Thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử là xu hướng tất yếu trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đẩy mạnh phát triển nền kinh tế số, công nghệ số. Đồng thời, đem lại nhiều lợi ích như giảm chi phí xã hội, đảm bảo quản lý nhà nước về vĩ mô tiền tệ thanh toán, góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng hiệu quả, quản lý thuế.

Tạo lập cơ chế hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đang là vấn đề cần ưu tiên hàng đầu. Ảnh: Thế Vinh

Với mục tiêu hạn chế lưu thông tiền mặt trong nền kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát, chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến năm 2025, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự nhạy bén của giới trẻ, thị trường thanh toán không tiền mặt sẽ tăng trưởng 25%, kéo theo sự gia tăng cực nhanh của số lượng giao dịch trực tuyến.

Tuy nhiên, tạo lập cơ chế hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đang là vấn đề cần ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh việc nêu cao ý thức của người dùng,  nhiều chuyên gia cho rằng bản thân các bên cung cấp dịch vụ cần bảo đảm những tiêu chuẩn bảo mật, áp dụng công nghệ, kết hợp với việc chia sẻ thông tin để đảm bảo xử lý sự cố kịp thời, bảo vệ người dùng.

Không chỉ gia tăng về số lượng vụ lừa đảo liên quan đến việc thanh toán không dùng tiền mặt, đại diện Ví MoMo cho rằng, các hành vi lừa đảo gần đây liên tục thay đổi về hình thức và ngày càng tinh vi. Vì vậy, ý thức bảo vệ tài sản cá nhân (bao gồm tài khoản ngân hàng, ví điện tử) trong môi trường số ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Bên cạnh việc cập nhật, sử dụng các công nghệ bảo mật và áp dụng hệ thống phòng chống gian lận, MoMo liên tục khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không click vào link lạ, không cung cấp OTP/mật khẩu cho bất kỳ ai để tránh mất tiền. 

Khi sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, trước hết người dùng cần biết tự bảo vệ mình, nâng cao kiến thức về an toàn thông tin, áp dụng các ứng dụng cần thiết để bảo vệ trước các cuộc tấn công. So sánh về mức độ bảo mật hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam và các nước phát triển khác trên thế giới, một số chuyên gia nhận định rằng, phần lớn các nhà cung cấp dịch vụ này ở Việt Nam nhập công nghệ uy tín của nước ngoài nên sự cách biệt về khả năng bảo mật là không quá lớn. Nhưng cũng không loại trừ trường hợp doanh nghiệp lược bỏ bớt bước bảo mật nhằm tiết kiệm chi phí.

Quan trọng  nhất là cả nhà cung cấp và người sử dụng cần có ý thức về bảo mật, cách thức ứng xử với rủi ro, sự cố nhanh và hiệu quả thì mới có thể vượt qua trở ngại này để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, xã hội không tiền mặt cũng có những vấn đề quan ngại trước những rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật, an toàn dữ liệu, an ninh mạng. Các cơ quan quản lý của Việt Nam cần lưu tâm trong quá trình hoạch định, triển khai chính sách phù hợp.

Đối với việc bảo vệ người tiêu dùng, Bộ TT&TT cho rằng, khi xây dựng kế hoạch liên quan đến việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, cần có nội dung yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt những giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động chuyển đổi số, thanh toán điện tử và cơ chế giải quyết tranh chấp có thể phát sinh trong hoạt động sử dụng công nghệ số, nền tảng số.

Trong khi đó, nhằm thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng thương mại nâng cao chất lượng dịch vụ và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tạo sự phát triển bứt phá. Các ngân hàng thương mại tiếp tục hướng dẫn người dân kỹ năng giao dịch tài chính - thanh toán an toàn, hợp lý. Mặt khác phải tạo niềm tin cho khách hàng bằng cách xây dựng quy định pháp luật bảo vệ người sử dụng dịch vụ đề phòng rủi ro trong thanh toán tiêu dùng.