Báo chí truyền thông tham gia hướng dẫn, góp ý giải pháp chống dịch hiệu quả

Kế hoạch thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An trong thời gian tới, vừa được Bộ TT&TT ra quyết định 3235 ban hành ngày 23/8.

Kế hoạch cũng nhằm tuyên truyền và làm rõ các thông điệp và tinh thần chỉ đạo trong Công điện 1099 ngày 22/8 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai đến mỗi gia đình, mỗi cá nhân; xác định rõ phương châm “Chỉ có làm nghiêm mới dập được dịch và giảm tử vong”,  “Ở nhà giúp kiểm soát địch thành công”, “Không để ai ở nhà bị đói”, “Thầy, thuốc tại chỗ - Điều trị tại nhà”...

“Báo chí, truyền thông trực tiếp tham gia chống dịch, lấy việc thông tin, hướng dẫn, góp ý giải pháp chống dịch hiệu quả, giảm tỷ lệ tử vong, ổn định đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân làm mục tiêu lớn nhất của công tác báo chí - truyền thông”, kế hoạch của Bộ TT&TT nêu rõ.

{keywords}
 Bộ TT&TT vừa kế hoạch thông tin, tuyên truyền để tăng cường hiệu quả trong phối hợp chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An (Ảnh minh họa)

Theo kế hoạch, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19 đối với công tác truyền thông, các “binh chủng” báo chí, truyền thông và công nghệ cần thực hiện tốt một số nội dung, yêu cầu.

Cụ thể, báo chí, truyền thông cần tuyên truyền nổi bật các giải pháp của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền thành phố; nỗ lực của Thành phố chăm lo đời sống của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách, đặc biệt ở tầng lớp người nghèo, người lao động tự do…

Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài, nhiều thách thức, Bộ TT&TT đề nghị báo chí thận trọng trước các thông tin nhất là các sơ xuất không mong muốn trong thực hiện biện pháp phòng, chống dịch, về các ca tử vong do hạ tầng y tế chưa đáp ứng kịp; không đăng tải các dự báo thiếu căn cứ về các nguy cơ. Đồng thời, đấu tranh, phản bác kịp thời các thông tin giả, xấu độc trên không gian mạng.

Cơ quan báo chí có sai sót khi đăng tải thông tin thì phải đính chính ngay; không giật tít tin, bài theo dạng nghi vấn, lửng lơ dễ gây suy diễn, hiểu theo hướng tiêu cực liên quan đến công tác phòng, chống dịch, tránh thông tin những hiện tượng cá biệt, đơn lẻ, không phản ánh bản chất tình hình chung...

Tăng cường thông tin hướng dẫn người dân phòng, chống dịch như: Thực hiện giãn cách, đảm bảo phòng, chống dịch trong sinh hoạt hàng ngày, tự theo dõi và bảo vệ sức khỏe, cách ly và điều trị tại nhà.

Song song đó, tập trung thông tin về những nỗ lực trong công tác điều trị và các kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào điều trị, các loại thuốc hỗ trợ điều trị đang phát triển và thử nghiệm thành công trong nước, tiến độ nhập, phân phối và tiêm vắc xin gắn với việc thiết lập các vùng an toàn với F0 (các vùng đã được tiêm vắc xin với đại bộ phận dân cư).

Thông tin nhanh, đúng, đủ liều lượng, rõ ràng về các giải pháp mới của ngành y tế trong đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, tự xét nghiệm, hoạt động của các đội chăm sóc y tế lưu động tại các phường, xã trên địa bàn quận, huyện, thị xã để giúp người dân yên tâm, biết cách huy động sự trợ giúp về y tế trong quá trình theo dõi sức khoẻ tại nơi cư trú.

Tiếp tục thông tin, khuyến cáo về phòng chống dịch qua SMS, loa truyền thanh

Bộ TT&TT cũng đề nghị các mạng xã hội trong nước, trang tin điện tử tổng hợp tham gia tích cực vào việc lan tỏa thông tin hữu ích, thiết thực giúp các ngành, các cấp và người dân chống dịch hiệu quả, biết cách làm cụ thể để đảm bảo được các nhu cầu thiết yếu về ăn uống, sinh hoạt, giữ gìn sức khoẻ, tự bảo vệ bản thân và gia đình. Tổ chức sử dụng các nền tảng Zalo, Viber... thông báo rộng rãi, ngắn gọn các chính sách để giúp người dân yên tâm thực hiện.

Bên cạnh đó, có giải pháp huy động các “KOLs”, đặc biệt là những tài khoản mạng xã hội có ảnh hưởng tốt trong giới báo chí, truyền thông cùng tham gia chia sẻ những quan điểm, góc nhìn, cách làm có tác động tích cực đến hiệu quả chung của công tác phòng, chống dịch.

Sử dụng những cơ chế phối hợp đặc biệt với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, bao gồm cả các biện pháp kỹ thuật để xử lý, bóc gỡ triệt để tin giả, tin xuyên tạc, bóp méo các quan điểm, phương pháp chống dịch, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý nhân dân và ảnh hưởng đến hiệu quả công tác chống dịch, ổn định xã hội.

Bộ TT&TT cũng nêu ra một số yêu cầu đặc biệt đối với công tác chỉ đạo truyền thông liên quan đến TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Trong đó có việc các địa phương cần chủ động, định kỳ họp báo hoặc quyết định phương thức cung cấp thông tin phù hợp cho báo chí từ 1-2 lần/ngày.

Về thông tin cơ sở, Bộ TT&TT nhấn mạnh, trong tình hình TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An giãn cách, cần ưu tiên các phương tiện, phương thức truyền thông chính sách nhanh và tốt nhất đến người dân; đặc biệt là dân nghèo, người nhập cư khu ven đô không tivi, không smartphone...

Vì vậy, cần sử dụng hệ thống loa truyền thanh, hệ thống loa di động... để thông báo ngắn gọn các chính sách, đặc biệt là các thông tin, chính sách cụ thể giúp an dân như: lịch chuyển, cách chuyển hàng hóa nhu yếu phẩm, thuốc đến người dân, các biện pháp chăm sóc F0 ở nhà, các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng xã, phường...

Đối với viễn thông, cần tiếp tục nhắn tin SMS, gửi thông điệp qua nhạc chờ và qua các hình thức khác với người dân khu vực TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An để gửi các thông tin, khuyến cáo ngắn gọn, quan trọng cần người dân biết và tuân thủ.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng nêu một số nội dung, yêu cầu cho các lĩnh vực khác như thông tin đối ngoại, CNTT - An toàn thông tin, đồng thời giao nhiệm vụ cho các đơn vị có liên quan.

Vân Anh

Báo chí tăng cường hướng dẫn phòng chống Covid-19, truyền cảm hứng tích cực

Báo chí tăng cường hướng dẫn phòng chống Covid-19, truyền cảm hứng tích cực

Báo chí cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn, kêu gọi người dân xây dựng các hành vi, thói quen, kỹ năng mới phòng, chống dịch bệnh; truyền cảm hứng tích cực cho công tác phòng chống dịch Covid-19.