Mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt giúp tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ thanh toán của người dân. Từ đó hình thành thói quen và thúc đẩy tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong mọi hoạt động.

Tại quyết định phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Chính phủ đặt mục tiêu đến 2025 sẽ đưa điểm chấp nhận thanh toán không tiền mặt lên con số trên 450.000 điểm, nhằm làm tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ thanh toán của người dân.

Khi xây dựng kế hoạch nhằm triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, các địa phương đều đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao trong phát triển mạng lưới thanh toán hiện đại.

Người dân có nhu cầu lớn trong sử dụng thanh toán không tiền mặt. Ảnh: Duy Vũ

Theo kế hoạch triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 vừa ban hành, TP.HCM muốn trong 3 năm tới sẽ tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên 250.000 điểm. Con số này chiếm tới trên 50% số lượng điểm thanh toán đặt ra trong mục tiêu chung của cả nước. Địa phương cũng đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng đạt trên 90%. Số giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua thiết bị di động mỗi năm tăng trên 50%.

Cũng trong kế hoạch vừa ban hành, UBND tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu sẽ tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 7.500 điểm trong vòng 3 năm tới. Đồng thời, đưa tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 10 - 15%/năm. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

Không đưa ra các con số cụ thể về tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân. Tuy nhiên, Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu 100% các huyện, thành phố, siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có các điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

Tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể là đưa tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm.

Các điểm thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên quen thuộc với nhiều người tiêu dùng. Ảnh: Duy Vũ

Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80-100%/năm. Tăng trưởng số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35-40%/năm. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

Xu hướng sử dụng các dịch vụ thanh toán không tiền mặt vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh là tiền đề thuận lợi để các địa phương có thể sớm hoàn thành mục tiêu. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm hiện đạt hơn 90%, nhiều ngân hàng Việt Nam có hơn 90% giao dịch trên kênh số.

Số liệu tính đến tháng 6/2022 cho thấy, có tới 68% người trưởng thành mở tài khoản với hơn 114 triệu tài khoản ở các ngân hàng. Các dịch vụ thanh toán số, thanh toán di động cũng đang có xu hướng mở rộng tới các khu vực ngoài đô thị.

Một con số thống kê mới đây cho thấy, đến tháng 8/2022, Việt Nam có khoảng hơn 14.000 đơn vị chấp nhận thanh toán theo các phương tức mới, trong đó có hơn 50% điểm kinh doanh nằm ở khu vực nông thôn. Điều này chứng tỏ nhu cầu của người dân là rất lớn, đòi hỏi sự phát triển hơn nữa các điểm chấp nhận thanh toán không tiền mặt.

Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á Google, Temasek và Bain & Company đánh giá triển vọng sáng của nền kinh tế số Việt Nam. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực năm 2022, với 26% CAGR. Người dùng kỹ thuật số thành thị tại Việt Nam có mức tiếp nhận dịch vụ kỹ thuật số cao nhất, trong đó lĩnh vực thương mại điện tử, thực phẩm và tạp hóa.