Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 18, ngày 29/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số (CĐS) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp đã giúp CĐS có sức bật mạnh mẽ.

Thực hiện CĐS, hạ tầng số, trang thiết bị trong hệ thống chính trị của tỉnh từng bước được quan tâm đầu tư; cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin chuyên ngành được xây dựng. Mở rộng vùng phủ sóng đến 127/154 thôn trắng sóng; hỗ trợ gần 28.000 hộ nghèo, cận nghèo được sử dụng dịch vụ internet thông qua chương trình viễn thông công ích... Công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh Hà Giang trên các nền tảng số ngày được mở rộng, đổi mới, lan tỏa mạnh mẽ, đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét, nhất là lĩnh vực du lịch.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Đỗ Thái Hòa cho biết: Trong dòng chảy của CĐS, tỉnh đã vào cuộc, bắt nhịp nhanh xu thế, đẩy mạnh triển khai công tác truyền thông số trong hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa hình ảnh địa phương trên môi trường mạng. Coi CĐS là nhiệm vụ lớn, trọng tâm, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc quyết liệt của các hệ thống chính trị nên ngay đầu năm 2024, tỉnh đã ban hành các kế hoạch, quyết định; xác định 92 chỉ tiêu, nhiệm vụ, mô hình CĐS và an toàn thông tin; CĐS gắn với cải cách hành chính và gắn với triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

Qua truyền thông số giúp ẩm thực Hà Giang lan tỏa tới du khách thập phương.
Qua truyền thông số giúp ẩm thực Hà Giang lan tỏa tới du khách thập phương. Ảnh: KIM TIẾN

Trong đó, nổi bật nhất có thể kể đến công tác truyền thông số. Mặc dù là tỉnh miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn nhưng với phương châm “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng; thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền; không để ai bị bỏ lại phía sau”, Hà Giang đặt quyết tâm chính trị cao trong CĐS với phương châm “Xây dựng chính quyền số là đột phá, kinh tế số là trọng tâm, xã hội số là chiến lược lâu dài”.

Để sớm hoàn thành khâu đột phá về du lịch theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, tỉnh ban hành Đề án đổi mới công tác truyền thông theo hướng công nghệ số nhằm lan tỏa hình ảnh, phát triển du lịch Hà Giang.

Kết hợp chặt chẽ các kênh truyền thông chính thống của tỉnh với truyền thông nhà nước và truyền thông cộng đồng. Với sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong CĐS, tỉnh đã xây dựng mạng lưới truyền thông rộng khắp với hàng chục Fanpage, Zalo OA từ tỉnh đến cơ sở, hàng trăm YouTuber sáng tác các tác phẩm lan tỏa hình ảnh Hà Giang trên môi trường số.

Đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các nền tảng số theo hướng trọng tâm, ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS để đa dạng hóa nội dung và hình thức truyền thông. Tạo sự tin cậy, chính thống trên môi trường số. Nếu như trước đây, để tổ chức một buổi xúc tiến du lịch, thương mại phải tốn kém nhiều chi phí, lượng người được tiếp cận khiêm tốn. Với việc áp dụng các công nghệ số, mỗi sự kiện truyền thông, tỉnh có thể đánh giá được số lượng người xem, bình luận, chia sẻ...

Nhiều sản phẩm mang thương hiệu của các HTX đã đăng ký mã vạch được bày bán tại gian hàng trước trụ sở Liên minh Hợp tác xã tỉnh.         Ảnh: HOÀNG NGỌC
Nhiều sản phẩm mang thương hiệu của các HTX đã đăng ký mã vạch được bày bán tại gian hàng trước trụ sở Liên minh Hợp tác xã tỉnh. Ảnh: HOÀNG NGỌC

Bên cạnh đó, do đặc thù của tỉnh miền núi, một bộ phận đồng bào chưa biết chữ, thường xuyên sử dụng tiếng địa phương, trang thiết bị máy tính, điện thoại thông minh còn ít, còn hơn 100 thôn chưa có điện lưới. Trước tình hình đó, tỉnh đã ưu tiên đầu tư hệ thống truyền thanh công nghệ internet và đầu tư hệ thống thông tin nguồn, tin, bài phát thanh được chia sẻ, dùng chung, tập trung, phân cấp trên địa bàn tỉnh. Để thường xuyên cung cấp thông tin chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: Một trong những sự kiện được Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận là sáng kiến hay, không chỉ là mô hình nội bộ của Hà Giang mà cần được tham khảo, nhân rộng đối với các tỉnh, thành phố; được báo chí, truyền thông và dư luận xã hội đồng thuận đó chính là sự kiện tỉnh tổ chức Ngày hội truyền thông số. Đây là giải pháp đặc biệt, là diễn đàn mở để gặp gỡ, chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo trong công tác truyền thông; tạo sự kết nối và phối hợp thường xuyên giữa truyền thông nhà nước với truyền thông cộng đồng; tư vấn xây dựng cơ chế, chính sách, cách làm mới; đồng thời, là dịp để tỉnh ghi nhận, vinh danh, khích lệ các kênh thông tin, cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động truyền thông, quảng bá, lan tỏa về Hà Giang trên môi trường số.

Có thể khẳng định, các giải pháp CĐS mạnh mẽ không chỉ mang lại hiệu quả của công tác truyền thông, mà còn giúp các cơ quan quản lý có quan điểm tích cực, cởi mở, có cách tiếp cận mới hơn đối với truyền thông mạng xã hội, đặc biệt là với truyền thông cộng đồng.

“Cú hích” đó được tạo ra đã góp phần đẩy lùi thông tin tiêu cực, xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian số. Qua theo dõi thông tin trên không gian mạng của ngành chức năng, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Giang có tỷ lệ bài viết tích cực đạt 30,96%; trung tính đạt 68,20%, tiêu cực 0,84%.

Đặc biệt, công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh Hà Giang trên các nền tảng số ngày càng mở rộng, đổi mới, lan tỏa mạnh mẽ, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt khi thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm; riêng dịp nghỉ lễ 30.4 – 1.5.2024, lượng khách du lịch đến tỉnh trên 142.800 lượt người, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu du lịch ước đạt 354,1 tỷ đồng.

 Theo KIM TIẾN (Báo Hà Giang)