Các định hướng kể trên của Bộ TT&TT vừa được đại diện Vụ CNTT chia sẻ tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 154/2013/NĐ-CP quy định về khu CNTT tập trung (Nghị định 154) và 4 năm triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 được Bộ TT&TT tổ chức hôm nay, ngày 23/1/2019, tại Hà Nội.

Sẽ xây dựng chiến lược thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư hạ tầng khu CNTT tập trung | Tạo môi trường, động lực mới cho sự phát triển các khu CNTT tập trung

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu khai mạc hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 154 và 4 năm triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng đến 2025.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, ngay từ năm 2000, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 58 xác định CNTT là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước đã đặt vấn đề xây dựng các khu vực chuyên biệt để thu hút, tạo lợi thế cạnh tranh quốc tế cho các doanh nghiệp CNTT. Ngay sau đó, năm 2001, Công viên phần mềm Quang Trung đã ra đời và đi vào hoạt động tại TP.HCM. Sự thành công của Công viên phần mềm Quang Trung, vào năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định riêng - Nghị định 154 quy định các ưu đãi đặc biệt về cơ chế, chính sách và phương thức quản lý nhà nước thân thiện để nhân rộng hơn nữa mô hình thành công của Công viên phần mềm (CVPM) Quang Trung.

Sau 5 năm triển khai, đến nay cả nước đã có 4 khu CNTT tập trung gồm CVPM Quang Trung, CVPM Đà Nẵng, khu CNTT tập trung Cầu Giấy-Hà Nội và Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội.

Theo nhận định của Thứ trưởng, với sự định hướng đúng đắn trong việc quy hoạch và phát triển các khu CNTT tập trung của Chính phủ, đến nay các khu CNTT tập trung đã có những kết quả rất ấn tượng, tạo ra nhiều công ăn việc làm, thu hút sự đầu tư của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghiệp CNTT tại nước ta, trong đó tiêu biểu là CVPM Quang Trung.

Số liệu của Vụ CNTT cho hay, CVPM Quang Trung hiện đã có 160 doanh nghiệp phần mềm, nội dung số, dịch vụ CNTT và các doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động, với tổng số vốn đăng ký trên 2.600 tỷ đồng. Tổng doanh thu năm 2018 của các doanh nghiệp CNTT hoạt động tại CVPM này ước đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2014; trong đó thị trường xuất khẩu đóng vai trò quan trọng, với giá trị xuất khẩu năm 2018 đạt gần 350 triệu USD, tăng 38,7% so với năm 2017.

Với thành công của khu CNTT tập trung CVPM Quang Trung, ngày 3/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 333/QĐ-TTg thí điểm thành lập Chuỗi CVPM Quang Trung, trong đó kết nạp khu CVPM Đại học Quốc gia TP.HCM tham gia vào Chuỗi. Từ sau khi trở thành thành viên của Chuỗi CVPM Quang Trung, khu CVPM Đại học Quốc gia TP.HCM đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành nơi ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao cho thành phố.

Nối tiếp sự thành công, một số địa phương cũng quyết tâm hình thành và xây dựng khu CNTT tập trung như Cần Thơ, Thanh Hóa, Đà Lạt, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Đây đều là các địa điểm chiến lược, phù hợp xây dựng khu CNTT tập trung trong tương lai.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Tâm cũng chỉ rõ, qua thực tiễn triển khai, Nghị định 154 đã bộc lộ một số bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung như: chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê đất/giao đất… bị các văn bản khác chi phối, khó áp dụng trên thực tế, chưa có sự đồng nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác mới được sửa đổi, bổ sung; các quy định về thủ tục, hồ sơ công nhận, thành lập khu CNTT tập trung; bổ sung thêm mô hình khu CNTT tập trung (mô hình Chuỗi khu CNTT tập trung)…

Sẽ xây dựng chiến lược thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư hạ tầng khu CNTT tập trung | Tạo môi trường, động lực mới cho sự phát triển các khu CNTT tập trung

Tại hội nghị, đại diện các địa phương, bộ, ngành và các doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào hoạt động CNTT, đầu tư xây dựng khu CNTT tập trung đã thảo luận về những bất cập của Nghị định 154

Cũng tại hội nghị, đại diện các địa phương, bộ, ngành và các doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào hoạt động CNTT, đầu tư xây dựng khu CNTT tập trung đã thảo luận về những vấn đề bất cập của Nghị định 154, từ đó đề xuất hướng điều chỉnh, sửa đổi Nghị định này nhằm thúc đẩy phát triển các khu CNTT tập trung một cách hiệu quả.

Từ góc độ của cơ quan tham mưu cho Bộ TT&TT xây dựng các chính sách thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp CNTT, tại hội nghị, đại diện Vụ CNTT đã thẳng thắn chỉ rõ 4 vấn đề  lớn trong thực thi chính sách khu CNTT tập trung, đó là: Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung chưa phát huy được vai trò định hướng và huy động nguồn lực đầu tư phát triển; Sự phát triển nhanh của thực tiễn đặt ra vấn đề cần nghiên cứu xem mô hình và các điều kiện về tiêu chí khu có phù hợp không, có cần bổ sung mô hình của Chuỗi công viên phần mềm, khu phần cứng, hay cần có phân loại khu loại 1, 2, 3 không…; sự thiếu đồng bộ giữa các chính sách pháp luật; và việc thiếu nguồn lực đầu tư phát triển khu CNTT tập trung.

“Hiện nay gần như chính sách, các nguồn lực, kế hoạch, dự án của nhà nước còn chưa thực sự được quan tâm đầu tư từ nguồn lực nhà nước. Nhận định đây là lĩnh vực đầu tư không mang lại hiệu quả tức thì như bất động sản, đại diện Vụ CNTT cho rằng việc nhà nước bố trí nguồn lực để làm “mồi” cho các doanh nghiệp đầu tư giai đoạn ban đầu là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án”, đại diện Vụ CNTT nêu quan điểm.

Trên cơ sở đó, theo đại diện Vụ CNTT, Bộ TT&TT đã có những định hướng sơ bộ với việc thúc đẩy phát triển khu CNTT tập trung. Theo đó, việc đầu tiên là cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 154 để cập nhật tình hình thực tế mới, phù hợp với những chính sách mới ban hành như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế… Song song với đó, Bộ TT&TT sẽ làm việc với từng bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT… để phối hợp hướng dẫn triển khai một cách đồng bộ các chính sách với khu CNTT tập trung.

Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quy hoạch tổng thể triển khai khu CNTT tập trung trên cả nước; xây dựng Chiến lược để làm sao thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn ưu tiên đầu tư vào hạ tầng khu CNTT tập trung để tạo môi trường, động lực mới cho sự phát triển khu CNTT tập trung.

Trong kết luận hội nghị, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ TT&TT sẽ xây dựng báo cáo phân tích đánh giá toàn diện, có tính định lượng cao hơn nữa để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị định 154 sau 5 năm; đồng thời đề xuất xây dựng một Nghị định mới thay thế Nghị định 154 với các nội dung quy định chi tiết hơn, cụ thể hơn và dễ đi vào thực tiễn cuộc sống hơn. Thứ trưởng cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu đầu quý II/2019 sẽ đưa nội dung xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 154 vào chương trình công tác của Chính phủ năm nay và cuối năm 2019 Nghị định mới được trình Chính phủ xem xét, ban hành.