Advanced Threat Protection”, CyRadar đã phát triển và cho ra mắt thị trường thêm 2 sản phẩm khác, đó là “CyRadar Internet Shield” -một cổng bảo mật (secure gateway) thế hệ mới, giúp bảo vệ doanh nghiệp trước các cuộc tấn công qua đường email, web và DNS; và  trước mã độc tấn công qua mạng Internet và email, chống tấn công lừa đảo trực tuyến, quản lý “CyRadar Endpoint Detection and Response” - giải pháp tổng thể phòng chống mã độc, giúp bảo mật cho từng máy tính trong doanh nghiệp.

“Ba sản phẩm kể trên của chúng tôi đã bao trùm các biện pháp bảo vệ toàn diện cho một tổ chức, doanh nghiệp, từ các máy tính cho đến phân tích mạng và gateway. Chúng tôi cũng hướng tới việc các sản phẩm của mình đều tương thích với các hệ thống giám sát an ninh, an toàn thông tin hiện đại để sẵn sàng tích hợp hoặc là tương tác được với các sản phẩm bảo mật của các hãng khác”, ông Đức chia sẻ.

Ngoài việc cung cấp 3 sản phẩm, CyRadar cũng đang triển khai cung cấp thêm một số dịch vụ về an toàn thông tin dựa trên các sản phẩm do đơn vị mình phát triển, đơn cử như các dịch vụ giám sát, tư vấn, kiểm thử, hỗ trợ tìm kiếm lỗ hổng cho các ứng dụng mobile, web của các ngân hàng, tổ chức… cùng một số dịch vụ chuyên biệt khác như săn tìm mã độc trong hệ thống của doanh nghiệp.

Ông Đức cũng chia sẻ thêm, sau 2 năm, CyRadar đã có được một tập khách hàng với khoảng 20 doanh nghiệp, tổ chức với đa số là các doanh nghiệp, tổ chức lớn. “Chúng tôi vẫn đang vận hành theo đúng kế hoạch đã đề ra”, ông Đức khẳng định.

Đề cập đến những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển sản phẩm công nghệ, nhất là sản phẩm thuộc lĩnh vực hẹp, đặc thù là an toàn thông tin, CEO CyRadar Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh: các doanh nghiệp làm sản phẩm như CyRadar phải đối mặt với rất nhiều khó khăn song có lẽ khó nhất vẫn là phải làm thế nào để thuyết phục các khách hàng tin tưởng và chịu chi tiền để sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp mình.

Để vượt qua các trở ngại, đặc biệt là tâm lý chuộng sử dụng hàng ngoại của người Việt, theo chia sẻ của ông Đức, CyRadar thường đề xuất để các doanh nghiệp quan tâm đên giải pháp của mình sử dụng thử trong một thời gian nhất định. Qua đó, chứng minh được năng lực cũng như giúp khách hàng phát hiện và ngăn chặn kịp thời cuộc tấn công tinh vi. Kết quả thu được trong quá trình khách hàng dùng thử là sự thuyết phục tốt nhất.

“Thời gian để thuyết phục được các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ, giải pháp của CyRadar cũng tương đối lâu, có thể lên tới 6 tháng. Trong thời gian đó, không chỉ “chăm chăm”để có thể bán được sản phẩm, chuyên gia CyRadar còn tham gia làm nhiều việc khác cho doanh nghiệp khách hàng như: tư vấn, phụ trách security cho doanh nghiệp, giống như một nhân viên của doanh nghiệp đó và sau một thời gian khách hàng đã đồng ý sử dụng giải pháp của CyRadar”, đại diện CyRadar kể.

Nói về kế hoạch phát triển thời gian tới, người đứng đầu CyRadar cho biết, hiện nay doanh nghiệp cung cấp giải pháp bảo mật này đang bắt đầu hướng đến đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB). Kế hoạch trong 6 tháng tới, CyRadar đặt mục tiêu sẽ cung cấp dịch vụ cho khoảng 100 – 200 doanh nghiệp SMB.

“Trước mắt, chúng tôi vẫn sẽ hướng tới bảo vệ an toàn cho các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam. Từ những kết quả đạt được, trong khoảng 5- 10 năm tới CyRadar sẽ tính đến việc mở rộng sang thị trường trong khu vực, đồng thời cung cấp một số phần mềm để bảo vệ cho người dùng cá nhân và hộ gia đình. Chúng tôi kỳ vọng CyRadar sẽ có tên trong Top 20 doanh nghiệp an ninh mạng hàng đầu châu Á trong khoảng 10 năm tới”, ông Đức cho biết.