- Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn yêu cầu đẩy mạnh các đợt kiểm tra đột xuất đối với một số đại lý SIM vi phạm các quy định về đăng ký thông tin thuê bao để "làm gương, răn đe" những cơ sở sai phạm khác.

Rất thẳng thắn, người đứng đầu ngành TT&TT thừa nhận tại cuộc làm việc với Cục Viễn thông chiều nay, 11/5, rằng tin nhắn rác, SIM rác là vấn đề khiến ông trăn trở từ lâu. Đây cũng là vấn đề đang gây bức xúc dư luận xã hội, bị nhiều người dùng phản ứng. Bản thân Bộ TT&TT đã đưa ra nhiều giải pháp, văn bản pháp lý để siết chặt và hạn chế tình trạng này, song kết quả thu được vẫn chưa được như ý muốn.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Trương Minh Tuấn yêu cầu đẩy mạnh các đợt kiểm tra đột xuất đối với một số đại lý SIM vi phạm quy định.

 

"Vấn đề này tôi đã nhắc trong Giao ban QLNN quý I của Bộ, hôm nay tôi lại nhắc tiếp. Đề nghị Thứ trưởng Phan Tâm chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công thương và các cơ quan báo đài tiến hành kiểm tra đột xuất một số đại lý có nhiều sai phạm, xử lý làm gương để răn đe, giáo dục ý thức cho các đại lý khác", Bộ trưởng kiên quyết. Chỉ đạo này được đưa ra sau khi có ý kiến phản ánh của Cục An toàn thông tin về tình trạng bất chấp Chỉ thị 11 của Bộ TT&TT mới đây về việc nghiêm cấm đại lý kích hoạt SIM khi thuê bao chưa đăng ký thông tin, nhiều đại lý vẫn cho người dùng kích hoạt thoải mái mà không phải trình bất cứ giấy tờ tùy thân nào.

"Việc kiểm tra đột xuất các đại lý như vậy cũng là một hình thức gián tiếp cảnh cáo các nhà mạng", vì họ đã không quản lý được đại lý của mình, Bộ trưởng chỉ rõ.

Người dân cần biết về đầu số 456!

Hiện nay, VNCERT đã dành một đầu số 456 chuyên để tiếp nhận phản ánh của người dùng về tin nhắn rác. Trong 3 tháng đầu năm, đầu số này đã tiếp nhận hơn 44.000 lượt phản ánh, trong đó các tin nhắn quảng cáo Bất động sản chiếm hơn 20%, tin nhắn quảng cáo đầu số 1900 chiếm 12%, SIM số đẹp hơn 50%... Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện VNCERT, các nhà mạng chưa tuyên truyền triệt để tới các thuê bao của mình về đầu số 456, nên hiệu quả tập hợp dữ liệu của đầu số này chưa cao.

Đồng tình với nhận định này, Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng, cơ quan quản lý cần có những biện pháp để sử dụng hiệu quả hơn đầu số 456, đảm bảo rằng đây là đầu mối duy nhất để tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác từ phía người dùng. "Tăng cường khả năng phản ánh của người dùng cũng là một cách để tạo áp lực hơn cho các nhà mạng", ông Tâm phân tích. "Các Doanh nghiệp buộc phải vào cuộc, cạnh tranh với nhau, đầu tư đúng mức cho việc xử lý tin rác".

Nhiều ý kiến tại cuộc họp cũng đồng thuận về việc có thể xem xét bổ sung năng lực chặn tin nhắn rác vào danh mục tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ của các nhà mạng. Kết quả đánh giá chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp sẽ được công bố công khai tới xã hội.

Về phần Cục Viễn thông, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng cho biết, theo qui định, người sử dụng thuê bao trả trước phải đăng ký thông tin cá nhân và doanh nghiệp di động phải lưu giữ thông tin cá nhân của các thuê bao đó. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện với rất nhiều nỗ lực từ Bộ TT&TT và các Sở TT&TT, việc này vẫn không thành công.

"Lý do cơ bản trong câu chuyện này là vấn đề mâu thuẫn về lợi ích kinh tế (cả doanh nghiệp và người sử dụng đều không thấy có lợi ích khi triển khai việc này), là việc doanh nghiệp vẫn chưa vào cuộc dù đây là trách nhiệm của doanh nghiệp, và việc thực thi pháp luật chưa nghiêm (khuyến mại, phát hành thẻ, xử lý sau các đợt thanh tra)", ông Trung phân tích.

Một trong những giải pháp mà Cục Viễn thông đang hướng tới là đưa ra các chính sách khuyến mại tập trung ưu tiên cho các tổ chức, cá nhân đăng ký thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác và cam kết là khách hàng thường xuyên của doanh nghiệp. 

Nhận xét về hướng đi này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, các chính sách khuyến khích thuê bao trả sau, đăng ký thông tin đầy đủ với nhà mạng là rất cần thiết. "Nếu 95% thuê bao trả trước tại VN chuyển sang thuê bao trả sau thì vừa đảm bảo gắn bó lâu dài với nhà mạng, vừa giải quyết được các vấn nạn xã hội như tin nhắn rác, SIM rác...".

T.C