Có lẽ thương hiệu Synology vẫn còn khá mới với nhiều người dùng Việt Nam. Ông có thể giới thiệu khái quát về Synology được không?

Synology là nhà sản xuất các thiết bị lưu trữ dữ liệu qua mạng (Network Attached Storage), giải pháp quản lý giám sát camera IP và các thiết bị mạng đến từ Đài Loan. Công ty chúng tôi có hơn 800 nhân viên, 70% trong số này là các nhân sự tham gia vào việc nghiên cứu và phát triển (R&D). Synology hiện có mặt ở hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Synology hỗ trợ người dùng tập trung hóa việc quản lý lưu trữ và sao lưu, chia sẻ dữ liệu mọi lúc mọi nơi, triển khai các giải pháp giám sát chuyên nghiệp và quản lý mạng một cách tin cậy với ngân sách phù hợp trong kỷ nguyên đám mây.

Năm 2016, Synology giành vị trí số 1 trong cuộc Khảo sát về hệ thống lưu trữ NAS tầm trung của TechTarget, đứng đầu tất cả các nhà cung cấp lưu trữ bao gồm HPE, NetApp, EMC…

Lý do nào để các doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn giải pháp của Synology mà không phải là một cái tên nào khác, thưa ông?

Synology không chỉ cung cấp hệ thống lưu trữ phần cứng mà còn tích hợp vào đó giải pháp bảo vệ dữ liệu cấp doanh nghiệp Active Backup Suite.

Active Backup Suite hỗ trợ các tác vụ backup & restore đa nền tảng như PC, Server vật lý, File Server và ảo hoá VMware. Phần mềm này còn hỗ trợ việc Backup cho các nền tảng làm việc văn phòng phổ biến khác như Office 365 hay G Suite.

Active Backup Suite giúp đơn giản hoá các thao tác của nhân viên IT trong doanh nghiệp. Người quản lý có thể dùng máy tính để sao lưu dữ liệu từ PC, server, hệ thống máy ảo cũng như trên đám mây hay cài phần mềm cho tất cả các máy tính còn lại.

Đặc biệt, khác với các phần mềm khác doanh nghiệp phải trả phí hàng năm, Active Backup Suite hoàn toàn miễn phí.

Synology cũng có tính năng sao lưu dữ liệu đám mây, vậy tính năng này có ưu điểm gì so với các dịch vụ lưu trữ đám mây khác?

Doanh nghiệp vừa và nhỏ thường sử dụng các nền tảng lưu trữ đám mây như Dropbox, Google Drive hay OneDrive, bởi chúng miễn phí hoặc chi phí phải trả hàng tháng rất thấp.

Tuy nhiên, khi sử dụng các dịch vụ lưu trữ đám mây này, người dùng sẽ gặp phải những vấn đề như không thể chủ động xử lý trong trường hợp dữ liệu gặp sự cố, không có quyền truy xuất dữ liệu và không biết rằng liệu bên thứ ba có giúp bảo vệ dữ liệu hay không.

Giải pháp của Synology sẽ giúp giải quyết những vấn đề đó. Chỉ cần 1 thiết bị chính là người dùng có thể quản lý “đám mây vật lý” thực sự đặt tại doanh nghiệp để lưu trữ, chia sẻ dữ liệu, đồng bộ 2 chiều, có thể backup theo nhiều phương thức giúp dữ liệu luôn an toàn và có thể phục hồi dữ liệu bất kỳ lúc nào.

Người dùng có thể tham khảo và áp dụng "Chiến lược sao lưu 3-2-1", điều đó có nghĩa là bạn có ít nhất 3 bản sao dữ liệu của mình, 2 bản được lưu trữ cục bộ nhưng trên các thiết bị khác nhau và 1 bản sao ngoại vi.

Không chỉ có lưu trữ và sao lưu cục bộ, Synology còn cung cấp dịch vụ đám mây của riêng mình, Synology C2. Trong những năm gần đây, Synology đang từng bước xây dựng đám mây lai để bảo vệ tất cả các tài sản kỹ thuật số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh nhu cầu về lưu trữ dữ liệu, thì việc quản lý camera giám sát trong cùng một hệ thống cũng đang tăng lên. Synology có giải pháp gì để đáp ứng cho nhu cầu này?

Hiện tại, có 2 công nghệ camera giám sát phổ biến là VMS và NVR. Công nghệ VMS có thể giúp kiểm soát các hệ thống camera giám sát lớn, người dùng có thể cấu hình cả về phần cứng và phần mềm. Tuy vậy, nhược điểm của VMS là chi phí quá đắt đỏ, người dùng phải trả phí thường niên trong suốt thời gian sử dụng.

Với NVR, chi phí đầu tư cho thiết bị khá rẻ, dễ cài đặt, nhưng công nghệ này là chỉ quản lý được số lượng camera nhỏ, dung lượng lưu trữ hạn chế.

Hệ thống giám sát camera được Synology phát triển bằng việc kết hợp lợi thế của VMS và NVR với khả năng quản lý tập trung hỗ trợ tới 6.000 camera chuẩn ONVIF hiện có trên thị trường, đồng thời liên kết cùng hệ thống lưu trữ NAS. Khi có vấn đề phát sinh từ hệ thống, người dùng chỉ phải tìm đến một đầu mối duy nhất là Synology.

Người dùng hệ thống giám sát của Synology chỉ cần trả tiền duy nhất 1 lần khi mua thiết bị. Điều này giúp giảm thiểu tối đa chi phí vận hành hệ thống.

Xin cảm ơn ông